Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa), doanh thu ngành phần mềm và nội dung số Việt Nam dự kiến đạt 2 tỷ USD trong năm 2010, tăng hơn 30% so với năm 2009 (1,5 tỷ USD). Trong 5 năm vừa qua, ngành phần mềm và nội dung số đã duy trì tăng trưởng gấp 3-4 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, các thành viên Vinasa cho rằng để Việt Nam trở thành một trong những nước có thứ hạng đứng trong top 15 và 10 các quốc gia hàng đầu về công nghiệp phần mềm và nội dung số trong 5-10 năm tới như chủ trương của Chính phủ đề ra trong Đề án sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT-TT thì cần có những thay đổi.
Tại đại hội này, ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty MISA kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mô hình hợp tác công tư trong việc cung cấp dịch vụ công. Bởi theo ông Long, các doanh nghiệp phần mềm như MISA sẵn sàng đầu tư vài chục triệu USD để cùng các cơ quan Chính phủ triển khai cung cấp dịch vụ công nhưng hiện tại vẫn thiếu cơ chế thực hiện việc hợp tác này. Ông Long đề nghị Nhà nước cần đưa chi tiêu về CNTT thành khoản chi thường xuyên trong mục lục ngân sách. Thiếu cơ chế này, các cơ quan nhà nước hiện nay mua sắm phần mềm theo kiểu gói gọn, không có chi phí để duy trì trong khi đó ngành phần mềm đang có xu hướng bán phần mềm như dịch vụ. Ngoài ra, ông Long kiến nghị tiếp tục cho phép các doanh nghiệp phần mềm được hưởng ưu đãi về đất đai và thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 5-10%.
Để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực phần mềm, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Vinasa đề nghị Chính phủ lập trung tâm R&D về phần mềm nhúng và lập quỹ hỗ trợ phát triển phần mềm Việt Nam.
Trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường đại học FPT đề nghị nên phát động phong trào học CNTT trên quy mô quốc gia giống như ngành CNTT đã từng phát động “Chương trình sự lựa chọn cho tương lai” vào năm 2000 để thu hút học sinh tham gia vào ngành này. Bởi theo ông Tùng, số lượng thí sinh theo học ngành CNTT đã bắt đầu suy giảm kể từ năm 2008. Ngoài ra, ông Tùng đề nghị Chính phủ nên có hỗ trợ tài chính cho những người tham gia vào công tác đào tạo nhân lực CNTT (sinh viên, giáo viên, tổ chức đào tạo) và để các trường đào tạo CNTT được tự do trong việc tuyển sinh, phát triển giáo trình, quy định học phí cũng như quy mô đào tạo.
Tại đại hội này, Vinasa cho biết trong thời gian tới hiệp hội này sẽ tập trung vào hoạt động tư vấn và kiến nghị lên Chính phủ để có chính sách phù hợp cho ngành phần mềm phát triển.
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 138 ra ngày 17/11/2010.