Là giám đốc một doanh nghiệp có nhiều đơn vị liên doanh với công ty Nhật, ông Nguyễn Văn Tuyên đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình làm việc với những đối tác Nhật Bản. Trong đó, vị trí chỗ ngồi là điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất quan trọng khi làm việc.

“Khi tiếp khách Nhật Bản, vị trí trang trọng nhất là dành cho khách. Trang trọng với quan điểm của người Nhật là ngồi ở phía trong. Phía ngoài gần cửa nhất là dành cho chủ nhà và những người chức vụ bé nhất. Còn người quan trọng bao giờ cũng ngồi vị trí trang trọng ở phía trong”, ông Tuyên chậm rãi kể.

{keywords}
Trong văn hóa Nhật, chỗ ngồi xa cửa nhất (1) dành cho người quan trọng nhất.

Nói nôm na, chỗ ngồi xa cửa ra vào nhất sẽ là chỗ ngồi trang trọng nhất theo quan điểm của người Nhật Bản. Vị trí ngồi xa cửa ra vào nhất được gọi là “kamiza”, chỗ gần cửa ra vào nhất là “shimoza”.

Kamiza là tên của một chỗ ngồi được chuẩn bị đặc biệt cho những người có uy tín cao. Chúng thường dành cho giám đốc điều hành cấp cao hoặc giám đốc điều hành trong một công ty. Bên cạnh đó, Kamiza cũng được dành cho những vị khách đến thăm công ty hoặc nhà ở.

Shimoza dành cho những người có cấp bậc và chức vụ thấp hơn (nhân viên trẻ hơn/mới hơn trong công ty). Những chỗ ngồi này thường gần lối vào của một căn phòng.

{keywords}
Minh họa về vị trí chỗ ngồi khi làm việc với đối tác Nhật.

“Nếu mình mời ngồi sai vị trí thì người ta sẽ cho rằng không hiểu về lễ nghĩa, thậm chí là không tôn trọng họ”, ông Tuyên lưu ý.

Ngay cả khi ăn uống, vị trí từng người phải được sắp xếp rất kỹ, phải ngồi đúng chỗ. Người nào quan trọng nhất vẫn phải ngồi phía trong, từ vị trí đó ra đến chỗ ngồi gần cửa là dành cho những người ít quan trọng hơn. Nếu ngồi sai thì bữa ăn đó có thể không đạt được kết quả mỹ mãn.

“Lúc đầu làm việc với họ tôi chưa biết về văn hóa này của họ. Thậm chí, hôm đầu tiên mời đoàn khách Nhật đến làm việc, tôi vẫn mời họ ngồi gần cửa. Qua một người bạn trong đoàn khách Nhật Bản, tôi mới hiểu mình đã mời vị trí ngồi chưa đúng. Ngay lập tức, lần sau đến là mời họ ngồi phía trong. Thấy vậy, người bạn Nhật Bản rất thân với tôi cười bảo: “Lần này lại mời phía trong à?”. Như vậy, họ hiểu rằng mình đã hiểu về văn hóa của họ”, ông Tuyên chia sẻ.

{keywords}
Ngay cả vị trí đứng thang máy cũng theo quy tắc trên.

Với những người như vị doanh nhân này, việc hợp tác làm ăn trước hết phải bắt đầu từ sự thấu hiểu văn hóa của nhau. Khi đã hiểu văn hóa của người Nhật và tôn trọng văn hóa của họ trong giao tiếp, làm việc, đến cách chào hỏi thì sự thấu hiểu trong công việc về sau cũng sẽ thuận lợi hơn.

“Mấu chốt trong việc làm việc với người Nhật Bản là phải hiểu văn hóa của họ. Nếu làm việc nhiều năm rồi vẫn chưa nhận ra điều đó thì sẽ khó có thể làm việc lâu bền. Các đối tác từ những nước khác họ không quan trọng việc đó nhưng người Nhật thì lại rất coi trọng”, ông Tuyên đúc rút.

{keywords}
Chỗ ngồi trong phòng khách cũng được bố trí theo thứ tự ưu tiên

Ông Tuyên cũng từng chứng kiến trường hợp một vị phó giám đốc làm việc với người Nhật Bản, dù rất tài năng nhưng cũng không được đối tác Nhật Bản đánh giá cao. Cuối cùng, thông qua một lời nhắc nhở tế nhị, công ty biết rằng lý do xuất phát từ việc vị phó giám đốc đó không hiểu văn hóa Nhật Bản, nên phải thay người khác.

Bởi theo ông Tuyên, nếu không nắm được những nét cơ bản khi làm việc, giao tiếp với người Nhật Bản thì sẽ bị cho rằng không hiểu văn hóa của họ. Sự hợp tác là làm việc giữa con người với con người, chứ không chỉ là giữa công ty với công ty. Ngay cả quan hệ giữa các công ty thì cũng vẫn là những con người cụ thể điều hành.

Khi đã thông hiểu văn hóa của nhau rồi, những công việc về sau được giải quyết dễ dàng hơn rất nhiều và sẽ thành công.

H.Nam

Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt: Tôi học về Tết, ăn bánh chưng, lì xì

Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt: Tôi học về Tết, ăn bánh chưng, lì xì

Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler cho biết ông đã học được nhiều về lịch sử văn hóa đất nước con người Việt Nam đặc biệt trong dịp Tết.