Kênh truyền hình CNN dẫn tuyên bố của người phát ngôn trường Đại học Nam California, ông Gary Polakovic ngày 14/3 đưa tin: Tất cả học sinh đang nộp đơn vào trường có liên quan tới đường dây chạy tiền sẽ bị từ chối tiếp nhận.
Mark Riddell thường được trả 10.000USD (khoảng 230 triệu đồng) để làm bài thi sát hạch thay các học sinh nhà giàu hoặc sửa lại câu trả lời của những người này sau đó. Mark Riddell. (Ảnh: CNN) |
Bên cạnh đó, đối với những sinh viên đã vào học và có thể liên quan tới bê bối trên cũng sẽ bị xem xét lại tùy từng trường hợp.
Đại học Nam California sẽ “có quyết định hợp lý cân nhắc đến tất cả các thông tin và yêu cầu tất yếu một khi điều tra hoàn tất”. Một số cá nhân trên có thể vẫn ở độ tuổi vị thành niên trong khoảng thời gian diễn ra quá trình xin học.
Tuyên bố chính thức của trường được đưa ra một ngày sau khi truyền thông Mỹ bùng nổ thông tin vụ bê bối chạy điểm vào đại học.
Theo luật sư Andrew Lelling tại phòng công tố bang Massachusetts, số phận của những sinh viên tại các trường đại học danh giá có liên quan tới vụ việc vẫn chưa được quyết định. Thậm chí có những sinh viên còn không biết về hành vi phạm tội của cha mẹ mình.
“Đối tượng phạm pháp chính trong vụ lừa đảo lần này là bậc phụ huynh và các bị cáo khác”, công tố viên Lelling cho biết, song ông cũng nhấn mạnh có thể một vài sinh viên sẽ đối mặt với những cáo buộc.
Trong khi đó, giới chức tại các trường đại học danh tiếng khác bao gồm Yale, Stanford và Georgetown hiện phải kiểm tra lại các cáo buộc phạm tội đối với một số thành phần then chốt trong ban quản lý trường, một vài người trong số họ đã rời khỏi trường.
Trường Đại học Georgetown (Ảnh: AP) |
Quan trọng hơn, những trường đại học này có trách nhiệm phải trả lời câu hỏi liệu rằng đã có những học sinh đủ điều kiện nhập học bị những trường hợp “chạy chọt” của các gia đình giàu có nổi tiếng tước đi cơ hội hay không.
“Đối với tất cả sinh viên được nhận vào trường học thông qua đường dây lừa đảo này, ắt hẳn có những học sinh tài năng trung thực khác bị từ chối”, ông Lelling giải thích.
Gần 50 người ở Mỹ là các nữ diễn viên Hollywood, lãnh đạo doanh nghiệp và huấn luyện viên thể thao tại các đại học danh giá đã bị Bộ Tư pháp nước này buộc tội vì tham gia vào đường dây bê bối gian lận tuyển sinh và các đại học lớn hàng đầu của Mỹ như Yale, Stanford, Nam California, Georgetown...
Chủ mưu vụ lừa đảo – nam ca sĩ William Rick Singer - thu về khoảng 25 triệu USD trong suốt 7 năm (giai đoạn 2011-2018) từ hàng chục cá nhân để hối lộ các quản lý trường đại học danh giá. Một số nữ diễn viên nổi tiếng trong các bộ phim truyền hình hút khách như Lori Loughlin, Felicity Huffman… đã bị phát hiện có liên quan đến đường dây lừa đảo.
Loughlin, 54 tuổi và chồng Giannulli, 55 tuổi, bị cáo buộc âm mưu phạm tội lừa đảo. Theo Văn phòng Công tố tại Boston, cặp vợ chồng được cho là đã đưa hối lộ tổng số tiền 500.000 USD để hai cô con gái được nhận vào Đại học Nam California với đặc cách là vận động viên, mặc dù cả hai đều không phải vận động viên. Hai vợ chồng đều bị bắt giữ, song sớm được trả tự do vì nộp tiền bảo lãnh lên tới con số 1 triệu USD.
Trong khi đó, ngôi sao phim truyền hình “Những bà nội trợ kiểu Mỹ” Felicity Huffman bị nghi ngờ chi 15.000 USD để con gái mình không bị giới hạn thời gian làm bài kiểm tra SAT. Điểm bài thi SAT của cô bé đạt 1420 điểm, cao hơn 400 điểm so với kết quả SAT một năm trước đó.
SAT là một kỳ thi phổ biến nhằm sát hạch học sinh, sinh viên trong các kỳ thi tuyển sinh vào hệ đại học cao đẳng tại Mỹ. Bà Huffman đã bị nhân viên điều tra liên bang FBI bắt giữ vào hôm 12/3, song sớm được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 250.000 USD.
Vụ bê bối này được coi là vụ xét xử đường dây chạy trường đại học lớn nhất từng được khởi tố. Nhóm phụ huynh, gồm hơn 30 người, sẽ tiếp tục ra hầu tòa vào 29/3 tới.
Theo Báo Tin tức