Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 6/5 cho bản tin Substack 'Feed Me', David Ulevitch đến từ quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz đã gọi Google là 'ví dụ tuyệt vời' về việc một công ty tuyển dụng mọi người làm những 'công việc BS' (vô nghĩa).

"Khi chúng ta ưu tiên các tập đoàn và siêu tập đoàn, những công việc không liên quan sẽ sinh sôi nảy nở", ông nói. "Bất cứ ai làm việc trong một công ty cổ cồn trắng với quy mô 10.000+ hoặc lớn hơn đều biết rằng một nhóm người có thể bị sa thải vào ngày mai mà công ty không thực sự cảm thấy sự khác biệt, thậm chí có thể sẽ cải thiện".

Ulevitch từng là CEO startup bảo mật web OpenDNS trước khi bán cho Cisco với giá 635 triệu USD vào năm 2015.

ppp63p1d.png
David Ulevitch, chuyên gia của quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz. Ảnh: Insider

"Tầng lớp quản lý chuyên nghiệp ngày càng tăng ở Mỹ và quan trọng hơn, nhận thức xã hội rằng những công việc đó 'thực sự quan trọng', là một điểm yếu, không phải điểm mạnh", ông nói thêm. "Tôi đã là một phần của tầng lớp này, và thật tuyệt vời - mọi người thực sự đối xử với tôi như thể tôi rất ấn tượng và quan trọng khi tôi là Phó Chủ tịch tại Cisco, vì vậy tự nhiên tôi nghĩ rằng tôi đúng như vậy”.

Theo Ulevitch, một tác động của điều này - "sự suy giảm của các doanh nghiệp nhỏ là nòng cốt cho ngành công nghiệp và sản xuất của Mỹ" do những người trong các ngành hết độ tuổi lao động, công việc outsource ở nước ngoài và các công việc này được xem là ít hấp dẫn hơn so với văn phòng. Ông cũng chỉ ra một hệ quả khác:

"Một vấn đề khác với tất cả các công việc 'BS' trong các tập đoàn lớn là nó lấy đi lợi nhuận từ các cổ đông, những người thường đã nghỉ hưu", ông nói. "Vì vậy, những người đó không chỉ vô dụng (và được nuôi dưỡng để nghĩ rằng những công việc vô dụng này thực sự quan trọng), mà họ còn lấy tiền từ phần còn lại của các chương trình hưu trí của lực lượng lao động”.

Ulevitch tiếp tục nhắc đến Google, gọi công ty là "một ví dụ tuyệt vời".

"Tôi nghĩ không hề điên rồ nếu cho rằng một nửa số nhân viên cổ cồn trắng tại Google có thể không làm việc thực sự", ông nhận xét. "Công ty đã chi hàng tỷ USD mỗi năm cho các dự án không đi đến đâu trong hơn một thập kỷ, và tất cả số tiền đó có thể đã được trả lại cho các cổ đông có tài khoản hưu trí”.

Các nhà đầu tư mạo hiểm khác cũng đã tham gia vào cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này và tình trạng dư thừa nhân sự trong Big Tech những năm gần đây.

Năm 2022, Marc Andreessen từng đăng tweet: "Các công ty lớn, tốt đang thừa nhân viên gấp 2 lần. Các công ty lớn, tồi tệ đang thừa nhân sự từ 4 lần trở lên".

Nhà đầu tư công nghệ Keith Rabois năm ngoái cho rằng việc sa thải hàng loạt của Meta và Google là do điều này. "Chẳng có gì cho những người này làm cả… Tất cả đều là công việc giả vờ", ông tiếp tục. "Bây giờ sau khi bị vạch trần, rốt cuộc việc những người này làm chỉ là đi họp".

Thomas Siebel, CEO tỷ phú của C3.ai, cũng đồng tình. Ông cho rằng Google và Meta đã tuyển dụng quá nhiều nhân viên và không có đủ công việc cho họ làm. "Họ thực sự không làm gì khi làm việc tại nhà", ông nói.

Dù một số nhân viên công nghệ nói rằng họ phải "về cơ bản chiến đấu để tìm việc làm", những người khác đổ lỗi cho việc quản trị tồi tệ, với các ông chủ tuyển dụng quá mức và giao cho nhân viên công việc bận rộn để làm cho bản thân trông quan trọng hơn và đảm bảo thăng chức.

Các hãng công nghệ như Meta và Google đã sa thải hàng nghìn nhân viên trong những năm gần đây, thường với lý do để trở nên hiệu quả hơn.

CEO Meta Mark Zuckerberg tuyên bố năm 2023 sẽ là "năm của hiệu quả" và bày tỏ sự chán ghét đối với cơ cấu tổ chức cồng kềnh của các cấp quản lý.

CEO Google Sundar Pichai được cho là đã nói với nhân viên năm 2022 rằng “có những lo ngại thật sự về việc hiệu suất tổng thể không tương xứng với số nhân sự mà chúng ta có”.

Từ đầu năm 2023, Google bước vào chế độ cắt giảm chi phí khi công ty mẹ Alphabet công bố kế hoạch sa thải khoảng 12.000 lao động. Việc cắt giảm tiếp tục trong năm nay. Trong bản ghi nhớ mới đây, Giám đốc tài chính Ruth Porat cho biết Alphabet đang tái cấu trúc tổ chức tài chính, đồng nghĩa quy mô có thể thu hẹp hơn nữa.

(Theo Insider, CNBC)