Trong 4 năm trở lại đây, mảng kinh doanh phần cứng gồm các thiết bị như MacBook, iPad của Apple liên tục giảm với giá trị lần lượt là 25 và 19 tỷ USD. Với iPhone, con số này giảm từ 61 xuống còn 52 tỷ USD từ quý I/2018 đến I/2019.
Ngược lại, trong 4 năm đó, mảng dịch vụ bao gồm App Store, Apple Care, Apple Music, Apple Pay và nhiều dịch vụ khác liên tục tăng trưởng. Năm 2018, các dịch vụ Apple đạt mức tăng 85% với 37 tỷ USD.
Chính điều này thúc đẩy việc Apple tự nhìn nhận thương hiệu của họ không còn là nhà sản xuất thiết bị di động, laptop mạnh nữa. Thay vào đó, Apple lựa chọn làm nền tảng công nghệ, phân phối các tiện ích cho người dùng. Cụm từ "nền tảng" được lặp đi lặp lại trong suốt buổi ra mắt sản phẩm ngày 26/3.
Đây là hướng kinh doanh được cho là màu mỡ bởi trong khi các thương hiệu di động khác còn đang loay hoay cấu hình, phần cứng, camera... vốn đã quá đủ cho người dùng, các nền tảng ứng dụng lại thiếu phần cứng để tối ưu thì Apple đã tạo dựng cho mình hệ sinh thái đủ sức chinh phục người dùng.
Apple mở sạp báo
Tại sự kiện ngày 26/3, Apple ra mắt Apple News+, nền tảng phân phối tin tức từ các tờ báo lớn đến tay người dùng. Với ứng dụng này, người dùng trả 10 USD/tháng để xem tất cả tin tức.
Tính năng đáng chú ý nhất của Apple News+ là đọc tạp chí, được Apple gọi là “nơi duy nhất bạn có thể tìm thấy những tạp chí trong một gói dịch vụ”.
Apple News giúp người dùng chọn lọc những thông tin chính thống, chất lượng. |
Apple News+ được Apple giới thiệu tối ưu tốt cho trải nghiệm đọc với ảnh động, dàn trang theo thời gian thực và hình thức thể hiện linh động giữa thiết bị màn hình nhỏ như iPhone và màn hình lớn như iPad.
Nhiều tạp chí tên tuổi sẽ xuất hiện trên News+ như The New Yorker, Esquire, National Geographic, Vogue… Bên cạnh đó, người dùng Apple News+ cũng có thể đọc những nguồn tin trả phí như Wall Street Journal, Los Angeles Times. Apple News+ cho phép người đọc truy cập những nguồn tin chất lượng cao, đáng tin cậy.
Apple nhấn mạnh Apple News cung cấp nội dung phù hợp với người đọc nhờ kết hợp cả tính năng gợi ý tự động và nội dung được lọc thủ công. Bên cạnh đó, dữ liệu người dùng không được chia sẻ cho nhà xuất bản vì vậy Apple News+ sẽ không có quảng cáo.
Apple làm game
Cũng trong khuôn khổ sự kiện ngày 26/3, Apple ra mắt Apple Arcade. Thực chất đây không phải ứng dụng mới mà chỉ là một thẻ trong App Store. Việc App Store với hàng triệu ứng dụng chồng chéo, phi tập trung khiến người dùng khó đưa ra lựa chọn, tiếp cận nguồn game ổn định.
Chính vì vậy, Apple muốn tự tay chọn lọc ra hơn 300.000 tựa game để tối ưu hóa chúng nhằm phát triển một nền tảng game chuyên nghiệp tương tự Play Station hay Xbox.
Apple Arcade sẽ giúp người dùng dễ dàng lựa chọn những tựa game chất lượng và chơi chúng trên đa dạng thiết bị của hãng. |
Điều này cho thấy tầm nhìn của Apple khá xa. Hãng muốn trải nghiệm chơi game di động vốn phân mảnh của người dùng trở nên tập trung hơn, tạo ra văn hóa chơi game di động thực thụ. Với Apple Arcade, các nền tảng như Steam, Nitendo Switch, Play Station... sẽ gộp lại làm một. Đây được xem là Steam của giới di động.
Không chỉ quản lý những game trên Arcade, Apple còn lên kế hoạch đóng góp vào chi phí cho quá trình phát triển game nhằm tăng chất lượng nội dung cho nền tảng của mình.
Định hướng của hãng trong tương lai là hình thành một studio game cho riêng mình, như cách Google đã làm khi giới thiệu dịch vụ Stadia vào tuần trước. Hiện Apple vẫn chưa công bố mức giá cho dịch vụ chơi game này.
Apple làm ngân hàng
Cũng tại sự kiện, Apple giới thiệu các ưu đãi hấp dẫn cho người dùng sử dụng Apple Pay - phương thức thanh toán di động của hãng. Với Apple Pay người dùng sẽ không mất phí giao dịch và được hoàn trả tiền đã chi tiêu không giới hạn.
Chưa dừng lại ở đó, Apple còn ra một dạng thẻ vật lý gọi là Apple Card. Trong khi, Apple Pay chỉ dừng lại là phương thức thanh toán thì với Apple Card, hãng mong muốn liên kết cùng ngân hàng Goldman Sachs và Master Card để trở thành một loại thẻ ngân hàng kiểu mới.
Với Apple Card, hãng mong muốn liên kết cùng ngân hàng Goldman Sachs và Master Card để trở thành một loại thẻ ngân hàng kiểu mới. |
Với Apple Card, ngoài việc người dùng không mất phí giao dịch, thông tin trực quan, lãi suất thẻ thấp và nhiều ưu đãi đi kèm, nó còn được tích hợp các tiện ích thông minh như quản lý chi tiêu trên điện thoại, xác minh giao dịch qua Face ID mà không cần đến CVV...
Người dùng sẽ được hoàn trả 2% giá trị thanh toán khi sử dụng Apple Card cho bất cứ món đồ nào và 3% khi mua những sản phẩm của Apple. Việc thanh toán sẽ được xử lý theo quy trình của Mastercard.
Apple nói hãng sẽ “không thể biết bạn mua gì, mua ở đâu và mua hết bao nhiêu” để nhấn mạnh vấn đề bảo mật của Apple Card.
Apple làm truyền hình
Hai phần ba thời gian của sự kiện được Apple dành cho TV+, ứng dụng nội dung truyền hình mới của hãng.
Apple mời rất nhiều tên tuổi trong ngành công nghiệp phim như đạo diễn và nhà sản xuất Steven Spielberg, J. J. Abrams, diễn viên Jennifer Aniston, Reese Witherspoon và Steve Carell lên sân khấu để nói về TV+.
Thậm chí người dẫn chương trình nổi tiếng Oprah Winfrey còn có một bài phát biểu khiến cho tất cả khán phòng phải đứng dậy tán thưởng.
Hai phần ba thời gian của sự kiện được Apple dành cho TV+, ứng dụng nội dung truyền hình mới của hãng. |
Bên cạnh phân phối, Apple còn đóng vai trò là nhà sản xuất cho các nội dung trên Apple TV+. Dự kiến, họ sẽ bỏ ra 2 tỷ USD để sản xuất nội dung nhằm cạnh tranh với những nhà sản xuất khác như HBO, Hulu hay Amazon, cũng chính là những nhà cung cấp nội dung trên dịch vụ Apple TV được giới thiệu trước đó.
Với tất cả những điều trên, Apple muốn thông báo nền tảng TV của họ sẽ rất đa dạng nội dung và chất lượng. Mặc dù vậy, Apple không hề đem tới một đoạn trailer của một show truyền hình cụ thể nào.
Họ chỉ có một đoạn phim ngắn tổng hợp tất cả những bộ phim họ đang làm. Có lẽ Apple chưa thực sự có một kho nội dung sẵn sàng để trình chiếu. Dự kiến Apple TV+ ra mắt vào mùa thu năm nay, tức khoảng nửa năm nữa.
Những thông tin khác của dịch vụ Apple TV+ cũng rất ít. Họ cho biết đây sẽ là một dịch vụ trả phí nhưng giá vẫn chưa được tiết lộ.
Bài toán con gà quả trứng và sự bùng nổ nền tảng
Trong suốt buổi ra mắt, Apple liên tục nhấn mạnh tính bảo mật thông tin người dùng, vấn đề đang rất nhạy cảm ở các nước phương Tây. Khi các tên tuổi lớn như Google, Facebook, Amazon lựa chọn hướng kinh doanh dữ liệu người dùng để quảng cáo nhắm mục tiêu thì việc Apple thu phí đem lại trải nghiệm "ads free" có thể là hướng kinh doanh được ủng hộ.
Tuy vậy, hướng kinh doanh này vẫn chưa thật sự khác biệt. Apple còn phải cạnh tranh với các tên tuổi lớn trong ngành ngân hàng, các hãng game lâu đời, các ứng dụng đọc báo và cả Netflix, nền tảng truyền hình được sử dụng rộng rãi.
Apple còn phải cạnh tranh với các tên tuổi lớn trong ngành. |
Bên cạnh "ads free", Apple chú trọng đến sự chọn lọc trong thông tin. Hãng chi tiền để sản xuất nội dung truyền hình, game. Đồng thời hợp tác phân phối tin tức từ những hãng lớn. Điều này giúp người dùng có nguồn thông tin chất lượng, hạn chế tin giả và các nội dung video độc hại.
Tuy nhiên, nó đẩy Apple vào việc giới hạn phân khúc khách hàng. Việc đầu tư quá nhiều nhưng chỉ hướng đến nhóm khách hàng cao cấp có thể khiến Apple khó lòng cầm cự đến lúc người dùng thích nghi với nền tảng.
Bài toán người dùng có trước hay nội dung có trước sẽ khiến Apple khó lòng giải quyết trong thời gian ngắn. Trong khi đó, các nền tảng như YouTube, Facebook với nguồn nội dung không lồ, được cung cấp miễn phí từ người dùng và hướng tới đại chúng vẫn sẽ phát triển song song.
Điểm mạnh lớn nhất của Apple là lượng người dùng khổng lồ đang sở hữu phần cứng của hãng như iPhone, iPad và MacBook. Đặc điểm được Apple nhấn mạnh trong cả 4 sản phẩm luôn là "easy to use".
Việc chuyển từ mô hình kinh doanh phần cứng sang kinh doanh nội dung không phải là dễ dàng. |
Việc Apple kết hợp nhuần nhuyễn giữa phần cứng và phần mềm sẽ giúp đẩy doanh số của cả hai đi lên. Ví dụ người sử dụng iPhone sẽ chọn Apple News +, TV+, Card, Arcade thay vì các nền tảng khác.
Chính điều này sẽ giúp Apple có thêm khách hàng mới và tiếp tục níu chân người dùng cũ.
Điểm yếu của hình thức kinh doanh đa dạng hóa này là việc Apple phải chịu khối lượng công việc lớn. Apple từ nay sẽ vận hành nhiều hệ thống nền tảng. Điều này có nguy cơ đẩy Apple đến tình trạng quá tải, "không đâu vào đâu".
Đặc biệt, việc chuyển từ mô hình kinh doanh phần cứng sang kinh doanh nội dung không phải là dễ dàng.