Đại diện tập đoàn Toshiba của Nhật cho biết đã nhận được đề nghị mua lại từ công ty cổ phần tư nhân CVC Capital Partners, có trụ sở tại Luxembourg.
Theo WSJ, Toshiba đang xem xét đề nghị một cách cẩn thận. Sau tuyên bố trên, cổ phiếu Toshiba đạt mức cao nhất từ tháng 12/2016. Nobuaki Kurumatani, CEO Toshiba từng là chủ tịch của CVC Nhật Bản.
Giá trị thương vụ CVC mua Toshiba sẽ dựa vào bộ phận sản xuất chip nhớ, “viên ngọc quý” trong quá khứ của Toshiba, Nikkei đưa tin.
Các nhà phân tích dự đoán giá trị của Kioxia Holdings (đổi tên từ Toshiba Memory) rơi vào khoảng 10,9-23,7 tỷ USD. Sự chênh lệch lớn đến từ giá sản xuất chip nhớ đang biến động mạnh. Năm ngoái, Kioxia đã ngừng kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu do doanh thu bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ dành cho Huawei.
Một trong những tập đoàn lâu đời của Nhật đang xem xét lời đề nghị bán mình. Ảnh: Bloomberg. |
CVC được cho muốn thâu tóm Toshiba với giá 45,6 USD mỗi cổ phiếu, tương đương 20,9 tỷ USD, cao hơn khoảng 30% so với vốn hóa thị trường hiện nay của tập đoàn Nhật Bản.
Nếu được bán với giá hơn 20 tỷ USD, đây có thể là thương vụ kiểu đòn bẩy (leveraged buyout) lớn nhất châu Á, vượt qua vụ thâu tóm mảng chip nhớ Toshiba của Bain Capital năm 2018 với giá 18 tỷ USD. Thương vụ kiểu đòn bẩy có nghĩa CVC sẽ vay tiền để thâu tóm Toshiba, sau đó dùng luồng tiền từ công ty được mua để trả nợ.
Do tham gia vào lĩnh vực hạ tầng, quốc phòng tại Nhật, thương vụ mua lại Toshiba cần được chính phủ nước này chấp thuận. Fumio Matsumoto, Giám đốc chiến lược của Okasan Securities nhận định điều đó khiến thương vụ “không chắc chắn xảy ra”.
Khi được hỏi về Toshiba, phát ngôn viên của chính phủ Nhật Katsunobu Kato khẳng định điều quan trọng là duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.
Thời gian gần đây, Toshiba đối diện áp lực từ các cổ đông về việc cải thiện bộ máy quản trị. Hồi tháng 3, tập đoàn này đã chỉ định nhóm điều tra tính công bằng trong bỏ phiếu tại đại hội cổ đông năm 2020.
Hoạt động kinh doanh của Toshiba gặp khó khăn sau vụ bê bối kế toán năm 2015. Kể từ đó, tập đoàn này phải bán đi bộ phận chip nhớ, đóng cửa mảng y tế, điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng để tập trung vào lĩnh vực năng lượng, hạ tầng công nghiệp.
(Theo Zing)
Điện tử Nhật Bản đang hồi sinh
Thời hoàng kim của điện tử Nhật Bản đã lùi xa. Tuy nhiên, những gương mặt đại diện như Sony, Panasonic, Hitachi đều không rơi vào diệt vong. Họ đã tìm ra con đường để tồn tại và hồi sinh.