Mẹ tôi là giáo viên Văn tại một trường cấp 2 được coi là trường điểm của thành phố. Hơn 7 năm trước, mẹ tôi phát hiện bị ung thư dạng hiếm. Bà quyết định nghỉ hưu sớm để sang Pháp cùng tôi chữa bệnh. Thời điểm đó, năm học mới vừa hết một học kỳ; cô trò bịn rịn chia tay nhau. Cậu học trò cũ đến thăm bà ngày hôm ấy chính là một trong những cô bé cậu bé mới bỡ ngỡ lên cấp 2 ngày nào.
7 năm sau, cậu đã là một chàng sinh viên đại học năm 2. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, cậu được chọn tham dự chương trình trao đổi với đại học Uppsala tại Thuỵ Điển.
Chuyến thăm ngắn ngủi tiếp sức mạnh cho cô giáo cũ
Một ngày mùa thu, mẹ tôi nhận được tin nhắn từ cậu. Cậu đến Paris vài ngày và ngỏ ý muốn đến viện thăm cô. Tiếc rằng chúng tôi lại không sống ở Paris, mà cách đó hơn 1 tiếng đi tàu. Cậu học trò bảo, không sao, em sẽ đi tàu đến tận nơi cô ở.
Tôi chuẩn bị một bữa ăn đậm chất Việt Nam để đón cậu học trò xa quê. Cả gia đình tôi đều cảm kích trước hành trình dài của cậu học trò cũ. Con gái tôi tấm tắc bằng một câu tiếng Việt không sõi, “bà là một giáo viên rất được quý đó mẹ".
Cậu học trò khiến chúng tôi bất ngờ hơn khi em đã hẹn các bạn học cũ ở Việt Nam để trò chuyện cùng cô. Lúc đó ở Việt Nam đã là 11 giờ khuya mà nhiều em vẫn chờ để cô trò cùng nhau hàn huyên ôn lại chuyện cũ.
Mẹ tôi, ngày hôm đó vừa ra viện sau 3 ngày truyền hoá chất, say sưa nói chuyện cùng học trò quên hết mệt nhọc. Mẹ bảo, bữa cơm hôm đó mẹ đã ăn rất ngon lành, sau nhiều ngày bị mất vị giác. Ngay trong tối hôm đó, cậu học trò lại bắt tàu quay lại Paris ngay để kịp chuyến bay vào sáng sớm hôm sau. Chỉ một chuyến viếng thăm ngắn ngủi thôi mà mẹ tôi như được tiếp thêm sức mạnh.
Chưa kịp chia sẻ niềm vui cùng mọi người thì mẹ tôi đã nghe đồng nghiệp cũ ở Việt Nam than thở. Cô bảo rằng, tập thể giáo viên đang vui mừng vì nghe tin trường học sắp được mở cửa trở lại, cô trò sắp được gặp nhau trực tiếp, thầy cô giáo cũng như trút được gánh nặng dạy học online. Vậy mà nhiều phụ huynh nói, trường học mở cửa để thầy cô còn nhận quà, hết 20/11 lại đóng cửa ngay thôi.
Hạnh phúc giản dị
Tôi tự hỏi, từ bao giờ, nghề giáo viên lại bị nhìn nhận rẻ rúng như vậy? Hay là thực ra nghề này chưa từng bao giờ được coi trọng trong xã hội chúng ta? Tôi vẫn còn nhớ, từ khi còn nhỏ, tôi đã thuộc lòng câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm…”. Ngày xưa nghề giáo viên bị coi thường vì nghèo, thu nhập thấp; ngày nay, nhiều giáo viên đã nỗ lực “thoát nghèo", thì lại bị coi thường vì “thương mại hoá" giáo dục, hay nói nôm na là dạy thêm.
Điều níu kéo mẹ tôi ở lại với nghề chính là niềm hạnh phúc giản dị như cuộc viếng thăm đột ngột của cậu học trò cũ nơi phương xa |
Tôi tốt nghiệp phổ thông trung học đã hơn 20 năm, vào thời điểm đó, chương trình học của chúng tôi chưa nặng như bây giờ. Nhưng nếu như không có những lớp học thêm, ôn thi thì tôi khó lòng mà đỗ được trường chuyên hay đại học. Tôi tin rằng tôi cũng chẳng phải là trường hợp ngoại lệ.
Mẹ tôi, mặc dù là giáo viên trường điểm, tuyển sinh đầu vào khắt khe, học lực của các học sinh không hề kém, nhưng vẫn dạy thêm. Không phải vì mẹ tôi cần kiếm thêm tiền, cũng không phải vì quá mức lo lắng về thành tích của học sinh, mà đơn giản là học sinh có nhu cầu học nhiều hơn nữa.
Là một giáo viên giàu kinh nghiệm, mẹ tôi nói thẳng thắn rằng chỉ với số giờ ít ỏi trên lớp thì không thể nào dạy hết khối lượng kiến thức cần có. Chưa kể, với các hình thức kiểm tra đánh giá hiện tại theo kiểu học dưới đất, hỏi trên trời, nếu không có những giờ học thêm, học sinh khó lòng đạt được kết quả như ý. Mẹ tôi bảo, khi mẹ còn trẻ, nói dạy thêm vì muốn tăng thêm thu nhập còn có lý; chứ khi đã gần tuổi hưu, nếu không vì học sinh tha thiết muốn học, mẹ dạy thêm làm gì cho mệt.
Sau này, ra nước ngoài tu nghiệp, tôi mới biết, hóa ra ở nước ngoài cũng có lớp học thêm. Ở đâu có cầu thì ắt có cung: học thêm để đuổi kịp các bạn cùng lớp, để luyện thi vào trường chuyên lớp chọn, để có thành tích tốt, hồ sơ đẹp. Điều khác biệt duy nhất có lẽ ở chỗ, những cơ sở cung cấp dịch vụ dạy thêm hoàn toàn tách biệt với trường học chính thức.
Tôi biết, vẫn có những thầy cô trục lợi từ những giờ học thêm. Nhưng vấn đề là, kể cả khi hình thức học thêm được dẹp bỏ, liệu các nhà quản lý có chắc rằng những thầy cô đó sẽ thôi tìm cách để trục lợi hay không? Và khi những lớp học thêm không còn nữa, liệu chương trình chính thức có được giảm tải, hình thức kiểm tra đánh giá có hợp lý hơn hay không? Rốt cuộc, chất lượng giáo dục có tốt hơn?
Nhìn lại những năm tháng học phổ thông, dù rằng cũng có lúc tôi gặp phải những giáo viên không tốt, nhưng họ chỉ là những con sâu trong hàng loạt những thầy cô giáo tận tâm đã dạy dỗ tôi nên người. Những con sâu đó quả thật có đôi chút gây khó chịu, nhưng rốt cuộc, họ cũng không thể cản trở con đường học hành của tôi hay những người bạn cùng trang lứa. Thế hệ chúng tôi có thể trưởng thành như ngày hôm nay, chính là nhờ rất nhiều vào cả lớp học chính lẫn lớp học thêm.
Mẹ tôi đôi khi ngậm ngùi bảo, nếu không vì bệnh tật, chắc quá tuổi hưu mẹ vẫn còn dạy. Điều níu kéo mẹ ở lại với nghề không phải vì lý do kinh tế, mà chỉ vì những niềm hạnh phúc giản dị như cuộc viếng thăm đột ngột của cậu học trò cũ nơi phương xa mà thôi.
Ngô Thị Phương Lê
Nước mắt người thầy
Hôm nay, ông giáo An ghé thăm trường cũ. Đã mấy chục năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên ông được làm thầy. Trường đã thay đổi, đồng nghiệp mới và học trò cũng khác, nhưng có những ký ức còn đọng lại mãi.