Mình đang mong về nước để ăn Tết, bạn bên kia bán cầu đi... tránh Tết, một sự lạ đời của người Việt hội nhập.
Trong bữa ăn, tự nhiên ai cũng "ôn nghèo kể khổ". Rồi mơ mộng, giá như giờ này đi xe máy về quê, sau là cành đào, bánh chưng mang biếu ông bà, bố mẹ. Rồi bỗng nước mắt rưng rưng. Có xa quê mới thấy yêu quê, yêu bánh chưng xanh và nhớ người thân đến nao lòng, nhất là dịp Tết về.
Cô bạn ở Hà Nội email thông báo Tết được nghỉ gần hai tuần và hỏi có cách nào giúp vợ chồng chị "tránh" những ngày đó được không, visa vào Mỹ có dễ không.
Đọc email thấy buồn cười. Mình đang mong về nước để ăn Tết, bạn bên kia bán cầu đi... tránh Tết, một sự lạ đời của người Việt hội nhập.
Kẻ tha phương nhớ Tết quê nhà
Nhớ hồi du học Ba Lan (1970-1977), mỗi dịp Tết là cánh lưu học sinh nô nức chuẩn bị. Nào là cắt hoa đào bằng giấy hồng, gắn lên cành táo cắt trộm ngoài công viên. Các bạn nữ làm nem, gói giò bằng giấy nilong. Ai có mấy cân gạo nếp thì quí hơn vàng. Măng khô hay mộc nhĩ là thứ gì đó mơ ở trên trời. Thời đó đi lại bằng tầu hỏa liên vận, gần hai tuần mới đến nơi. Trong nước quá nghèo nên cánh đi tây chẳng bao giờ mang đi, dù là cân gạo sang nước giầu.
Trên mâm cỗ Tết thức ăn Việt chỉ là món để "trang điểm" bởi món ăn tây như bánh mỳ, bơ sữa, xúc xích thay giò, súp mỳ sợi thay cho bát măng miến, đã choán hết. Suốt sáu, bảy năm xa nhà, chúng tôi chẳng bao giờ thấy bánh chưng xanh, không có tiếng pháo nổ.
Mấy chục đứa chưa đến đôi mươi, nhìn thức ăn trên bàn, nửa tây nửa ta, nghẹn lòng không nuốt nổi. Nỗi nhớ nhà sao mà da diết thế. Thuở đất nước đói nghèo nên càng thương người trong nước. Và cứ nghĩ về quê nghèo, Tết về, cha mẹ, các anh em ăn Tết ra sao.
Sau này công tác bên Mỹ, dù xa nhà hàng chục năm, nhưng Tết nào, người viết bài cũng rủ các bạn tổ chức một ngày ăn Tết. Bây giờ đi lại dễ dàng nên trung tâm Eden buôn bán của người Việt ở Virginia có cả mai vàng, quất cảnh, cây bonsai, mâm ngũ quả. Phong bì lì xì đỏ chói có tờ 2 đô la mới tinh cho trẻ. Bánh chưng bánh tét với giá hơn chục USD một chiếc. Giò chả đủ hết. Nghĩa là hương vị Tết Việt rất gần gũi với những kẻ xa xứ.
Đến nỗi, chợ Tết của người Việt ở Virginia, cũng mua mua, bán bán trong tiếng nhạc Việt xập xình. Du khách cứ ngỡ mình ở đâu đó trong chợ Đồng Xuân, Bắc Qua (Hà Nội) hay giữa chợ Bến Thành (Sài Gòn).
Gặp một chị bạn đi sắm Tết nhưng khi hỏi chuyện, bỗng thấy chị buồn buồn. Có chồng người Mỹ, đã ba mặt con nhưng không làm thế nào chị thuyết phục ông chồng ăn các món xào có nước mắm. Ngày Tết chị mua bánh chưng, giò và ngồi... ăn một mình. Chồng và mấy đứa con mua pizza với coca-cola, mắt dán vào tivi xem bóng bầu dục.
Thăm quầy bán sách của anh Thomas Cong có truyện song ngữ Anh Việt dịch Thánh Gióng, vua Hùng, Thạch Sanh. Anh tâm sự muốn giữ văn hóa Việt ở giữa nước Mỹ cho thế hệ trẻ. Một ước muốn đáng trọng...
Cũng tối đó tôi được dự tiệc chiêu đãi Tết do Sứ quán Việt Nam tại Washington DC chiêu đãi. Tiệc đủ các món giò chả, bánh chưng, xôi xéo... trên bàn. Ai đó còn rất kỳ công mang một cành đào phai Nhật Tân từ Hà Nội sang DC.
Bà con Việt kiều quanh vùng DC đến dự rất đông. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường và phu nhân chủ trì cùng với các anh các chị đang làm việc trong tòa đại sứ mới được sửa sang rất đẹp.
Ban tổ chức còn mời ca sỹ Nguyệt Anh từng hát cho Paris by Night từ California tới hát mừng xuân. Các thiếu nữ trẻ duyên dáng trong những tà áo dài dân tộc.
Hết tiệc Sứ quán đến chuẩn bị tiệc "làng" Maryland và Virginia. Mấy năm nay, nhân viên World Bank từ Hà Nội sang đây khá đông, hiện gần 20 người, mang theo vợ chồng, con cái, cha mẹ... Tổng cộng tới gần 100 người.
Nhà một bạn đồng nghiệp rộng nhất, nên được chọn tổ chức đón giao thừa ở đó. Kênh VTV4 phát, bên này, tivi cũng "bắt" được nên càng có chút hương vị quê nhà.
Mỗi nhà được phân công một món. Nhà thì biết nấu món măng miến ngon tuyệt. Nhà khéo món nem rán. Nhà quê ở Sơn Tây nên "xí" món giò lụa Sơn Tây tự biên tự diễn. Nhà góp món nộm, nhà đưa đến gà luộc, xôi vò. Nhà "độc thân", lười thì mua rượu vang hay vài két bia. Mấy chục nhà, mấy chục món, đóng góp kiểu Mỹ, ăn Tết Việt ở quê người. Bàn cỗ cứ gọi là đầy ắp các món ăn.
Trong bữa ăn, tự nhiên ai cũng "ôn nghèo kể khổ". Rồi mơ mộng, giá như giờ này đi xe máy về quê, sau là cành đào, bánh chưng mang biếu ông bà, bố mẹ. Rồi bỗng nước mắt rưng rưng. Có xa quê mới thấy yêu quê, yêu bánh chưng xanh và nhớ người thân đến nao lòng, nhất là dịp Tết về.
Có xa quê mới thấy yêu quê, yêu bánh chưng xanh |
Người ở nhà đi "lánh nạn" Tết
Thế mà bạn tôi đòi sang Mỹ đi "lánh nạn" Tết. Hỏi tại sao, cô bạn than, ở nhà chán quá rồi. Nghỉ chín ngày liền, không hiểu làm thế nào cho hết gần hai tuần ăn chơi ấy.
Cô lên kế hoạch, nghỉ 28 tết đi chợ, ông xã lo cành đào và cây quất. Cô mua sắm qua loa vì bây giờ chẳng ai ăn nhiều. Mua về toàn vứt phí. Một ngày lo xong cái Tết.
Cô bạn chẳng phải lo đến nhà sếp vì làm cho Tây. Chủ Tây không tặng phong bì thì thôi, ai dỗi hơi mà lù lù đến quà Tết có khi bị ghép vào tội... hối lộ.
Nhưng phong bì cho cô giáo, thầy giáo, sơ sơ cũng mấy triệu đi bay. Đằng nội, đằng ngoại, nhìn đâu cũng thấy tiền phải chi. Ra chợ trời đổi mấy trăm đô la tiền 2 USD để mừng tuổi cho oai, vừa tiết kiệm. Đưa tờ 20.000 thấy hèn hèn, đưa 100.000 thì... đào đâu ra?
Các ngày nghỉ được rải đều trong năm nên ít khi người Mỹ được nghỉ một tuần liền vì lễ lạt. Năm mới được nghỉ mỗi ngày mồng Một, đầu năm. Tụ tập chỗ nào đó xem bắn pháo hoa, reo hò, ôm hôn nhau, chúc nhiều may mắn, quá nửa đêm là hết tết. Hôm sau đã đi làm. Bố trí ngày lễ khoa học thế nên họ cũng không quá vui để mất 6% GDP cho vài ngày lễ như bên ta. |
Cô tính kỹ rồi, nếu lo đủ thì cũng mất 50-60 triệu, bằng mua vé máy bay rẻ sang Mỹ du lịch, vừa tiết kiệm, vừa học hỏi. Tiện visa thì bay sang, nếu không, với số tiền kia, gia đình chọn sang Lào, chơi nhòe không hết lại "lánh được nạn" Tết.
Cô bạn than thở, mấy ngày ấy toàn đến thăm nhau, từ sáng đến tối và có mỗi một câu cửa miệng "năm mới chúc anh chị mạnh khỏe, có nhiều cái mới". Ăn mấy hạt dưa, uống chén nước, làm ly rượu, nhà nào cũng giống nhau, đứng lên sang nhà khác, lại tương tự.
Đôi lúc, cô bạn ước giá có cái... máy ghi âm để đến nhà ai là bật lên và hệ thống làm cho miệng cười tươi tự động. Tết mệt mỏi vô cùng. Mọi năm nghỉ ba, bốn ngày còn đỡ, nhưng năm nay tới chín ngày, không hiểu làm gì cho hết.
Cô bạn còn trích mẩu tin Bộ trưởng Công thương trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" dự báo rằng "tổng lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường dịp Tết năm nay khoảng 180.000 tỷ đồng". 180 ngàn tỷ đồng chỉ cho vài ngày Tết. Con số này có lẽ chỉ ước số tiền chi tiêu cho ăn uống, chưa tính tới các chi phí đi lại, giải trí.
Sơ sơ, 180 ngàn tỷ đồng là con số khổng lồ, tương đương khoảng 6% GDP Việt Nam năm 2012, bằng 24.3% kế hoach thu ngân sách Nhà nước, bằng 1.3 lần tổng chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề, hoặc bằng 3.5 lần tổng chi cho y tế. Và bằng đúng kế hoạch chi đầu tư phát triển dùng ngân sách Nhà nước của cả năm 2012.
Trong lúc đó bệnh viện quá tải, còn hàng chục triệu người nghèo đứt bữa. Học sinh không đủ lớp học.
Đành rằng tiêu dùng là động lực của sản xuất và tăng trưởng kinh tế nhưng với mức tiêu tốn khổng lồ chỉ cho vài ngày Tết như vậy thì thực sự là lãng phí.
Người Mỹ ăn Tết kiểu gì?
Đọc thư cô bạn mà tôi buồn cười. Người ở xa mơ mộng vui Tết trên quê mẹ, đào phai, sắc thắm. Người ở nhà mong được "khổ nỗi nhớ quê".
Người Mỹ qui định một năm có 10 ngày nghỉ bao gồm Thanksgiving, Christmas, Martin Luther King... Họ bố trí tất cả các ngày nghỉ vào thứ Sáu liền với cuối tuần hay thứ Hai đầu tuần, trừ ngày Quốc khánh Mỹ. Thế là dân được nghỉ ba ngày liền.
Các ngày nghỉ được rải đều trong năm nên ít khi người Mỹ được nghỉ một tuần liền vì lễ lạt. Năm mới được nghỉ mỗi ngày mồng Một, đầu năm. Tụ tập chỗ nào đó xem bắn pháo hoa, reo hò, ôm hôn nhau, chúc nhiều may mắn, quá nửa đêm là hết tết. Hôm sau đã đi làm.
Bố trí ngày lễ khoa học thế nên họ cũng không quá vui để mất 6% GDP cho vài ngày lễ như bên ta. Khi một bạn Mỹ hỏi lập lịch đi công tác. Mình bảo, bên Việt Nam à, một tuần trước khi Tết, một tuần trong Tết, một tuần sau Tết, đừng bao giờ gặp ai.
Nghỉ một ngày Tết thì dân ta nhất định không rồi. Nhưng nghỉ gần 10 ngày liền như năm nay thì vô cùng phí phạm. Cả nước chẳng làm gì được trong khi quốc tế vẫn đang làm việc, hội nhập thế nào được? Chi bằng ta nên chọn ba ngày 30, ngày mùng Một, mùng Hai, thế là OK. Mấy ngày còn lại chia đều trong năm. Vừa vui vừa tiết kiệm, nghỉ lâu quá hư người.
Kết thúc email, cô bạn nghe nói bên Mỹ cái gì cũng to "Của tây cũng như của ta, chỉ tội kích thước gấp ba bốn lần". Này nhé, khoai tây, hành tây, xa lộ tây... Nhưng cô ấy không biết rằng "Tết tây cũng như tết ta//Chỉ tội độ ngắn gấp ba bốn lần".
Hiệu Minh (Washington DC)