"Nhiều khi người ta mừng rơi nước mắt vì sau bao nhiêu năm, thủ tục gây cản trở gây khó khăn cho họ được bãi bỏ”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Giảm thời gian thông quan hàng hóa
Báo cáo do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại hội nghị thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại ngày 24/7 cho thấy: Năm 2014 bắt đầu kết nối 5 thủ tục hành chính của 5 Bộ, ngành qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay đã có 11 Bộ, ngành kết nối 53 thủ tục hành chính.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành (kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi thông quan), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Từ khoảng 82 nghìn mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan tại cửa khẩu năm 2015, đã cắt giảm xuống còn khoảng 78 nghìn mặt hàng đến hết quý I năm 2018.
Một số Bộ, cơ quan đã bắt đầu đổi mới phương thức quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tỷ lệ tờ khai hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30% năm 2015 đã giảm xuống còn 19% vào cuối năm 2017.
Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh quan điểm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần, hướng đến mục tiêu môi trường kinh doanh thuộc nhóm đầu ASEAN.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu: Ngành nào chưa làm tốt phải làm tốt hơn, địa phương nào chưa cải cách mạnh hơn cho hội nhập, tạo thuận lợi thì rà lại, xem lại để đạt kết quả tốt hơn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
“Tôi ghi nhận và đánh giá cao các cấp, các ngành, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp (DN), thời gian qua đã có nhiều cố gắng thực hiện niệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó biểu dương Bộ Tài chính, trực tiếp là Tổng cục Hải quan, đã đóng góp tích cực triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN”, Thủ tướng đánh giá.
Dù vậy, Thủ tướng cho rằng tiến độ còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Đến nay số thủ tục triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia mới đạt 53/284 thủ tục phải triển khai (gần 19%); số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn; hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp; số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn đọng nhiều; một số lĩnh vực còn bị bỏ sót; sự chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, chưa được khắc phục; phí kiểm tra chuyên ngành một mặt hàng xuất nhập khẩu vẫn còn cao…
“Tất nhiên tạo thuận lợi thương mại tự do và tạo thuận lợi thương mại nói chung nhưng phải kiểm soát, chống gian lận thương mại, buôn lậu, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân, kể cả hàng xuất khẩu và nhập khẩu. Cho nên không thể thiếu chế tài xử nghiêm tổ chức cá nhân có những vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận thương mại”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu từ nay đến cuối năm 2018 phải hoàn thành việc kết nối tối thiểu 130 thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và cắt giảm 50% danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
"Không ôm giữ ở bộ, ngành mình những điều kiện không cần thiết, để giải phóng sức sản xuất", Thủ tướng yêu cầu.
Mô hình kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN |
Bỏ 1 thủ tục, mừng rơi nước mắt
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: 3 năm vừa qua Chính phủ đã có nhiều cải cách về môi trường kinh doanh, trong đó có tạo thuận lợi thương mại, mà kiểm tra chuyên ngành chỉ là 1 vấn đề của thuận lợi hóa thương mại. Tuy nhiên so với mục tiêu đề ra, thì kết quả đạt được vẫn còn khoảng cách xa. So với thế giới thì ta còn khoảng cách lớn chưa thu hẹp được.
“Thực tế chúng ta có một số cải cách và được DN đánh giá cao. Nhiều khi người ta mừng rơi nước mắt vì sau bao nhiêu năm, thủ tục gây cản trở gây khó khăn cho họ được bãi bỏ”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh DN đã “rất mừng và xúc động trước thay đổi đó”.
Tuy nhiên TS Nguyễn Đình Cung thẳng thắn đánh giá danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành vẫn còn quá nhiều. Sau 4 năm, chúng ta mới giảm được 4 nghìn mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, giảm từ 82 nghìn mặt hàng xuống 78 nghìn.
“Tôi cho rằng số lượng mặt hàng cần kiểm tra chuyên ngành như vậy vẫn còn nhiều”, ông Cung đánh giá và băn khoăn sau khi giảm được 4.000 mặt hàng thì có bao nhiêu mặt hàng lại được đưa vào danh mục kiểm tra chuyên ngành.
Ông Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra còn tình trạng 1 mặt hàng chịu sự kiểm tra của 2-3 bộ. Trong mỗi bộ, thì có mặt hàng cũng chịu kiểm tra của 2-3 Vụ, cục. “Những thứ này ta nên nhanh chóng thay đổi”, ông Cung lưu ý.
Đánh giá việc kết nối các thủ tục lên Cơ chế một cửa, vị chuyên gia này cũng “chê” rằng: Các bộ chỉ kết nối các thủ tục ít người sử dụng, thủ tục nhiều người sử dụng thì không kết nối. Thủ tục nào kết nối mà mất đi ít quyền lợi thì kết nối, còn thủ tục nào kết nối mà giảm quyền lợi thì ít kết nối. Đó là suy nghĩ của tôi.
Đại diện cho hơn 270 DN thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản chia sẻ: Ít nhất 3 năm qua chúng tôi bấu víu vào chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như chỉ được thanh kiểm tra DN 1 lần 1 năm, giảm phí cho DN... Chúng tôi bấu víu vào từng dòng chữ, chung tay với các bộ ngành thực hiện nhiệm vụ Chính phủ đã giao.
Nhưng ông Nguyễn Hoài Nam chỉ ra mức độ cải thiện vẫn còn chậm chạp, có tình trạng “còn nhiều nơi ngại tham khảo ý kiến của chúng tôi”. Đại diện các DN thủy sản mong muốn các bộ, ngành để DN tham gia sâu rộng hơn vào những văn bản mà DN là đối tượng chịu tác động.
Hà Duy