Ngày 22/7, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục QLTT Hải Dương tổ chức kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh giày dép, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ trẻ em trên địa bàn thành phố Hải Dương.

Trong quá trình làm việc, đoàn kiểm tra nhận thấy, nhìn chung hàng hóa là giày dép, túi xách có nguồn gốc chủ yếu từ Quảng Châu, Trung Quốc, không có nhãn, hóa đơn, chứng từ. Giá mỗi đôi giày từ 100.000-500.000 đồng, tùy loại. Có cơ sở kinh doanh hàng đồng giá là 250.000 đồng/đôi giày. Túi xách có giá từ 200.000-500.000 đồng/chiếc.

Hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, nhãn ghi thiếu nội dung bắt buộc và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

{keywords}
Lực lượng quản lý thị trường làm việc tại cửa hàng Moci. (Ảnh: Tổng cục QLTT)

Khách hàng của các cơ sở trên chủ yếu là người địa phương làm văn phòng, công sở và thường có thị hiếu mua sắm hàng do nước ngoài sản xuất, vì hàng nhập lậu có giá rẻ, bền đẹp hơn hàng trong nước.

Tại cửa hàng Giày dép - Túi xách Moci (địa chỉ ở 343 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Bình, TP Hải Dương), chủ cơ sở khai nhận mua lại hàng trên Facebook về bán kiếm lời, chỉ cần gọi điện là hàng được chuyển về tận nơi, nên không có hóa đơn, chứng từ. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 1.478 đơn vị hàng hóa là giày dép, túi xách có dấu hiệu không rõ nguồn gốc tại cửa hàng này.

{keywords}
Một đôi giày nữ không rõ nguồn gốc đồng giá bán ra chỉ 250.000 đồng (Ảnh: Tổng cục QLTT)

Kiểm tra tại cửa hàng Mỹ phẩm Hải Dương (số 26 Vũ Hựu, TP. Hải Dương), đoàn kiểm tra phát hiện các mặt hàng là mỹ phẩm như dầu gội, kem đánh răng, sữa tắm, kem, phấn trang điểm, dưỡng da, đắp mặt, vitamin E, dầu nóng, viên uống giảm cân, dưỡng tóc, kem chống nắng, viên giặt có dấu hiệu không rõ ngồn gốc xuất xứ, thường có kiểu dáng mẫu mã bắt mắt, giá rẻ hơn hàng chính hãng. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 3.066 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại cửa hàng này.

Tại cửa hàng Mẹ và Bé (ở 333 Nguyễn Văn Linh, TP. Hải Dương) lực lượng chức năng nhận thấy cơ sở này đang kinh doanh dép, quần áo trẻ em, thực phẩm đóng gói ăn liền, bánh ăn dặm các loại, đồ uống mát cha, rong biển, dầu ăn trẻ em các loại, bỉm, mũ trẻ em, đồ chơi trẻ em có dấu hiệu hàng nhập lậu. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 59 mặt hàng gồm 1.286 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu tại cửa hàng này.

Lực lượng QLTT cũng tạm giữ 1.731 giày dép, túi xách không rõ nguồn gốc tại cửa hàng GuccII (14-16 đại lộ Hồ Chí Minh, TP. Hải Dương); tạm giữ 1.830 giày dép, túi xách không rõ nguồn gốc tại cửa hàng giày dép Lucky Shoes (số 66 Trần Hưng Đạo, TP. Hải Dương).

{keywords}
Một chiếc túi xách nữ không rõ nguồn gốc có giá 450.000 đồng.  (Ảnh: Tổng cục QLTT)

Để ngăn chặn hành vi vi phạm, đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 9.400 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu vi phạm nêu trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.

Điều đáng nói, nhiều người do thiếu hiểu biết nên đã gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong việc phân phối và tiêu thụ để rồi ngày càng chiếm thị phần trên thị trường.

Anh Tuấn