Triển khai Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30-13-2016, của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” với nội dung trọng tâm “làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán…
Góp bàn về việc thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán giữa cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ” và để phát huy triệt để các thế mạnh, hạn chế tới mức thấp nhất những bất lợi mà phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đem lại, nà Trần Thị Thu Ngân, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh gợi mở một số giải pháp:
Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới; nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng, phát triển hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH); ứng dụng các giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng (KYC) bằng phương thức điện tử để thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, bảo đảm hoạt động an ninh, an toàn, hiệu quả.
Hai là, các tổ chức tín dụng cần nhanh chóng trang bị công nghệ hiện đại và an toàn nhằm nâng cao tính bảo mật cho khách hàng, hạn chế tổn thất cũng như nâng cao uy tín của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, khi thực hiện giao dịch với khách hàng, nhất là khi phát hành thẻ tín dụng, cần giải thích cặn kẽ các điều khoản quan trọng, giúp cho khách hàng nhận biết được các rủi ro có thể gặp phải để họ chủ động phòng ngừa cũng như khai thác được các tiện ích do phương thức thanh toán ưu việt này mang lại, tạo ta thói quen tiêu dùng hiện đại. Nâng cao trình độ cho nhân viên, giúp cho họ có thể hỗ trợ khách hàng một cách nhanh chóng, đúng nhu cầu, rút ngắn thời gian giao dịch và giảm các mức phí dịch vụ để thanh toán không dùng tiền mặt thật sự là lựa chọn ưu tiên khi thực hiện giao dịch thanh toán.
Ba là, về phía các đơn vị chấp nhận thẻ cần xây dựng quy trình xử lý các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; tập huấn cho các nhân viên trực tiếp thực hiện giao dịch để phát hiện những vấn đề liên quan đến gian lận trong hoạt động này một cách hiệu quả, bên cạnh việc đầu tư các thiết bị công nghệ hiện đại để phòng tránh rủi ro về lỗi kỹ thuật hay hạn chế năng lực quản lý của con người trong quá trình vận hành và thực hiện các giao dịch thanh toán. Các đơn vị chấp nhận thẻ cần tuân thủ quy định về phí giao dịch, tránh tình trạng yêu cầu khách hàng phải trả nhiều khoản phí.
Bốn là, để trở thành người tiêu dùng thông minh, khách hàng nên trang bị kiến thức trong các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, để tận dụng được tối đa các tiện ích, hạn chế thấp nhất những rủi ro phát sinh.
Ngọc Dũng (tóm lược), Đăng Tấn, Trà My