Năm 2020, Covid-19 giáng thêm một đòn nặng nề khiến các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ di động chứng kiến doanh thu sụt giảm nhiều nhất từ trước đến nay.
Đường phố thưa người, cửa hàng di động đóng cửa vào ngày 1/4/2020. (Ảnh: Hải Đăng) |
Mười một tháng đầu năm 2020, tập đoàn Thế Giới Di Động tăng doanh thu 7% so với cùng kỳ. Nhưng nếu tính riêng mảng kinh doanh di động và điện máy, nhà bán lẻ này giảm tăng trưởng mạnh nhất từ trước đến nay.
Theo đó, riêng chuỗi Thế Giới Động giảm 12% doanh thu. Chuỗi Điện máy Xanh chỉ tăng 0,3%. Đây là các mức giảm mạnh nhất kể từ khi chuỗi này niêm yết năm 2014.
Chuỗi bán lẻ FPT Shop cũng không ngoại lệ. Chín tháng đầu năm 2020, doanh thu FPT Retail (Cty mẹ của FPT Shop) giảm 14% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp giảm 5%.
Lý giải nguyên nhân tăng trưởng âm, FPT Retail cho biết Covid-19 toàn cầu ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty, cộng với việc người dân hạn chế mua sắm mặt hàng điện tử và hàng có giá trị cao. Ngoài ra, chuỗi này đang trong giai đoạn đầu tư cho các nhà thuốc Long Châu khiến chi phí đầu tư tăng lên.
Ngành bán lẻ di động tại Việt Nam chứng kiến một năm vô tiền khoáng hậu. Vào giai đoạn đỉnh dịch tháng 3, tháng 4, khoảng 30% cửa hàng của Thế Giới Di Động, FPT Shop và các đơn vị khác phải đóng cửa để tuân thủ lệnh giãn cách xã hội.
Các cửa hàng phải giới hạn số lượng người đi vào siêu thị. Người mua được phát ghế cho ngồi, giữ khoảng cách với nhau 2 mét. Thế Giới Di Động còn đặt số điện thoại của quản lý cửa hàng ở ngoài để khách mua không phải vào trong, chỉ cần gọi đem hàng ra.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một số cửa hàng điện thoại áp dụng “đóng một nửa”, hạ cửa cuốn xuống một nửa, vẫn mở cửa kính. Khách ra vào hạn chế. Đôi lúc chỉ tiếp khách quen. Bởi chưa từng xảy ra trong lịch sử nên chính quyền nhiều nơi chưa có kinh nghiệm, từng địa phương, từng quận huyện áp dụng lệnh giãn cách khác nhau.
Thời điểm cổ phiếu lao dốc do ảnh hưởng dịch, trả lời các nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Tài - đồng sáng lập và Chủ tịch Thế Giới Di Động - dự đoán rằng dịch bệnh được kiểm soát vào khoảng tháng 6, sức mua sẽ hồi phục. Sau giai đoạn đó, Covid-19 vẫn tồn tại nhưng có vắc-xin, người dân sẽ quen với nó như một bệnh thông thường, mọi người vẫn sẽ phải đi làm kiếm sống như trước - ông Tài dự báo.
“Còn nếu dịch bệnh lan rộng không kiểm soát, cả thế giới “chết” thì Thế Giới Di Động sao sống được”, ông Tài nói.
Ông Tài đã dự đoán đúng phần lớn. Tại Việt Nam, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường tăng trở lại. Nhờ đầu tư sớm vào Bách hoá Xanh 5 năm trước, tập đoàn Thế Giới Di Động vẫn tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, nhờ mảng bách hoá góp gần 20% doanh thu.
Nhiều cửa hàng di động đóng cửa, nhân viên tạm nghỉ vì dịch Covid-19
Kinh doanh khó khăn, cắt giảm nhân sự là tình cảnh chung của thị trường di động Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trên diện rộng.
Một năm thắng lợi cho Apple chính hãng
Covid-19 cộng với một số chính sách đã giúp thị trường hàng Apple chính hãng, cụ thể là iPhone, có một năm thành công. Ngược lại, iPhone xách tay chịu ảnh hưởng nặng nề.
Xếp hàng giữa đêm chờ mua iPhone chính hãng tối ngày 26/11/2020. (Ảnh: Hải Đăng) |
Do Covid-19 ảnh hưởng lưu thông hàng hoá xuyên biên giới, thời điểm iPhone 12 ra mắt vào tháng 10 năm ngoái, rất ít hàng hoá “xách tay” về Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định 98 phạt các hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu, khiến nhiều chủ cửa hàng e dè nhập iPhone nguồn gốc không rõ ràng về bán.
Thời điểm đó, nhiều cửa hàng xách tay lớn nói với ICTnews rằng tạm ngưng nhập hàng. Sau đó, vài cửa hàng trong số này đã chuyển hẳn sang bán sản phẩm do Apple phân phối chính thức tại Việt Nam.
Apple ra mắt 4 mẫu iPhone 12. Hãng bán trước iPhone 12 và iPhone 12 Pro vào ngày 23/10, sau đó ra mắt iPhone 12 Mini và iPhone 12 Pro Max đầu tháng 11.
Thông thường các cửa hàng xách tay kiếm ăn được do Apple phân phối sản phẩm chính thức tại Việt Nam chậm, giá cao. Tuy nhiên năm nay, iPhone 12 Pro Max - mẫu máy hot nhất trong 4 máy tại Việt Nam - bán ra trên toàn cầu ngày 13/11, nhưng ngày 27/11 đã được bán chính thức tại Việt Nam.
Tình trạng khan hàng ở thị trường xách tay, cộng với việc hàng chính hãng bán sớm, khiến nhiều người dùng quay lưng với đồ xách tay. Một yếu tố quan trọng nữa là giá bán iPhone 12 chính hãng không cao hơn so với hàng xách tay, khiến các nhà bán lẻ chính thức càng có lợi thế.
Các nhà bán lẻ đều cho biết doanh thu iPhone 12 tăng kỷ lục từ trước đến nay.
Nhiều người cho rằng quy định siết hàng xách tay tại Việt Nam có tác động của Apple, nhưng khi trả lời ICTnews, người từng phụ trách Apple tại thị trường Việt Nam cho rằng điều này không đúng. Ông cho rằng các quy định mới của Chính phủ có lẽ nhằm giúp việc kinh doanh hàng hoá tại Việt Nam lành mạnh hơn, điều này thể hiện ở nhiều động thái khác nhau, không chỉ riêng mảng bán lẻ.
Sau khi iPhone 12 về hàng sớm và có giá bán không chênh lệch nhiều với hàng xách tay, Apple mới đây cũng bán ra các máy Macbook chạy chip M1 tại Việt Nam sớm hơn, với chính sách giá cạnh tranh hàng xách tay. Một nhà bán lẻ tại Việt Nam dự báo động thái này của Apple nhằm hạn chế các loại hàng hoá không chính ngạch đang lưu hành tại Việt Nam.
“Sắp tới những mặt hàng Apple không được phân phối chính hãng tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước”, ông này nói.
Năm 2020 đã khép lại, từ khoá mọi người nhớ nhất có lẽ là Covid-19. Rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi đại dịch xuất hiện. Những ai sẵn sàng thay đổi, có các kế hoạch dự phòng dường như vượt qua khủng hoảng tốt hơn. Từ năm 2021 trở đi, nhiều thứ sẽ không trở lại như trước, ngành bán lẻ chắc chắn vẫn phải tiếp tục thay đổi và thích nghi với trạng thái mới.
Năm 2020 cũng đánh dấu một năm cạnh tranh khốc liệt ở mảng bán lẻ di động. Từ tháng 1/2020, các cửa hàng cuối cùng của Viễn Thông A đóng cửa. Từng là anh cả của ngành bán lẻ hàng công nghệ tại TP.HCM và cả nước, cái tên Viễn Thông A chính thức biến mất khỏi bản đồ khiến nhiều người nuối tiếc.
Hải Đăng
iPhone xách tay bị hạn chế bán, ai thiệt?
iPhone xách tay tại Việt Nam đang bớt nhộn nhịp hẳn lại khiến nhiều cửa hàng nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề.