Chiếc áo "made in China", không có nhãn mác rõ ràng nhưng lại luôn được rao bán trên facebook là hàng Uniqlo (nhãn hiệu thời trang bán lẻ được ưa chuộng của Nhật Bản) xách tay về Việt Nam và có mức giá dao động từ 900.000 đến hơn 1 triệu đồng/chiếc.
Khách hàng tố chủ shop trên đường Đại Cồ Việt bán hàng fake Uniqlo giá đắt
Mới đây, nhiều diễn đàn mạng xã hội liên tục chia sẻ câu chuyện về hành vi "treo đầu dê, bán thị chó" của một shop quần áo trên đường Đại Cồ Việt - Hà Nội. Theo lời C.N, một khách nữ mua hàng ở đây thì mặc dù, trên Facebook, chủ shop luôn quảng cáo quần áo mình bán là hàng Uniqlo chính hãng nhưng đến khi mua về, C.N mới phát hiện đó chỉ là hàng fake (nhái), không hề có tem mác rõ ràng.
Theo lời Facebooker này chia sẻ, ngày 11/12 vừa qua, cô nhờ một người bạn mua hộ 1 chiếc áo phao lông vũ tại shop này. Nhưng đến ngày 3/1/2016 cô mới để ý đến một vài chi tiết của áo lẫn thẻ treo, nhãn mác thì phát hiện ra là hàng... nhái.
Đoạn clip ghi lại cảnh đối chất giữa chủ shop và khách hàng do nickname C.N chia sẻ trên trang cá nhân đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người - (Ảnh chụp màn hình).
Đoạn clip ghi lại cảnh đối chất giữa chủ shop và khách hàng do nickname C.N chia sẻ trên trang cá nhân đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người - (Ảnh chụp màn hình).
"Tôi có nhờ 1 vài người xem giúp để khẳng định bản thân mình đúng thì mới inbox cho shop. Shop có khẳng định đây là áo phao lông vũ Uniqlo nhưng đến khi tôi chụp tag và hỏi thì mới nói rằng đây là hàng Trung Quốc xuất Nhật, được sản xuất tại nước thứ 3", C.N chia sẻ trên trang cá nhân.
Cảm thấy câu trả lời không thỏa đáng, ngày hôm sau, C.N đã mang theo chiếc áo đến cửa hàng nằm trên phố Đại Cồ Việt đối chất và dùng điện thoại di động, quay lại toàn bộ cuộc trò chuyện này. Cuộc đối thoại kéo dài chừng 3 phút và trong thời gian ấy, chủ shop liên tục giải thích rằng áo của C.N mua là hàng Uniqlo chính hãng. Tuy nhiên vì muốn tránh bị đánh thuế cao khi nhập khẩu nên chủ shop đã cắt hết nhãn mác của hãng để may lại bằng những nhãn mác không có thương hiệu gì nổi bật.
C.N cho rằng đây là lý do không thể tin được vì đường chỉ may của áo không hề có dấu hiệu bị cắt, rạch và may lại. Chủ shop tiếp tục thanh minh nhưng C.N liên tiếp chứng minh điều ngược lại. Sau một hồi đôi co qua lại, chủ shop đã không còn lý do gì chối cãi và buông ra lời thách thức: "Ừ đây bán hàng fake đó, bạn làm được gì nào?"
Bên cạnh đó, C.N cũng cho rằng, ngay từ lúc mới bước chân vào cửa hàng để tìm chủ shop nói chuyện thì cô đã được tiếp đón bằng một thái độ khiếm nhã.
Liên lạc với C.N, chúng tôi được biết, nữ khách hàng này tên thật là Chu Cẩm Nhung (SN 1993, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội). Liên quan đến việc tố chủ shop trên đường Đại Cồ Việt bán hàng nhái, chị Nhung khẳng định, những gì chị chia sẻ trên trang cá nhân là hoàn toàn đúng sự thật.
"Sau khi mình chia sẻ câu chuyện này trên trang cá nhân, chủ shop nhận được nhiều phản hồi rất tiêu cực và anh ta đã khóa fanpage lại. Mặt khác, tất cả những ai để lại bình luận tiêu cực hay hỏi han về vụ áo nhái đều bị chủ shop block, chặn và xóa tất cả comment của họ đi. Tôi cho đó là một cách hành xử rất đáng thất vọng của anh này".
Cũng theo lời Nhung, sau khi chịu áp lực lớn từ phía cư dân mạng, mới đây, chủ shop có nhắn tin cho cô, yêu cầu cô gỡ bài đăng trên trang cá nhân và sẽ hoàn lại tiền chiếc áo mà cô đã mua.
"Tôi mua cái áo đó giá 960.000 đồng, cũng không hề rẻ. Nhưng tôi không cần anh này hoàn tiền mà điều quan trọng là muốn anh ấy thôi trò lừa đảo khách hàng, đừng dùng cái tên thương hiệy Uniqlo để bán chạy những chiếc áo không phải là hàng hãng đó nữa. Hàng hãng nào thì nói là hãng đó, đừng "đánh tráo lòng tin" của khách như vậy".
"Khi bán, tôi không hề quảng cáo đó là hàng Uniqlo"
Liên lạc với chủ shop, anh Phạm Tuấn Long, khẳng định, những gì mà chị Nhung chia sẻ trên trang cá nhân hoàn toàn chỉ là hiểu lầm.
"Đoạn clip đó đã quay không dầy đủ. Nếu được xem từ đầu thì mọi người sẽ thấy chị Nhung tìm đến gặp tôi với một thái độ vô cùng khó chịu. Những lời tôi nói trong clip đó chỉ là vì nóng giận quá nên đã không kiểm soát được bản thân để đưa ra lời giải thích hợp lý".
Anh Long cho biết, shop của anh bán rất nhiều loại quần áo, bao gồm cả hàng Uniqlo chính hãng, hàng Việt Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng Uniqlo bao giờ cũng được bán với giá cao hơn và có tem, mác, hóa đơn mua hàng từ nước ngoài rõ ràng, đầy đủ. "Các loại quần áo giá rẻ, chỉ từ 960.000 đồng/chiếc như bạn C.N mua, khi bán, tôi không hề quảng cáo đó là hàng Uniqlo. Vì thế, không thể quy kết là tôi đang lừa đảo khách hàng".
Liên quan đến chiếc áo mà chị Nhung đã mua, anh Long thừa nhận đó không phải là hàng Uniqlo nhưng khi rao bán, anh cũng không hề đề cập đến xuất xứ của hàng đó.
"Chúng tôi không bán áo nữ bao giờ. Tuy nhiên không biết chị Nhung xem được mẫu áo đó ở đâu nên đã gửi ảnh cho tôi hỏi mua. Sẵn lúc ấy tình cờ tôi có áo nhập về cho người thân nhưng có khách hỏi mua nên ưu tiên bán cho khách trước rồi lại nhập cho người nhà sau. Khi bán tôi không quảng cáo đó là Uniqlo hay gì cả mà đơn giản là về mẫu mã, chất lượng có sự tương đồng với chiếc áo mà chị Nhung gửi qua Facebook. Đây là quan hệ thuận mua vừa bán chứ cửa hàng chúng tôi không hề lừa gạt ai hết".
Trước ý kiến cho rằng anh đang khóa Fanpage của cửa hàng lại để "thủ tiêu" việc rao bán hàng nhái thành hàng Uniqlo chính hãng, anh Long cho biết: "Tôi không có ý đó mà chỉ vì bị sức ép lớn quá. Nhiều bạn chưa bao giờ mua hàng ở chỗ tôi, sau khi xem clip và ý kiến một chiều từ phía chị Nhung cũng lên tiếng mạt sát, nói tôi là kẻ lừa đảo nên tôi phải tạm thời khóa fanpage lại. Tôi cũng chưa kịp lập fanpage nào mới cả. Vì thế, tất cả những trang nào đang rao bán quần áo Uniqlo, ghi địa chỉ, số điện thoại của tôi lúc này đều là giả mạo", anh Long nói thêm.
Theo Trí thức trẻ