Năng lực gánh 20kg, mình giao 50kg là hỏng

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp đa ngành, Shark Việt cho biết: “Tôi biết rất rõ nhân viên của mình tối ngủ nghiêng về phía nào. Mình phải hiểu những người giúp việc cho mình, tức chọn đúng người, giao đúng việc, hiểu rất rõ họ".

"Hiểu sai sẽ giao sai. Người ta năng lực gánh 20kg, mình giao 50kg là hỏng. Người ta năng lực 50kg, giao làm 20kg, họ dư thời gian chat chit với người khác. Người ta giỏi về nhà ở, mình giao làm thủy điện coi như mình tiêu", Shark Việt nói.

Chỉ một lần sơ xuất, tin theo biên bản địa chất của một kỹ sư, người này vốn không phải là kỹ sư chuyên ngành nền móng và điện. Căn cứ vào cấu tạo địa chất như nội dung biên bản kết luận, doanh nghiệp của Shark Việt đã xử lý nền móng theo như đề xuất. Sau khi phát điện, lập tức xảy ra sự cố.

{keywords}
Mất gần 15 tỷ chỉ vì một lần tin lầm nhân viên

"Chúng tôi phải dừng phát điện, mỗi ngày mất 150 triệu đồng, 3 tháng mất gần 15 tỷ đồng chỉ vì một cái biên bản".

"Tôi kể câu chuyện này để nhắc nhở các bạn rằng: Khi chúng ta sửa cái sai do mình chọn sai người, cái sửa ấy rất mệt", Shark Việt nhắn nhủ.

Túi tiền đại gia suy giảm vì corona

Chứng khoán Việt giảm trong bối cảnh chứng khoán toàn châu Á cũng lao dốc trong phiên đầu năm mới (âm lịch) với hàng loạt cổ phiếu ngành du lịch, hàng không, xuất khẩu và công nghệ diễn biến tiêu cực nhất.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chứng kiến túi tiền bốc hơi mạnh hàng ngàn tỷ đồng sau khi cả bộ đôi cổ phiếu VietJet và HDBank đều giảm mạnh. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Bùi Thành Nhơn,... đều chứng kiến túi tiền suy giảm mạnh.

Cổ phiếu Vinamilk (VNM) giảm 4.700 đồng/cp, xuống còn 116.600 đồng/cp trong bối cảnh doanh nghiệp này đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc.

Cổ phiếu hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) giảm kịch sàn xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua: còn 30.550 đồng/cp, trong khi VietJet (VJC) giảm 6.500 đồng xuống còn 140.000 đồng/cp.

Cổ phiếu ngành dược tăng giá vài lần

Trái ngược, cổ phiếu của nhóm ngành dược - thiết bị y tế lại tăng mạnh. Cổ phiếu CDP của Dược phẩm TƯ Codupha dẫn đầu nhóm này khi tăng kịch trần (14,5%) từ 7.000 đồng/cổ phiếu lên 7.900 đồng. Cũng có đà tăng kịch biên độ (14,4%) là mã HDP của Dược Hà Tĩnh, tăng lên 14.300 đồng/cổ phiếu.

Trên sàn HNX và HOSE, nhiều cổ phiếu ngành dược phẩm tăng giá mạnh, trái ngược so với thị trường chung, như Thuốc thú y Trung ương Navetco (VET) tăng 13,3%; Y tế Danameco (DNM) tăng 7,1%; Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (AMV) tăng 6,4%; Dược Hậu Giang (DHG) tăng 5,7%... Cổ phiếu JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật và SJF của Công ty Sao Thái Dương còn tăng kịch biên độ (gần 7%).

Một số doanh nghiệp có ghi nhận doanh thu từ việc kinh doanh thiết bị y tế nhưng không rõ cơ cấu doanh thu từ các sản phẩm như khẩu trang, dụng cụ y tế hỗ trợ chữa bệnh cúm nhưng vẫn hưởng lợi từ tâm lý của giới đầu tư.

Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục báo lỗ sau thuế hơn 1.609 tỷ đồng

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa công bố BCTC quý 4/2019 với doanh thu 610 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 1.069 tỷ cùng kỳ. Luỹ kế cả năm, HAGL ghi nhận doanh thu 2.099 tỷ do giảm đáng kể nguồn thu từ bò, thuỷ điện, bất động sản,... Tiếp tục đánh giá lại tài sản cũng như chuyển đổi chi phí khiến Tập đoàn báo lỗ sau thuế hơn 1.609 tỷ đồng.

{keywords}
Bầu Đức bán nhiều công ty con

Mới đây, Công ty đã thông qua Nghị quyết về việc chuyển nhượng 248,5 triệu cổ phần tại Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, tương đương 99,4% vốn điều lệ. Mục đích nhằm đẩy mạnh công tác tái cấu trúc Tập đoàn theo hướng mạnh dạn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực không hiệu quả và tăng cường tập trung vào nông nghiệp.

Trước đó, Công ty đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH V&H Corporation (Lào) liên quan đến Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, phần vốn chuyển nhượng chiếm 80% vốn tại V&H Corporation. Như vậy, HAGL đã hoàn toàn rút khỏi mảng thủy điện, tiếp nối động thái trước đó rút hoàn toàn khỏi mảng bất động sản, chăn nuôi bò...

Vingroup bù lỗ gần 10.000 tỷ ở mảng sản xuất ôtô, điện thoại

Tập đoàn Vingroup mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2019 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Riêng quý IV năm ngoái, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận 38.176 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 1% so với cùng năm trước. Nhờ việc giảm được giá vốn để cải thiện biên lãi gộp từ 20,4% lên 23,2%, lợi nhuận gộp công ty này thu về trong năm đã tăng hơn 15%. Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính quý vừa qua cũng tăng hơn gấp đôi, mang về 8.612 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2019, tổng nợ phải trả của Vingroup đã lên tới gần 288.000 tỷ, chiếm 70% tổng tài sản và nguồn vốn doanh nghiệp. Trong số nợ phải trả hơn 12 tỷ USD này, các khoản nợ có phát sinh lãi suất chiếm khoảng 45%, gồm trên 31.000 tỷ đồng ngắn hạn và 86.500 tỷ đồng dài hạn. Tập đoàn cũng còn trên 10.000 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi có lãi suất.

{keywords}
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Từ hoạt động y tế, giáo dục, bán lẻ cho tới sản xuất của Vingroup đều lỗ trước thuế bộ phận. Trong năm 2019, sản xuất là bộ phận kinh doanh được dồn nhiều nguồn lực tài chính nhiều nhưng lại là mảng thua lỗ nhiều nhất. Riêng bộ phận này năm vừa qua đóng góp khoảng 10.000 tỷ đồng doanh thu thuần trước loại trừ (8%) nhưng lỗ trước thuế tới 9.755 tỷ đồng, cao nhất trong các hoạt động kinh doanh của Vingroup.

"Ông trùm" sân bay nắm giữ hơn 31.000 tỷ đồng tiền gửi

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - doanh nghiệp quản lý phần lớn các sân bay dân dụng tại Việt Nam - vừa công bố báo tài chính quý 4 và lũy kế cả năm 2019. Trong quý 4, ACV đạt gần 4.800 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 600 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lãi gộp cũng tăng tương ứng do giá vốn tăng không đáng kể.

Bên cạnh đó, thu nhập tài chính thuần cũng tăng hơn 900 tỷ đồng giúp cho lợi nhuận trước thuế quý 4/2019 tăng gấp đôi cùng kỳ, từ 1.496 tỷ lên 3.019 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2019, ACV đạt 18.300 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 14% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế tăng 35% từ 7.618 tỷ lên 10.316 tỷ đồng. Tương tự quý 4, lợi nhuận cả năm tăng là do hoạt động kinh doanh cốt lõi được cải thiện và thu nhập tài chính tăng.

Với nguồn tiền gửi lớn, trong năm 2018 và 2019, ACV đã thu về lần lượt là là 1.276 tỷ và 1.796 tỷ đồng lãi tiền gửi. Mặc dù có nguồn tiền gửi dồi dào nhưng hiện tại ACV cũng đang đi vay gần 15.000 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay ODA bằng ngoại tệ để đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 Sân bay Nội Bài.

D.Anh (Tổng hợp)