Khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên mức độ toàn cầu, nông sản Việt Nam bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, gây ra tình trạng ùn ứ nông sản, lại cần đến sự chung tay “giải cứu” của cộng đồng. Tuy nhiên, không phải chỉ khi Covid-19 diễn biến phức tạp, câu chuyện “giải cứu” mới được nhắc đến như vừa qua. Thời gian qua, ngay cả giai đoạn không có dịch bệnh bất thường, đây đó vẫn xảy ra chuyện được mùa mất giá hoặc dư thừa phải "kêu cứu".
Nhìn lại trong nhiều năm qua, đầu ra cho nông sản là bài toán đã được đặt ra kể từ khi đất nước chuyển đổi từ mô hình nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là vấn đề này đã được nhận diện qua hơn ba mươi năm đổi mới. “Được mùa mất giá” như một điệp khúc hàng năm khi vào chính vụ. “Giải cứu” như một lời nguyền có tính chu kỳ. Phân tích thấu đáo vấn đề này, có nhiều cách tiếp cận từ nhiều phía khác nhau, nhưng để khắc phục cần đến một hệ thống các giải pháp vừa mang tính đồng bộ, vừa mang tính bền vững, lâu dài.
Cách nay mấy năm, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ ra rằng: Nông nghiệp nước ta có ba đặc điểm, cũng là ba điểm nghẽn khi chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hoá trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Đó là: manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Đất đai manh mún. Quy mô nhỏ lẻ. Canh tác tự phát. Ba thách thức đó làm cho chuỗi liên kết bị rời rạc, con đường đưa nông sản đến thị trường mong manh, dễ bị đứt gãy khi có biến cố xảy ra.
Cũng từ ba đặc điểm đó, dữ liệu về nguồn cung không dễ được tích hợp một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời trong cùng một thời điểm, một mùa vụ ở mọi cấp độ: địa phương, tiểu vùng, vùng, quốc gia. Thiếu dữ liệu nguồn cung về sản lượng, chủng loại dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, khiến thông tin đầu vào cho thị trường thường mơ hồ, chỉ mang tính ước đoán. Từ đó, dẫn đến tình trạng “sản xuất mù”, “bán mù”, “mua mù”. Nông dân cứ sản xuất rồi trông chờ thương lái đến thu mua. Đến lượt thương lái cũng tìm cách đưa nông sản đến doanh nghiệp, hệ thống phân phối. Một chuỗi liên kết có tính rời rạc mỗi mùa vụ dễ bị đứt gãy khi bị “ùn đầu ra” dẫn đến “ứ đầu vào”.
Tóm lại, một khi dữ liệu cung và cầu chưa khớp nhau thì còn rủi ro mùa vụ, rủi ro cho người sản xuất, rủi ro cho thương lái, doanh nghiệp và rủi ro cho cả nền kinh tế. Trong kinh tế học gọi đó là tình trạng “thông tin bất cân xứng”, bất cân xứng giữa người bán và người mua, giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa cung và cầu, về nhu cầu tiêu thụ, tiêu chuẩn chất lượng, thời điểm sản xuất và cung ứng hàng hoá. Một khi thông tin bất cân xứng thì chỉ dựa vào may rủi thị trường, vào niềm tin giữa các đối tác mà niềm tin lại thường mong manh vì xung đột lợi ích.
Tư duy bán nông sản thô trên đồng, trong vườn, trên mặt nước đã trở thành tập quán của người sản xuất bấy lâu nay do cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan. Nông sản thô thì dễ bị tổn thương do thời tiết và áp lực hao hụt sau thu hoạch dẫn đến tâm lý bán nhanh, bán hết. Sản lượng cần bán càng nhiều thì giá cả càng thấp. “Được mùa rớt giá” là vì vậy.