Hồi năm 2005, 2006, cả thế giới phải phát điên đúng nghĩa đen với trò chơi Sudoku. Khi ấy, The Times, một tờ báo tại Anh Quốc đã bắt đầu đưa những câu đố với bảng số để độc giả giải đáp. Và rồi, một trò chơi được tạo ra từ cuối thế kỷ XIX bất ngờ hồi sinh và khiến con người của thế kỷ XXI điên đảo. Nó đơn giản, chỉ cần giấy bút và trí óc là có thể chơi được, và thậm chí các trang báo còn treo thưởng cho những người giải được những câu đố với độ khó tăng dần dưới hình dạng những con số, những ô vuông. Việt Nam chúng ta cũng chẳng khác gì khi những tờ báo trước đây cũng có mục giải trí với những câu đố Sudoku vắt óc mới có thể hoàn thành.
Thế nhưng khi thời đại game mobile lên ngôi, những trò chơi giải đố trên trang cuối các tờ báo cũng chẳng còn hot như xưa nữa. Chúng vẫn chỉ tồn tại để phục vụ một lượng rất nhỏ độc giả vẫn còn trung thành với những tờ giấy to bản được gửi tới cửa nhà của những người không muốn bước cả hai chân sang kỷ nguyên internet mỗi buổi sáng sớm.
Và ở thời điểm "hậu Sudoku", một trò chơi giải đố trên giấy, được một người Việt Nam chính gốc, sinh ra tại Nha Trang đang khiến nước Mỹ phải chao đảo. Trò chơi có tên Bar Code, và cha đẻ của nó là anh Lại Văn Đức Thịnh, 28 tuổi, một con người có lòng đam mê game giải đố mãnh liệt. Dĩ nhiên vì mới được ra mắt, nên sức hút của Bar Code cũng không thể nào mạnh mẽ như thời đại internet chưa thâm nhập sâu vào đời sống con người như Sudoku, thế nhưng theo Will Shortz, phóng viên tờ New York Times, nó vẫn rất gây nghiện và cuốn hút một khi đã bắt đầu.
Được biết, New York Times sẽ đăng tải những câu đố thuộc trò chơi Bar Code của anh Thịnh trong vòng 14 tuần liên tiếp. Đây là một trò chơi giải đố có cơ chế gần giống như Sudoku hay KenKen khi vẫn dựa trên những ô vuông, nhưng cách giải đố của Bar Code khác biệt khá nhiều. Trò chơi hoàn toàn không có khả năng thử sai như Sudoku, và cách chơi của game cũng cực kỳ đơn giản.
Như đã đề cập, cha đẻ của Bar Code là một người mê mẩn những game giải đố. Khi còn trẻ, anh Thịnh tìm thấy trong hiệu sách một vài cuốn nói về Sudoku. Anh liền bỏ tiền mua 4 cuốn sách và đem về nhà nghiền ngẫm. Đến khi học đại học, khi nhìn thấy một tờ báo tại Việt Nam treo thưởng 100 nghìn Đồng để giải đáp câu đố Sudoku đăng trên số báo của họ, anh đã tỉnh giấc từ 4h sáng chỉ để chinh phục câu đố, và đã thành công.
Trong nhiều năm qua, anh Thịnh đã sáng tạo ra nhiều trò chơi giải đố logic. Trên Amazon, nếu các bạn tìm kiếm cũng sẽ thấy vài đầu sách được chính anh viết nên, dù rằng ở thời điểm hiện tại anh cho rằng nó không còn phản ánh khả năng của bản thân mình nữa. Và cũng phải khẳng định rằng, việc Bar Code được một báo nước ngoài mua bản quyền đăng tải là cơ hội hiếm có. Hiện anh Thịnh đang sống cùng gia đình, với cha mẹ là những người trồng mía. Khoản tiền New York Times trả cho anh thậm chí còn nhiều hơn thu nhập của cả gia đình anh trong 1 năm trời.
Đối với Thịnh, anh đang có dự định tới Bangalore, Ấn Độ tham dự giải Vô địch Game giải đố Thế giới tổ chức tại đây vào mùa thu, để được gặp những người có chung sở thích. Cùng với đó, anh cũng muốn tiếp tục phát triển những trò chơi giải đố trên các phương tiện báo giấy và số hóa. Với việc Bar Code được New York Times đăng tải, đem trò chơi của một người Việt Nam đến với cộng đồng phương Tây, có thể khẳng định rằng khởi đầu của Lại Văn Đức Thịnh là vô cùng ấn tượng.
Theo GameK