Áp lực bán trên thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung của Việt Nam tăng cao ngay ngay sau khi chỉ số VN-Index vượt lên trên ngưỡng 1.010 điểm. Những thông tin về khối ngoại bán và đăng ký bán nhiều cổ phiếu Việt, trong đó có các cổ phiếu trụ cột như Vincom Retail (VRE),... đã tác động không nhỏ tới tâm lý trên thị trường.

Sức ép đã khiến nhóm bộ 3 cổ phiếu nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm khá mạnh, nhất là khi khối ngoại thực hiện giao dịch trao tay gần 61 triệu cổ phiếu Vincom Retail (VRE) tại giá sàn 35.100 đồng/cp, trị giá hơn 2,1 ngàn tỷ đồng.

Trước đó, theo Bloomberg, quỹ đầu tư Warburg Pincus đăng ký bán gần 50 triệu cổ phiếu VRE của Vincom Retail với giá từ 35.100-36.550 đồng/cp. Nhiều khả năng, giao dịch trong phiên 20/3 chính là giao dịch thoái bớt vốn của quỹ đầu tư Warburg Pincus.

Áp lực là rất lớn tuy nhiên, nhóm cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng hồi khá mạnh về cuối phiên và góp phần giúp VN-Index trụ trên ngưỡng 1.000 điểm phiên thứ 7 liên tiếp.

Trong phiên giao dịch trước đó, cổ phiếu Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng đã lên đỉnh cao lịch sử và giúp tỷ phú khởi nghiệp từ Đông Âu ghi dấu chưa từng có với túi tiền quy ra từ 1,865 tỷ cổ phiếu VIC theo giá ghi nhận trên sàn chứng khoán lần đầu đạt 10 tỷ USD.

Trong khi đó, cũng trong phiên giao dịch 20/3, theo tính toán của Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã lên mức cao kỷ lục mới: 8,1 tỷ USD và lần đầu tiên lọt top 195 người giàu nhất trên thế giới, giàu gấp đôi đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump, hơn Thái tử Samsung Jay Y.Lee… 

{keywords}
Ông Phạm Nhật Vượng lần đầu lọt top 195 người giàu nhất hành tinh.

Sở dĩ Forbes ghi nhận tài sản kỷ lục mới của ông Vượng là bởi cổ phiếu VIC của tỷ phú này trong phiên trước đó ngày 18/3 bứt phá lên đỉnh cao lịch sử mới: 121.300 đồng/cp (giá điều chỉnh).

Gần đây, các doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng có những bước chuyển rất mạnh mẽ.

VinFast - doanh nghiệp quản lý mảng sản xuất ô tô của Vingroup hôm 20/3 đã đưa xuất ngoại lô hàng đầu tiên 155 xe đã được vận chuyển bằng đường hàng không đến 14 quốc gia thuộc 4 châu lục để kiểm thử chất lượng và độ an toàn.

Trong khi đó, cũng ngày 20/3, Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix (1 công ty con được Vingroup thành lập 21/8/2018 với vốn 1.000 tỷ đồng) đã khởi công đường đua F1 có tổng chiều dài 5,565km tại Hà Nội trên diện tích 88 ha tại Mỹ Đình (Hà Nội) để phục vụ cho Việt Nam Grand Prix 2020 vào tháng 4/2020.

Trước đó, ngày 6/3, VinFast đã xuất xưởng chiếc xe "made in Vietnam" đầu tiên và tỷ phú Phạm Nhật Vượng tự tay lái thử chiếc xe này và cho biết sẽ chuyển sang sử dụng chiếc SUV do chính VinFast sản xuất.

Cuối năm 2017, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng ghi nhận hàng loạt các kỷ lục. Trong đó có 2 kỷ lục lịch sử lập chỉ trong một ngày giao dịch: chiếm lại ngôi người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời được ghi  nhận sở hữu doanh nghiệp tư nhất lớn nhất trên cả nước. 

{keywords}
Ngày 20/3 Vingroup khởi công đường đua F1.

Cổ phiếu Vingroup còn tăng mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng đang có kế hoạch huy động tối thiểu 25 ngàn tỷ đồng để thực hiện tham vọng mở rộng đế chế, thực hiện chiến lược và trả nợ gốc và lãi 10 ngàn tỷ theo kế hoạch trong 2019.

Sự tăng giá của bộ 3 cổ phiếu nhà ông Phạm Nhật Vượng (vốn chiếm khoảng 24% vốn hóa sàn HOSE) đã giúp TTCK Việt Nam đi lên khá mạnh thời gian gần đây.

Vingroup hiện có tổng tài sản gần 290 ngàn tỷ đồng; quy mô vốn điều lệ gần 32 ngàn tỷ đồng; vốn hóa gần 380 ngàn tỷ đồng (16,2 tỷ USD); vốn chủ sở hữu  99 ngàn tỷ đồng (4,3 tỷ USD) và tổng nợ là 190 ngàn tỷ đồng (8,2 tỷ USD).

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu trụ cột khác cũng chịu áp lực bán lớn. Vinamilk có lúc giảm 1.700 đồng nhưng chốt phiên quay đầu tăng 400 đồng. Masan của ông Nguyễn Đăng Quang giảm mạnh. Cổ phiếu Yeah1 (YEG) của đại gia Nguyễn Ảnh Nhượng Tống giảm sàn phiên thứ 12 liên tiếp và đã bốc hơi hơn 50% xuống còn 95.700 đồng/cp.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn tích cực trong các dự báo.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, thị trường dự báo sẽ hồi phục tăng điểm trở lại. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, thị trương có thể sẽ có biến động mạnh ở nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 do 21/3 là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh kỳ hạn 1 tháng. Xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn với đích đến gần nằm tại 1020-1025. Dù vậy, BVSC cho rằng, đà đi lên của thị trường trong vùng 1000-1025 sẽ có độ dốc thoải, kèm theo sự phân hoá mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, bất động sản... sẽ là các nhóm thu hút được sự quan tâm của dòng tiền. Đồng thời cũng là một lựa chọn giải ngân cho các nhà đầu tư khi thị trường điều chỉnh.

Trong khi theo Rồng Việt, sau nhịp tăng điểm kéo dài, thị trường bắt đầu xuất hiện các phiên giao dịch theo chiều hướng tiêu cực. Áp lực bán tại một số thời điểm là rất mạnh. Thị trường đang ở vùng khá rủi ro và nhà đầu tư nên tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, nhất là trong những phiên phục hồi.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/3, VN-Index giảm 4,29 điểm xuống 1002,3 điểm; HNX-Index giảm 0,44 điểm xuống 109,62 điểm. Upcom-Index giảm 0,09 điểm xuống 57,01 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 350 triệu đơn vị, trị giá 8,7 ngàn tỷ đồng.

H. Tú