Để chụp được những tấm ảnh về đàn chim trong Vườn quốc gia Tam Nông, chúng tôi mất trọn 4 ngày trời. Hơn nữa, chụp ảnh cũng cần có duyên, kể cả khi bạn đã kiên trì. Bởi, nhiều khi chim không đậu theo ý mình. Nó quay lưng lại, hoặc dáo dác, hay chim non không chịu há mỏ,... thế nên rất cần bấm máy đúng lúc khi có bối cảnh lý tưởng.
Quyến rũ rừng chim
Giữa trưa, chiếc tắc ráng đưa chúng tôi rời con kinh nhỏ nằm dọc ấp Cà Dăm xã Tân Công Sình hướng tới cánh rừng ba chục năm tuổi mọc xanh rờn nửa chìm nửa nổi của Vườn quốc gia Tam Nông. Không lâu sau đó, thuyền lướt nhẹ vào đầm nước nổi đầy bèo tai tượng như tấm thảm cỏ xanh trải dài bất tận. Chợt giật mình bởi bất ngờ xuất hiện từng đàn diệc xám, cò ốc sải đôi cánh chao lượn trên mặt đầm rồi vươn mình bay vút lên trời cao, khiến khách lữ hành cứ ngẩn ngơ, dõi mắt nhìn theo.
Đúng lúc thuyền bị mắc cạn, không thể xoay xở vì chân vịt máy đuôi tôm cứ liên tục bị đám bèo tai tượng sinh sôi dày đặt dưới đáy nước quấn chặt, chúng tôi đành phải xuống dầm nước để lội vào khu vực A2 - địa điểm các loài chim tập trung sinh sản.
Thuyền lướt trên đầm nước nổi đầy bèo tai tượng như tấm thảm mênh mông. |
Những tổ chim điên điển, cồng cộc được đan kết từ cỏ, que cây nằm chen chúc trên cùng một vòm cây. |
Chúng tôi cũng được nhắc nhở không được nói lớn tiếng hoặc gây tiếng động mạnh, phòng tránh chim cò sợ hãi, bay loạn xạ ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh sống.
Quả là không dễ dàng khi đi trên đầm vì ẩn sâu dưới lớp bùn là tầng lớp gốc rễ cây đã chết khiến nhiều lần chúng tôi bị vấp, suýt bị ngã xuống nước. Cả những cành cây lỗ chỗ như bãi chông, nếu vướng vào quần áo lội nước bằng cao su sẽ xé rách tơi tả.
Cái không gian rừng ngập nước Tam Nông quyến rũ tôi từ đầm nước phủ đầy bèo xanh hắt lên mùi tanh nồng của lông chim, vỏ trứng rơi vãi khắp nơi, những thân cây tràm mọc khẳng khiu, đong đưa dưới nắng chiều, những tổ chim được đan kết từ cỏ, que cây nằm chen chúc trên cùng một vòm cây trụi lá. Và ở đó rất dễ thấy chim điên điển, cò ốc, cồng cộc đang ấp trứng. Một số tổ trên ngọn cây cao, các chú chim cồng cộc, điên điển con đang thò hẳn chiếc cổ ra khỏi tổ nhìn chung quanh như chờ mong bố mẹ về.
Hàng ngày bố mẹ đám cồng cộc con, cò ốc bay đi bay lại nhiều lần, lúc tha mồi, lúc ngậm nước tiếp cho bầy con vốn rất háu đói và rên rỉ suốt ngày. Riêng chim điên điển có vẻ dè dặt, cảnh giác, nhất là khi phát hiện “kẻ lạ” xâm nhập vào rừng. Thông thường trước khi bay về tổ, chúng hay đậu xa xa nhằm đánh lạc hướng, đề phòng kẻ thù đánh cắp tổ và bầy con, thỉnh thoảng chúng ngúc ngắc chiếc cổ dài lêu nghêu như đầu rắn nhìn trước nhìn sau và thét lên “ù quạp” đầy hung dữ như xua đuổi, hăm dọa kẻ lạ.
Chim điên điển mẹ bên chiếc tổ và bầy con. |
Cò ốc về chổ đậu hàng ngày khi hoàng hôn. |
Chỉ đến khi cảm thấy thật an toàn hoặc “kẻ lạ” đã bỏ đi, chim bố hoặc mẹ mới bay vể tổ. Tuy nhiên, trong khi chăm con, nó vẫn không thôi nhìn dáo dác phòng khi bất trắc xảy ra. Được ngắm cái cảnh chim điên điển, cồng cộc cho con ăn thấy kỳ lạ vô cùng. Đầu tiên, nó há miệng thật lớn cùng lúc khạc thức ăn được tích trữ trong diều ra cuống họng, để từng đứa con trong bầy lần lượt thò đầu vào gắp mồi.
Chim điên điển (còn gọi chim cổ rắn), có đôi cánh to rộng, dũng mãnh và giữa các ngón chân kết màng như chân vịt, bởi thế chúng có thể bay vừa xa vừa bền bỉ bơi lặn bắt cá suốt ngày. Hãy nhìn cái cách nó vừa bay vừa rẽ nước, đuổi theo đớp con mồi cho bằng được rồi vươn mình dang đôi cánh đen bóng bay khuất dạng sau vòm cây cao. Ít phút sau, xuất kỳ bất ý nó lại xuất hiện lao thẳng xuống đầm nước lặn mất tăm hơi, hồi lâu mới thấy bóng dáng nó đang dang cánh, rỉa lông trên cành cây xa xa.
Trời phú các giống chim nước, mỗi loài một đặc điểm để thích nghi kiếm mồi trong mùa sinh sản. Với đám cò trắng, thường sanh đẻ từ tháng 5 đến tháng 8, là mùa nước kém nên dễ dàng lặn lội kiếm mồi nuôi con dù chân ngắn. Qua tháng 9 nước lũ tràn về, mang theo phù sa và tôm cá dồi dào, đó cũng là thời điểm điên điển, cồng cộc nằm ổ, bởi nhờ bàn chân kết màng và lặn giỏi mới tìm đủ thức ăn chăm con tới ngày ra ràng. Tới tháng 11, nước lũ xuống dần, loại cò ốc tung đôi cánh uyển chuyển bay về đậu kín rừng ngập nước, chấm dứt cuộc sống lang bạt, bắt đầu mùa kết đôi, cùng nhau xây tổ, tuy không thể bơi lặn nhưng bù lại chúng mang dáng vẻ “chân dài, cổ cao” như chim hạc, vậy nên rất thuận lợi để mò mẫm tìm các loài ốc cho con.
Hầu hết các loài chim đẻ khoảng 2 đến 6 trứng và chim bố chim mẹ thay nhau ấp trứng. Khi trứng đã nở, bọn chim con lớn rất nhanh, suốt ngày gào thét đòi ăn khiến bố mẹ chúng sẽ bay đi, về liên tục sao cho kịp tiếp nước, tiếp mồi cho con. Đến lúc lũ con đủ lông, đủ cánh có thể bay đi kiếm ăn thì chim trống, chim mái đã gầy rạc, tiều tụy thấy rõ.
Cò trắng đang hạ cánh |
Chúng thường sống quần tụ theo đàn và đậu trong khu vực riêng biệt. |
Cái duyên và bí quyết chụp ảnh
Để chụp được những tấm ảnh đàn chim trong Vườn quốc gia Tam Nông, chúng tôi đã dành 4 ngày đi vào khu sinh sản. Những ngày đầu, do không có bộ quần áo cao su chống nước, chúng tôi phải ngâm mình dưới nước 6h sáng tới 5h chiều trong những bộ đồ thể thao. Kể cả khi đã có đồ “chuyên nghiệp”, nhưng cũng chỉ mang được 2-3 giờ là bị rễ cây chàm chằng chịt dưới nước đâm thủng. Nước tràn vào trong, chúng tôi phải di chuyển trong tư thế khó khăn, lại nặng và lạnh,... nhưng không dám cởi vì không thể đi chân đất.
Nếu không có sự kiên trì, những du khách thông thường của khu vườn rất dễ bỏ cuộc. Vì thế, ngoài ngâm mình trong nước, chúng tôi còn phải quan sát nơi nào, ổ chim nào dễ đưa vào ống kính. Chỗ đó không bị tán cây che.
Hơn nữa, phải biết quy luật của con vật đó. Chẳng hạn, con điên điển một ngày ít nhất bay về tổ 2-3 lần để tiếp nước cho con và làm ẩm, do tổ điên điển thường ở chạc ba, chạc đôi trên tít ngọn cây, nơi đối mặt với nắng gió và 3-4 lần nữa về cho con ăn.
Rồi, chúng tôi phải tìm được ổ nào có nhiều con cho bức ảnh sinh động. Cứ đi tìm mải miết như vậy mới thấy khổ chừng nào. Mò mẫm, chúng tôi chỉ sợ vấp phải gốc cây, nếu té máy cũng chìm luôn. Do đó, chúng tôi phải dùng cái chậu nhựa đẩy phía trước làm hoa tiêu.
Bầy điên điển con đã gần đủ lông đủ cánh |
Tác giả bài viết. |
Chọn được rồi, lại lo tìm khoảng cách, tức đứng xa tổ chim ít nhất 150m, vì nếu không chim nhìn thấy bóng dáng của người sẽ không dám về, hoặc nó đuổi mình đi và báo cho đồng loại biết có sự xâm nhập của kẻ lạ. Có những khi, chúng tôi phải ngồi núp sau cây, ngồi chờ tới 4 tiếng đồng hồ để canh chim về.
Để có được những tấm ảnh đẹp, hậu quả là chúng tôi bủng da vì ngâm nước quá lâu, người thì chân tay tê cứng vừa đứng rình vừa phải nhẹ nhàng vận động tại chỗ. Chưa kể, để có nhiều góc ảnh đẹp, lúc thì cả đoàn phải lặn lội và tận khu trung tâm rừng, khi thì phải di chuyển ra tận bìa rừng. Tốn công, tốn sức vô cùng.
Ngoài ra, chụp ảnh cũng cần có duyên, kể cả khi bạn đã kiên trì. Bởi, nhiều khi chim không đậu theo ý mình. Nó quay lưng lại, hoặc nó dáo dác, hay chim non không chịu há mỏ,... nên rất cần bấm máy đúng lúc khi có bối cảnh lý tưởng.
Mỗi khi chiều xuống, từng đàn cò ốc, cò trắng, cồng cộc, diệc xám,... lũ lượt bay về tựa những đợt sóng nhấp nhô trên bầu trời xanh ngăn ngắt. Chúng tiếp tục lượn quanh cánh rừng nhiều vòng rồi khoan thai sà xuống ngọn cây và biểu lộ niềm vui đoàn tụ bằng âm thanh vỗ cánh phành phạch, những tiếng kêu khàn đục hoặc liên tục khua mỏ lách cách như trò chuyện. Nỗi vui mừng ấy diễn ra không lâu vì đám cò ốc vốn ít lời, thầm lặng nên sớm trả lại cho khu vườn sự yên vắng, bình yên, chỉ còn văng vẳng đâu đây tiếng líu ríu của đám chim non đòi ăn.
Trong ca dao Việt Nam, con cò là hình ảnh ẩn dụ người phụ nữ hy sinh, tảo tần “gánh gạo nuôi chồng”. Cò cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp mộc mạc vùng quê thân yêu và rất có ích cho cây trồng. Nếu cò, chim muông được bảo vệ, chăm sóc, sinh sôi nảy nở ắt sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo không gì có thể so sánh bằng, bên cạnh đó tạo công ăn việc làm cho người bản địa và cải thiện đời sống dân sinh địa phương.
Bài và ảnh: Trần Thế Dũng (Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TP.HCM)