Theo bác sĩ Trương Quốc Cường, Phó Khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, đồng tử giãn, nguy cơ tử vong rất cao.
Khai thác bệnh sử ghi nhận khi nữ sinh này cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, té gồng người và mất ý thức hoàn toàn khi đang tập văn nghệ tại trường. Bạn bè đã hồi sức cho em bằng cách nhồi tim, xoa bóp tim, sau đó đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được thực hiện hồi sinh tim phổi nâng cao, sốc điện và chuyển về Khoa Hồi sức tích cực Chống độc. Các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não của nữ sinh. Bệnh nhân dần hồi phục ngoạn mục sau 2 ngày hôn mê.
Kết quả điện tim ghi nhận nữ sinh mắc hội chứng QT dài, được chuyển sang Khoa Nhịp tim điều trị. Hội chứng này thường gây rối loạn nhịp nguy hiểm, dễ dẫn đến đột tử.
Hội chứng QT dài có thể do bẩm sinh (gene) hoặc mắc phải (có thể do rối loạn điện giải hoặc dùng một số thuốc như thuốc điều trị rối loạn nhịp, thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc hướng thần...). Các kết quả xét nghiệm chuyên sâu loại trừ nguyên nhân bẩm sinh ở bệnh nhân này.
Theo bác sĩ, nữ sinh này có cơ địa gầy nên đã sử dụng một loại thực phẩm chức năng để tăng cân. Em được đề nghị ngưng loại thực phẩm chức năng nói trên, điều chỉnh điện giải thì QT trở lại bình thường. Do đó, các bác sĩ nghĩ nhiều đến hội chứng QT dài do mắc phải. Sau một tuần điều trị, nữ sinh tỉnh táo và được xuất viện.
Trong 1 tháng qua, Bệnh viện Thống Nhất cũng liên tiếp ghi nhận 4 bệnh nhân mắc hội chứng QT dài phải cấp cứu, nguyên nhân chủ yếu do sử dụng thuốc. Trong đó, có 2 trường hợp dùng thuốc điều trị rối loạn nhịp, 1 trường hợp dùng thuốc methadone để cai nghiện.