Đã có nhiều nguồn tin cho rằng Microsoft đang tất bật chuẩn bị cho ra đời một thế hệ Xbox mới thay thế cho người tiền nhiệm Xbox One X, hỗ trợ chơi các tựa game trên nền tảng đám mây với một giao diện điều khiển mạnh mẽ hơn. Những thành công rực rỡ trong thời gian gần đây của Nintendo với dòng Switch đã thúc đẩy tập đoàn đa quốc gia này tiếp tục phát triển hơn nữa các sản phẩm của mình, bước đầu giới thiệu các phiên bản nâng cấp của Switch vào khoảng cuối năm nay, với mức giá dự kiến sẽ rẻ hơn so với tiền nhiệm. Tuy nhiên, trái ngược với những đối thủ của mình, gã khổng lồ Sony lại "ém nhẹm" những thông tin về PlayStation 5 – vốn chỉ được tiết lộ thông qua xác nhận của CEO Kenichiro Yoshida rằng việc có một thiết bị phần cứng tiếp theo là "cần thiết".
Và một điều nữa dường như cũng đã rõ ràng, đó là thời gian ra mắt PS5 dự kiến sẽ là vào cuối năm tới. Nhìn lại quãng đường phát triển của các thế hệ PlayStation: PS4 lần đầu được ra mắt công chúng vào năm 2013, tròn 7 năm từ ngày PS3 xuất hiện, và lùi lại thêm 7 năm nữa, thì sẽ là năm mà PS2 được tung ra tại thị trường Nhật Bản. Vì vậy, hoàn toàn có lý do để tin rằng PS5 sẽ xuất hiện vào năm 2020. Bên cạnh đó, nhiều nguồn tin khác cho rằng cuối năm 2020 là thời điểm thích hợp để ra mắt PS5. Sony tiết lộ lợi nhuận mảng PlayStation của họ sẽ giảm trước tháng 3/2021, cho thấy có thể một khoản tiền lớn sẽ được chi ra để phục vụ cho việc ra mắt phần cứng trước quý 1 năm 2021.
Tất nhiên, mọi thứ cũng chỉ là dự đoán mà thôi. Nếu những điều trên không trở thành hiện thực, thì PS5 sẽ được coi là thế hệ PlayStation có thời gian phát triển dài nhất từ trước đến nay.
Nếu PS5 thật sự đã được ấn định ngày ra mắt vào cuối năm sau, chắc chắc một điều rằng không sớm thì muộn, chúng ta cũng sẽ có trên tay tất tần tật những thông tin về phần cứng của nó rất sớm trước khi Sony công bố. Hơn nữa, nếu thời gian phát hành PS5 tương tự với các mốc thời gian trình làng PS4 và PS3, thì có thể tại Hội Nghị Phát Triển Trò Chơi vào tháng 3 tới đây, cái tên PS5 sẽ được nhắc đến khá nhiều trên trang nhất các mặt báo và blog công nghệ với đầy đủ những thông tin cần thiết mà chúng ta quan tâm.
Và trong khi chờ đợi những thông tin chính thức, hãy cùng điểm qua những yếu tố có thể được thay đổi/ nâng cấp trong phiên bản PlayStation 5.
Cấu hình
Về CPU, có thể PS5 vẫn sẽ giữ lại cấu trúc vi xử lý x86 như người tiền nhiệm PS4 bởi kiến trúc x86 đã trở nên quá thông dụng không chỉ trên PC mà còn trên những chiếc máy console gia đình, mang lại sự dễ dàng và thuận tiện trên mọi phương diện cho các nhà phát triển game, đặc biệt là vấn đề một game có thể chơi được trên nhiều nền tảng khác nhau. Mặc dù từ lâu Sony đã trang bị cho dòng PS những GPU mạnh mẽ và có bộ nhớ nhanh hơn, nhưng họ thừa biết rằng việc đánh đổi tính dễ dàng, tiện lợi để có được một hiệu năng không quá cách biệt thật sự là điều không cần thiết.
Tuy nhiên, hai tùy chọn CPU trên thế hệ PS4 và PS4 Pro hiện nay gặp phải một vấn đề nghiêm trọng: hiệu năng của chúng đang bị "bóp chặt". Sony đã tự làm khó mình khi sử dụng CPU 8 nhân Jaguar của AMD, một con chip dùng ít điện năng – vốn chỉ bắt gặp trên các laptop giá rẻ với mục đích tiết kiệm điện, dẫn đến những hao hụt đáng kể về hiệu năng của 2 console này. Vấn đề được thể hiện rõ ràng nhất thông qua những tựa game PS4 - đặc biệt do Sony phát hành - đều là những tựa game trực quan tuyệt vời nếu chơi trên các máy PC cao cấp. Tuy nhiên khi phá đảo chúng trên Xbox One X hay PS4 Pro thì bạn sẽ khá thất vọng bởi GPU của máy thừa sức kéo độ phân giải lên chất lượng 4K, nhưng để duy trì tốc độ khung hình trên 30fps trong suốt quá trình chơi là rất khó khăn, chứ chưa nói đến 60fps. Và tất nhiên điều này xảy ra là do CPU quá chậm, nguyên nhân chủ yếu nằm ở chế độ điện năng thấp.
Với tốc độ phát triển chóng mặt của card đồ họa như hiện nay, thì chắc chắn phiên bản PS5 và thế hệ Xbox tiếp theo sẽ được trang bị bộ xử lý đồ họa mạnh hơn. Ngoài ra, sẽ không có quá nhiều sự thay đổi ấn tượng để tạo nên thứ được gọi là "bước ngoặt công nghệ" như những gì chúng ta đã từng được chứng kiến trên PS4. Cũng đừng quá mong đợi một sản phẩm mới có kích thước nhỏ gọn hơn, với mức giá đâu đó khoảng 400$, bởi đây là giá thị trường của PS4 hay Xbox One X ở thời điểm hiện tại và vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi – ít nhất là cho tới khi PS5 ra mắt.
Nhưng trước hết, điều mà những game thủ như chúng ta kỳ vọng ở không chỉ các phiên bản sắp ra mắt mà còn ở các console trong tương lai đó là vấn đề nâng cấp CPU để có thể thực sự bắt kịp với những cỗ máy PC "hủy diệt": thể hiện hiệu năng mạnh hơn, AI tốt hơn và có thể xử lý nhiều mô phỏng phức tạp hơn. Và điều quan trọng nhất là hãy cho chiếc máy thỏa sức tiêu tốn điện năng để có thể thoải mái chơi game ở độ phân giải 4K với tốc độ khung hình cao hơn, bởi "có sức chơi, có sức chịu".
Hồi năm ngoái, trang Digital Foundry đã nhận định rằng các phiên bản console mới sẽ được tăng cường sức mạnh CPU, và suy đoán rằng cả Sony và Mcrosoft đều sẽ sử dụng chip dòng Zen của AMD giúp mang lại hiệu năng tương đương với những máy tính để bàn cao cấp.
Khả năng tương thích ngược
Việc thay đổi sang kiến trúc x86 cũng mang lại cho Sony một lợi ích hết sức to lớn khác, đó chính là khả năng chơi lại đa số các tựa game trên PS1, PS2 và PS4. PS3 không nằm trong danh sách này bởi bộ xử lí Cell PS3z byzantine đã tạo nên thế khó cho các tựa game muốn được tái mô phỏng trên PS4 hay PS5. Nhưng nếu tất cả người dùng PS4 có thể di chuyển toàn bộ thư viện trò chơi của mình lên PS5 và sử dụng được ngay, thì điều này được coi là một lợi thế rất lớn của Sony so với các đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, vấn đề di chuyển toàn bộ thư viện trò chơi hay mô phỏng những tựa game cũ trên các thế hệ console mới không phải nói là làm được. Thực hiện được việc này yêu cầu có một khoảng thời gian nghiên cứu, sao chép, chuyển đổi…. khá phức tạp. Vì vậy, để giảm bớt các gánh nặng cho người chơi, các nhà sản xuất đã tạo ra những dịch vụ chơi game trên nền tảng đám mây rất tiện lợi, đơn cử là Sony khi đang có trong tay PlayStation Now. Chỉ với vài chục đô mỗi tháng, chúng ta có thể thỏa sức chơi hàng nghìn các tựa game từ PS1 đến PS4 mà không cần phải tốn quá nhiều công sức.
Mặc dù là hãng đầu tiên đi đầu trong dịch vụ chơi game đám mây đầy tiện lợi này, nhưng có vẻ như Sony đã không có quá nhiều chăm chút cho PlayStation Now, trong khi đó Microsoft đang có ý định xây dựng một nền tảng chơi game đám mây của riêng mình và sẽ trực tiếp cạnh tranh gay gắt với PlayStation Now. Đây được coi sẽ là cuộc đua giữa 2 ông lớn để tranh giành "ngôi vương" trong mảng nền tảng chơi game trực tuyến, và cuộc đua này sẽ ngày càng khốc liệt hơn trong tương lai, nhất là khoảng thời gian sau khi PS5 và Xbox thế hệ mới được ra mắt.
Tổng quát lại, đây là những gì chúng ta có thể mong đợi: PlayStation 5 và Xbox thế hệ mới sẽ được trình làng trong vòng 2 năm tới; cả Sony và Microsoft có thể sẽ củng cố thư viện trò chơi của mình và đưa chúng lên nền tảng trực tuyến; PS5 và Xbox mới sẽ tập trung vào nâng cấp CPU, mang lại hiệu năng tốt hơn.
Và sau đó 7 năm nữa, câu hỏi tương tự sẽ lại xuất hiện, và chúng ta sẽ lại đi tìm kiếm câu trả lời. Hy vọng là vậy.