VietNamNet giới thiệu phần cuối bàn tròn với nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực và PGS,TS Vũ Minh Khương (ĐHQG Singapore).
Nguy cơ mắc kẹt trên toa tàu hạng thấp
Việt Lâm:Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội Đảng XII đang được đưa ra lấy ý kiến hân dân. Nhiều người cho rằng điểm tích cực kỳ này là văn kiện đã giành thời lượng khá dài so với những lần trước để nói về những yếu kém, bất cập. Điều này đã đáp ứng mong mỏi của hai ông về tinh thần ngay thẳng, nói sự thật chưa?
Ông Mai Liêm Trực: Người VN mình hình như có một truyền thống là cứ khi nào bị dồn đến đường cùng sẽ bật dậy với sức mạnh vô song và tìm được hướng đi. Trong chiến tranh và trong thời kỳ khủng hoảng trước đổi mới cũng vậy. Khi ấy, cho dù bảo thủ đến đâu, dù ý thức hệ nặng nề như thế nào thì người Việt Nam vẫn tìm được con đường đi lên. Đại hội 6 là minh chứng cho sự đột phá vào thời điểm không còn đường lui này. Những nhà lãnh đạo như Tổng Bí thư Trường Chinh mặc dù được xem là bảo thủ nhưng vì có lòng với dân, thấy dân khổ sở, cơm không có ăn, áo không có mặc nên đã mở lòng ra được để nghe lời nói thật. Ông đã chỉ đạo soạn lại văn kiện đại hội, từ đó mở đường cho Đổi Mới lần 1.
Lúc ấy, tôi đang ở Campuchia. Trước đại hội 3 tháng, ông Trường Chinh có sang nói chuyện ở Bộ Tư lệnh địa phương. Nghe ông nói mà chúng tôi rơi nước mắt vì ông đã nhìn thấy sự thật bi thảm của một cơ chế bao cấp, của một tư duy duy ý chí để sửa sai.
Hiện nay, nhu cầu đổi mới lần thứ hai là cấp bách. Nhưng kỳ này có cái khó là cuộc sống vật chất không đến đường cùng như năm 1986 mà thực chất có khấm khá lên nhiều. Tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu về kinh tế, đặc biệt là nguy cơ xuống cấp về mặt đạo đức, xã hội, văn hóa ngày càng nghiêm trọng. Nhưng bụng đói, áo rách là biết ngay còn xuống cấp về đạo đức, về văn hóa thì nhiều khi hơi trừu tượng.
Tôi cho rằng nguy cơ lớn nhất của VN hiện nay không phải là sự tụt hậu kinh tế. Nếu cứ túc tắc thế này thì khoảng cách chênh lệch càng xa hơn. Nhưng cái đáng lo hơn cả là xuống cấp về đạo đức xã hội: bạo lực quá nhiều, sự gian dối lên ngôi, giành giật lẫn nhau. Phải nói thẳng là những thứ tốt đẹp hiện nay trong văn hóa của chúng ta là được kế thừa từ ông cha để lại. Còn văn hóa mà chúng ta tạo ra trong thời kỳ mới này thì có những gì? Nào là văn hóa chạy chọt, văn hóa phong bì…
Tôi hoan nghênh những chuyển động tích cực và tinh thần nhìn vào sự thật của Đảng kỳ này. Nhưng tôi mong các dự thảo văn kiện đi đến tận cùng sự thật, nói đến tận cùng về những giải pháp cần tháo gỡ. Thí dụ lâu nay chúng ta vẫn nói mãi về chống tham nhũng, về nguy cơ tồn vong chế độ nhưng đến giờ liệu có ai dám nói đã đẩy lùi được tham nhũng hay chưa? Vậy thì tại sao? Nếu cứ đổ lỗi cho cơ chế thì cơ chế chính là do ta đặt ra chứ ai? Nhiều người hay nói đây là vấn đề nhạy cảm, rồi phức tạp. Tôi rất dị ứng với những từ này.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là bởi cơ chế kiểm soát quyền lực trong hệ thống quản trị quốc gia hiện nay chưa hiệu quả. Người ta đã đúc kết thành quy luật rồi: Quyền lực càng cao thì nguy cơ tha hóa càng lớn. Nếu anh không có cơ chế kiểm soát quyền lực thì không thể nào chống tham nhũng. Cứ nói là Đảng và nhà nước quản lý, do nhân dân làm chủ nhưng cơ chế cụ thể như thế nào thì không rõ.
Tôi từng nói trong quản trị quốc gia, mô hình tốt nhất của nhân loại cho đến nay là mô hình tam giác: kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Nhà nước pháp quyền tức là thượng tôn pháp luật, hiến pháp là cao nhất.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực nổi tiếng là người nói thẳng ngay khi còn đương chức. Ảnh: Lê Anh Dũng |
TS Vũ Minh Khương: Tôi chia sẻ ý kiến của anh Trực. Nếu kinh tế khấm khá nhưng văn hóa lại xuống cấp thì chúng ta chỉ đủ ăn đủ mặc thôi còn chất lượng cuộc sống không khá lên và không đủ sức xây dựng một xã hội phồn vinh. Điều này cũng giống như mình hòa vào đoàn tàu của thế giới thì sợ nhất mình sẽ ở toa tàu hạng thấp vì người ta cảnh giác, nghi kỵ với người VN.
Trở lại với việc góp ý văn kiện Đại hội Đảng, tôi cho rằng nói sự thật không phải là vấn đề lớn nữa. Với thời đại Internet hiện nay, tôi tin lãnh đạo VN biết hết hiện tình của đất nước rồi. Nhưng tôi mong muốn văn kiện thể hiện được ba việc.
Thứ nhất, phải làm dấy lên khát vọng dân tộc. Ba thập kỷ tới, vào năm 2045 chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm độc lập. Ba thập kỷ là đủ sức cho một dân tộc với vị thế thuận lợi như thế này tạo nên điều thần kỳ để kỷ niệm 100 năm độc lập như một quốc gia hùng cường, phồn vinh, dân tộc ngẩng đầu.
Có một câu chuyện kể về hai người vác gạch xây dựng nhà thờ ở London: một người không xác định được rằng đây là xây nhà thờ huy hoàng thì ông vác gạch trông rất nặng nề. Còn người kia nói là tôi làm việc này để xây nhà thờ thì tinh thần khác hẳn, ý thức khác hẳn. Rõ ràng Đảng phải tạo ra tầm nhìn lớn cho dân tộc trong ba thập kỷ tới và mỗi ngày chúng ta thu hẹp khoảng cách này. Mọi người, mọi ngành ai có đóng góp gì đều được thưởng lớn, được cả xã hội hân hoan, ghi nhận.
Mất 30 năm để Hàn Quốc đuổi gần kịp Nhật Bản. Vậy chúng ta cũng phải đặt ra mốc cụ thể, ví dụ trong 3 thập kỷ tới trở thành một nước OECD chứ không thể đưa ra một tầm nhìn mơ hồ mãi được là "sớm trở thành, cơ bản trở thành" rồi đến khi không đạt thì lại chối bỏ.
Thứ hai là hoạch định chiến lược ở VN kém. Nếu ở Singapore tất cả thành công nếu chỉ gói gọn một chữ là chiến lược thì ở VN vẫn mang nặng tính chiến thuật, theo kiểu miễn giảm thuế tối đa để thu hút đầu tư nước ngoài chứ chưa có thiết kế chiến lược rõ ràng để tạo ra một nền tảng kinh tế hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao.
Thứ ba, tôi nghĩ ta nên học kinh nghiệm của Singapore là phải có yếu tố dân chủ nhất định. Singapore học được bài học rất đau đớn là 2011 để mất lòng dân một chút nên phiếu bầu của đảng thấp hẳn xuống. Họ rút kinh nghiệm, hàng tuần từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng đến các bộ trưởng đều phải gặp đơn vị bầu cử của mình để nghe dân nói gì. Người dân cũng cảm kích được họ gần mình. Suốt 5 năm liên tục như vậy nên kì bầu cử vừa rồi thành tích có chuyển biến.
Mặt khác, khi có dân chủ kiểm soát thì vấn đề đoàn kết nội bộ và chống tham nhũng cũng hiệu quả hơn. Bởi vì, nếu anh không đoàn kết hay tham nhũng thì chắc chắn anh mất phiếu bầu cho anh khác.
Khía cạnh quan trọng nữa là dân chủ buộc anh phải dùng người tài. Chúng tôi hay được lãnh đạo Singapore mời đến để hỏi tại sao dân lại thế này, làm sao để thắng được đối thủ, làm sao để giải thích cho dân hiểu một cách thấu đáo. Nhờ thế, mọi tài năng đều được thu hút tối đa, bởi nếu anh không dùng hiền tài thì hiền tài sẽ chạy sang với đối thủ.
Tôi cho rằng, phải có một cơ chế nào đó tạo ra tính dân chủ như năm 86 ta đưa vào kinh tế thị trường vào để kích thích phát triển. Giờ đây, chúng ta cũng phải tính toán đưa nhân tố mới vào để chính trị phát triển lành mạnh trong vòng kiểm soát. Tôi thấy Trung Quốc cũng sang Singapore nghiên cứu cái đó rất kỹ.
TS Vũ Minh Khương |
Không làm được là có lỗi với dân!
Việt Lâm:Cách đây 5 năm khi góp ý cho Đại hội Đảng thì ông Mai Liêm Trực có chia sẻ mối quan ngại về sự nguội lạnh trước những bức xúc, yếu kém của đất nước. Trong 5 năm qua, chúng ta cũng được chứng kiến ngày càng có những tiếng nói tâm huyết trong bộ máy về nhu cầu cải cách như một mệnh lệnh của cuộc sống. Những tiếng nói tâm huyết đó theo các ông là đã đại diện cho đa số hay chưa? Chúng ta có thể kì vọng gì hơn từ những tiếng nói cải cách đó?
Ông Mai Liêm Trực: Tôi rất khâm phục những tiếng nói đó bởi lẽ họ là những con người sống bình thường đã ngay thẳng. Họ cũng không phải là người tham quyền chức trong lịch sử, quá trình công tác và đương nhiên họ có năng lực. Họ nói ra những điều như vậy mà đang đương chức là một sự dũng cảm. Những tiếng nói như vậy không phải là không gây khó chịu cho một số người, kể cả tiếng nói của các bậc lão thành tâm huyết, cả đời phụng sự cho đảng này, dân tộc này.
Những tiếng nói như vậy, đúng là nhiều người biết, kể cả lãnh đạo cấp cao cũng biết nhưng biết hết những bức xúc ấy chưa thì có những người chưa biết. Hơn nữa, biết là một chuyện, hành động lại là một chuyện khác mà hành động đòi hỏi dũng khí, trước hết là mình không quá lo về cái ghế của mình. Chỉ cần nhìn vào tấm gương các bậc tiền bối của mình, tính mạng còn hy sinh được huống chi là những cái lặt vặt. Kể cả vật chất vài ba tỷ, vài chục tỷ đi chăng nữa đối với một nhà chính trị, một người của công chúng, nếu quan tâm những việc ấy là lặt vặt, không xứng đáng là người lãnh đạo.
Tôi tin rằng những ý kiến đấy là ý kiến đại diện cho đa số tâm huyết thực sự, đa số mong muốn đất nước chúng ta phát triển, mong muốn chế độ mình có thay đổi để tồn tại. Ngay cả như chúng tôi là những gia đình bình thường nhưng cả gia đình cũng theo Đảng, theo cách mạng mấy chục năm nay nên không có mong muốn gì hơn là đất nước và Đảng đổi mới để đưa dân tộc bằng chị bằng em.
Trong quá trình làm việc của mình, tôi hiểu được những lo lắng của các vị lãnh đạo cấp cao, lo lắng của người dân, lo lắng của đảng viên vì đất nước chúng ta đã trải qua cuộc chiến ác liệt, hy sinh quá lớn ở cả hai miền Nam Bắc. Không có lý do gì để dân tộc mình, đất nước mình cứ lẹt đẹt đi sau người ta. Dân tộc mình xứng đáng hưởng một cuộc sống bằng chị bằng em, đi ra ngoài được người khác tôn trọng. Nếu không làm được là Đảng có lỗi với dân, là một nỗi đau cho những người tâm huyết, cho thế hệ cách mạng hy sinh, cho đất nước, dân tộc.
Thời vận và phẩm cách
TS Vũ Minh Khương: Một nền văn minh có thể đi lên bao xa hay đi xuống bao xa tùy thuộc vào ba động lực rất mạnh mẽ: Một là thời vận, hai là phẩm cách của hệ thống chính trị. Thời vận nếu thuận lợi mà phẩm cách cao thì đưa đến nền văn minh huy hoàng. Lịch sử thế giới đã chứng minh như vậy. Nước ta thì chưa có nhưng có thể kỳ vọng vào mấy thập kỷ tới.
Nếu thời vận kém và phẩm cách hạn chế thì thế kỷ 19 đã dạy cho chúng ta một bài học: nước ta rơi vào tay đô hộ của thực dân Pháp, sống nô lệ 80 năm, 2-3 triệu người chết đói, rất khổ nhục.
Hiện giờ chúng ta thời vận rất tốt. Trung Quốc trỗi dậy là điều không thể tránh khỏi. Một quốc gia hùng cường 1,4 tỷ dân ở ngay sát nách chúng ta. Đấy chính là cơ hội để VN phát triển bởi cả thế giới muốn VN đứng cạnh người khổng lồ này với vị thế là hội tụ của nền văn minh phương tây, văn minh thế giới để đối chọi với sự trỗi dậy của nước Trung Hoa. Thời vận lịch sử nhưng phẩm cách cao hay thấp thì rõ ràng trong những thập kỷ tới chúng ta phải chứng minh. Đặc biệt Đại hội Đảng này sẽ mang tính quyết định đi hướng nào. VN phải trở thành một dân tộc cao thượng về nhân cách, cao quý về nhân văn và cao cường về chiến lược thì mới đứng vững cạnh ông này.
Quay trở lại trăn trở của người dân thì tôi mới tiến hành khảo sát xong 10 thành phố thông minh. Khả năng nắm bắt công nghệ thông tin rất tốt. Nhưng khi hỏi ưu tiên nào để phát triển thành phố thông minh thì câu trả lời lại không phải là hạ tầng mà là chất lượng bộ máy và sự minh bạch của hệ thống chính quyền. Trở ngại của DN thì không phải là thiếu vốn mà lại thiếu tầm nhìn chiến lược. Dân gửi gắm Đại hội tới sẽ lựa chọn người như thế nào, làm sao để người dân ngày càng có nhiều quyền hạn hơn trong lựa chọn người lãnh đạo của mình, đấy cũng là 1 sự hy vọng.
Việt Lâm:Xin cảm ơn hai vị khách mời!
VietNamNet