Tháng 1/2020, khi những bệnh nhân đầu tiên của căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona xuất hiện ở Vũ Hán, giải đấu LPL Trung Quốc đã khởi động tuần thi đấu đầu tiên. Lúc này, nhiều giải đấu eSports khác trên thế giới vẫn còn chưa diễn ra. 

LPL có tới 17 đội tham dự và thi đấu theo thể thức sân nhà/sân khách. Các đội tuyển sẽ di chuyển qua lại giữa các gaming house để thi đấu. Khi virus corona chính thức bùng phát và được đặt tên là Covid-19, hệ thống giải đấu LPL đã rơi vào tình trạng đóng băng. 

Thời điểm đó khi Covid-19 vẫn còn chưa lây lan mạnh, nhiều giải đấu khác của Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile, Free Fire… mới bắt đầu khởi tranh. Các đội tuyển vẫn tập trung thi đấu tại nhà thi đấu dưới những điều kiện cách ly khác nhau. Từ giữa tháng 3, khi dịch bệnh có dấu hiệu lây lan mạnh, nhiều giải đấu buộc phải để các tuyển thủ thi đấu online tại gaming house, trong khi các caster cũng phải bình luận tại nhà. 

Covid-19 lúc này vẫn chưa làm ảnh hưởng tới các giải đấu eSports trong nước ở từng quốc gia. Team Flash vẫn có lần thứ 4 liên tiếp đăng quang Đấu Trường Danh Vọng hay T1 vẫn nối dài truyền thống vô địch LCK với chức vô địch thứ 3 liên tiếp. 

{keywords}
Hàng loạt giải đấu quốc tế của eSports đã bị hủy bỏ vì Covid-19

Biến cố chỉ xảy ra với các giải đấu tầm quốc tế khi những đội tuyển ở các quốc gia trên toàn thế giới không thể tập hợp cùng nhau để thi đấu do cách ly và cấm bay ở quy mô toàn cầu. 

Cú sốc đầu tiên đã xảy ra khi Riot tuyên bố hủy bỏ giải đấu MSI 2020, dự kiến diễn ra giữa tháng 5/2020, sau nhiều lần cân nhắc dời lịch thi đấu không thành. Sau đó đến lượt Garena tuyên bố hủy hệ thống giải World Series 2020, mà dự kiến khởi tranh từ tháng 4/2020 và kết thúc bằng giải vô địch thế giới tổ chức vào tháng 12/2020. Đây là một sự tiếc nuối rất lớn với người hâm mộ Free Fire, bởi giải đấu Worlds Series 2019 đã thu hút tới 130 triệu lượt xem trên toàn cầu.

Đến tháng 5/2020, Valve tiếp tục xát muối vào lòng người hâm mộ khi tuyên bố hủy bỏ giải đấu The International 2020 với tổng tiền thưởng 40 triệu USD, cao nhất làng eSports. 

Đến tháng 9/2020, Major ESL dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020 ở Rio de Janeiro (Brazil) cũng chính thức bị hủy bỏ. Một năm tưởng chừng như u ám của eSports thế giới đã đến.

{keywords}
Chỉ có Chung Kết Thế Giới 2020 vẫn được tổ chức tại Thượng Hải

Nhưng những biện pháp cách ly mạnh mẽ trong phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc đã giúp nền eSports nước này được hưởng lợi. Riot sau nhiều lần đàm phán đã được thành phố Thượng Hải cấp giấy phép tổ chức giải đấu tập trung đông người duy nhất trong năm: Chung Kết Thế Giới 2020. 

Thậm chí, trận chung kết của giải đấu này còn phát 6.000 vé cho người hâm mộ, nơi phe vé ở chợ đen có giá 105 triệu đồng/vé. Giải đấu này cũng ghi dấu ấn cá nhân của thần rừng Lê Quang ‘Sofm’ Duy với những thành tích như người Việt đầu tiên vào chơi một trận chung kết của giải đấu CKTG. 

Nhưng không chỉ có những gam màu hồng, eSports bắt đầu xuất hiện những mảng tối nhất sau quá trình phát triển bùng nổ. Đầu tiên phải kể đến Lowkey Esports, một tổ chức eSports của Mỹ với nhiều hạng mục đầu tư dàn trải gặp vấn đề về cân đối tài chính. 

Báo cáo tiết lộ tổ chức này đã nợ lương của nhiều tuyển thủ ở các khu vực gồm Nam Mỹ, Philippines, Sri Lanka, Puerto Rico, Mỹ, Canada, Nam Phi và Việt Nam. Kết quả Lowkey Esports phải giải thể còn chuyện lương tuyển thủ cũng bị quên lãng theo sau. 

Một tổ chức khác là EVOS Esports của Indonesia đã phải rút khỏi Việt Nam sau một năm thi đấu bết bát ở các giải đấu trong nước. Trong khi đó, vấn đề nợ lương của GAM Esports càng nóng hơn bao giờ hết khi đôi bên liên tục khẩu chiến về vấn đề lương thưởng chưa trả, kéo kiện cáo lên tận Riot.

Cũng trong năm 2020, câu chuyện mới mà cũ lại được nhắc đến rất nhiều là cá độ. Đầu tháng 2, làng AOE Việt Nam rúng động trước thông tin khởi tố Phí Văn Huấn (hay còn được gọi là bầu Huấn) và 55 đồng phạm trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Hồng Anh, game thủ nức tiếng của làng AOE, cũng nằm trong số những cái tên bị khởi tố lần này. 

{keywords}
Hình ảnh tuyển thủ Hồng Anh xuất hiện tại cơ quan công an khiến người hâm mộ không khỏi bàng hoàng

Đến giữa tháng 7, ông Nguyễn Đồng ‘Top’ Phương bị bắt quả tang tham gia cá độ trong một trận đấu quốc tế có sự tham dự của Team Flash. Kết quả, ông Phương ‘Top’ phải nhận án cấm hoạt động eSports trong vòng 12 tháng đồng thời rút lui khỏi vị trí CEO Team Flash. 

Gần đây nhất, eSports Việt tiếp tục rúng động trước thông tin ngôi sao Đỗ Duy ‘Levi’ Khánh bị dụ dỗ bán độ một con rồng với cái giá 100 triệu đồng. Người đứng sau chèo kéo Levi được xác định là một nhân vật thường lôi kéo các tuyển thủ bán độ để mưu lợi bất chính. 

Trước đó, ban tổ chức Vietnam Championship Series đã xác nhận việc xử phạt tuyển thủ Phạm Hoàng ‘PHT’ Thành vì tham gia cá độ trong thời gian thi đấu ở VCS Mùa Hè 2020. Án phạt mà tuyển thủ 18 tuổi này phải nhận là cấm thi đấu 24 tháng. 

Một tin không vui với người hâm mộ trong những ngày cuối năm là việc thần rừng Trần Đức ‘ADC’ Chiến tuyên bố giải nghệ và đã rời Team Flash. Một mùa giải mới nơi Lai Bângg cô độc trong rừng vẫn là điều mà người hâm mộ đến nay vẫn khó lòng hình dung nổi. 

Phương Nguyễn

Thế hệ Gen Z sẽ thay đổi cuộc chơi của eSports?

Thế hệ Gen Z sẽ thay đổi cuộc chơi của eSports?

Gen Z là một nhóm nhân khẩu học sinh ra giữa thời điểm tiến bộ công nghệ, đang góp phần định hình trào lưu về giáo dục, mua sắm, tin tức và nhất là giải trí.