
Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có với Nga nhằm mục đích làm mất ổn định nền kinh tế của xứ sở bạch dương và buộc Moscow phải chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng. Động thái này cùng các biện pháp “ăn miếng, trả miếng” của Moscow đã khiến nhiều công ty phương Tây thoái vốn khỏi các doanh nghiệp tại Nga hoặc rút hẳn khỏi thị trường nước này.
Trường Quản lý thuộc Đại học Yale (Mỹ) ước tính hơn 1.000 công ty nước ngoài đã tự nguyện cắt giảm hoạt động tại Nga ở mức độ nào đó kể từ tháng 2/2022.

Phát biểu trước các cuộc đàm phán trực tiếp Mỹ - Nga tại Ảrập Xêút hôm 18/2, Kirill Dmitriev, Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết, hơn 300 tỷ USD tổn thất về doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ sau khi rời Nga cũng gần bằng trị giá tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga bị phương Tây đóng băng.
Đài RT dẫn lời ông Dmitriev lưu ý, vì những tổn thất lớn như vậy, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ có lợi cho cả Mỹ và Nga. "Điều chúng tôi muốn là đối thoại tốt đẹp... Việc tìm ra những cách thức kinh tế chung để giải quyết các vấn đề là vô cùng quan trọng, chủ yếu là đối với Mỹ", lãnh đạo RDIF nhấn mạnh.
Bình luận về các cuộc đàm phán Mỹ - Nga, ông Dmitriev cho rằng toàn thế giới đang chờ xem liệu hai nước có thể cải thiện quan hệ song phương hay không. Quan chức này tin, Washington và Moscow cần tái lập đối thoại để cùng nhau giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến cả hai nền kinh tế.
Trả lời phỏng vấn CNN, ông Dmitriev, thành viên phái đoàn Nga đang ở Ảrập Xêút để tham gia thương lượng với Mỹ, đánh giá Tổng thống Donald Trump và nhóm đàm phán của ông là "những người giải quyết vấn đề tuyệt vời".


Ngoại trưởng Nga – Mỹ bắt đầu đàm phán, mở đường kết thúc xung đột Ukraine
