Muốn mua lợn bản để ăn Tết nhưng lại không có nhu cầu mua nguyên con chị Lương lên mạng xã hội kêu gọi bạn bè mua chung theo hình thức đụng lợn. Đây là kiểu mua sắm khá phổ biến trong dịp Tết năm nay.
Chung tiền săn đặc sản vùng cao
Chị Phạm Thị Lương (Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội) công tác tại một tổ chức phi chính phủ, thường có cơ hội đi nhiều vùng miền núi và sử dụng rất nhiều sản phẩm do người dân tộc sản xuất. Gần Tết, thấy các chị em có nhu cầu mua thịt lợn sạch chị đã đứng ra tổ chức đụng lợn.
Chị đặt lợn của một gia đình người dân vùng cao ở Yên Bái, lợn được nuôi bằng phụ phẩm nông nghiệp, không nuôi bằng cám (cả lợn trắng và lợn tộc).
Trước Tết vài tuần chị lên facebook kêu gọi bạn bè có nhu cầu đụng lợn. Các nhà sẽ đặt hàng các bộ phận như thịt mông, thịt đùi, hoặc tim gan bầu dục…Chị nói: “Nhiều nhà muốn ăn thịt lợn sạch từ miền núi chuyển xuống nhưng mua cả con thì chi phí sẽ lớn và ăn không hết nên các nhà chia nhau là hợp lý nhất. Chi phí là tính sẽ là: tiền lợn + tiền vận chuyển+ tiền điện thoại + tiền mổ + đóng gói + chi phí phát sinh khác nếu có = tổng chi phí /hộ”.
Chị cũng cho biết thêm, hiện khách đã đặt được gần 4 con (khoảng 16 kg/1 con). Theo dự định ngày 25 Tết, lợn sẽ được vận chuyển từ bản về quê chị ở Hoài Đức, Hà Nội. Tại đây, chị nhờ người đứng ra mổ lợn, chia phần theo mọi người đăng ký cho vào túi ziplock. Sau đó, những người đặt chỉ việc đến lấy về cho vào tủ lạnh dùng dần trong dịp Tết.
Không chỉ đụng lợn, nhiều chị em công sở cũng chung nhau để mua thực phẩm khối lượng, giá trị lớn ăn Tết. Quê ngoại chị Lê Thị Ngân ở Cửa Lò, Nghệ An nổi tiếng với đặc sản cá thu câu nên chị được nhiều chị em cùng cơ quan nhờ mua hộ. Ngày 24 âm lịch, mẹ chị gọi điện thông báo ngư dân gần nhà vừa câu được 3 con cá thu (mỗi con 3kg).
Cá thu tương được cắt khúc đóng gói sau đó chuyển ra Hà Nội |
“Đây là cá thu do dân đi biển câu được, rất tươi, lúc đưa lên bờ cá vẫn giãy đành đạch. Nghe mình nói, mấy chị em cơ quan đăng ký mua luôn. Nhiều người cũng xin chung phần nhưng lại hết hàng đành hẹn hôm sau”, chị kể.
Từ sáng mẹ chị đã cắt khúc, cân và chia thành từng túi riêng theo đăng ký. Sau đó, bà gửi xe ô tô đến 4h chiều xe cập bến chị Ngân ra bến xe lấy cá về chia cho mọi người.
“Một người mua lẻ số tiền sẽ lớn nhưng nếu mua nguyên con chỉ phải chịu giá 180 nghìn/kg. Ngoài ra, chị em mua còn phải chịu phí thùng xốp và phí vận chuyển khá đắt nhưng nếu nhiều người cùng lấy chi phí sẽ được chia đều”, chị cho biết thêm.
Các loại đặc sản khác cũng được chị em rủ nhau mua chung để tiết kiệm chi phí tối đa. Ví dụ nấm hương Cao Bằng có giá 350 nghìn/kg với 4 xâu khoảng 3-4 người mua chung một kg. chị Hà (35 tuổi, Định Công, Hà Nội) kể: “Mọi năm muốn mua nấm hương về nấu miến ăn Tết nhưng thấy giá cao và một kg thì không biết ăn bao giờ mới hết vì nhà mình chỉ có 2 vợ chồng trẻ nên mình ngại mua. Năm nay thấy mấy chị em ở cơ quan rủ mua mình cũng xin chung một suất”.
Chị em trong công ty chị Hà mua chung 1kg nấm hương có giá 350 nghìn |
Ngoài nấm hương chị cũng lấy hàng loạt các đặc sản khác với số lẻ như 0.5 kg lạp xưởng, 0.5 kg thịt trâu gác bếp, miến dong…
Cả tầng gom tiền sắm kẹo ngoại
Rất ưa chuộng một loại kẹo của Nhật nhưng gia đình ít người nên chị Thanh (Hà Đông, Hà Nội) tính phương án rủ người cùng tham gia mua. Chị nói: “Loại này mua lẻ là gần 90 nghìn một gói nhưng nếu mua cả thùng rồi chia ra thì mỗi gói chỉ có giá gần 68 nghìn và nếu mua số lượng lớn thì người ta mới miễn phí tiền vận chuyển”.
Sáng hôm đó lên cơ quan chị viết thông báo lên bảng tin của công ty rồi gọi chị em xung quanh mua chung hàng. Chỉ sau vài giờ kêu gọi cả công ty xúm lại vào đặt hàng, số lượng lên đến 3 thùng so với mong muốn ban đầu của chị Thanh là chỉ cần người đặt đủ 1 thùng.
Chị kể: “Hôm qua hàng được chuyển đến, cả công ty nhao nhao chia kẹo, thu tiền. Thấy thuận lợi, mấy chị em khác muốn mua đồ gì để ăn Tết yêu cầu mua số lượng lớn lại rủ rê nhau mua chung”.
Tết năm ngoái được người anh họ đi Nga về biếu các loại bánh kẹo, trà ở Nga nhà các con nhà anh Hải (Linh Đàm, Hà Nội) rất thích. “Năm nay nhà tôi quyết định mua các loại này về ăn dù đắt nhưng ngon. Các năm trước nhà tôi mua nhiều bánh kẹo nhưng chất lượng thường thường, đi nhà nào cũng thấy họ bày những loại tương tự nên năm nay muốn có gì đó khác biệt để đãi khách”.
Các loại anh Hải kể là bánh dừa, socola truyền thống của Nga, socola nhân Việt quất, trà dâu Việt Quất…Tuy nhiên, gọi điện đến các shop bán hàng xách tay anh thấy giá tương đối cao so với mua và gửi từ Nga về. Do đó, nhà anh đã rủ bạn bè, anh em mua chung.
Theo anh Tiến, để gửi một chuyến hàng bên đó về với mức cước hợp lý thì cũng phải khoảng 5kg trở lên. Anh rủ các nhà cùng tầng ở chung cư mua cùng. Chỉ sau khi gõ cửa vài nhà người quen số lượng kẹo đặt đã lên tới 20 kg.
Chống xong đơn hàng anh lên mạng nhờ người anh họ mua và đóng gói gửi về. “Kêu gọi mua chung kẹo Tết như thế này chúng tôi có hàng chuẩn từ Nga, không lo hàng giả, kém chất lượng. Tính ra mỗi gia đình lại tiết kiệm được ít nhất 150.000 đồng/kg so với mua ở Việt Nam”, anh nói.
Phương Lễ