An Giang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên đẹp mà còn bởi những món ăn ngon, đậm chất miền Tây Nam Bộ.

Có dịp đến An Giang du lịch, du khách đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sắc này.

Đường thốt nốt

Thốt nốt là một loài cây đặc trưng ở vùng Bảy Núi, không chỉ cho nước uống mát lành mà còn là nguyên liệu làm món đường thốt nốt đặc sản.

Đường được làm từ mật hoa và trái thốt nốt, trải qua nhiều công đoạn để cho ra những khoanh đường màu vàng da bò, ngọt thanh, thơm dịu và khi ăn có vị béo.

Ngoài cách thưởng thức trực tiếp để cảm nhận vị ngon, đường thốt nốt còn được dùng để nấu chè đậu xanh, pha nước mắm để làm tăng hương vị.

{keywords}

Đường thốt nốt được dùng để nấu chè đậu xanh, pha nước mắm để làm tăng hương vị.

Bánh bò rễ tre

Bánh bò là một loại bánh, nhưng bánh bò rễ tre thì chỉ ở An Giang mới có.

Sở dĩ có tên gọi là bánh bò rễ tre vì khi cắt ngang, miếng bánh hiện ra những ống khí trông như rễ tre - một đặc điểm mà các loại bánh bò thông thường không có. Theo kinh nghiệm của những người làm bánh, bánh càng có nhiều “ống tre” càng ngon.

Bánh bò rễ tre có nhiều ở vùng Tân Châu, An Giang. Bánh có vị béo của nước cốt dừa, ngọt thanh của đường thốt nốt và vị nồng của bột lên men.

Bánh thường có màu vàng mật ong trông rất đẹp mắt. Bánh sản xuất không hương liệu, phẩm màu, có thể để qua ngày mà không bị ôi thiu.

Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui là một món ăn đặc sản của Châu Đốc, An Giang nói riêng và của vùng Tây Nam Bộ nói chung. Đây không chỉ là một món ăn trong bữa cơm hàng ngày mà còn là mồi nhậu rất bén mà cánh đàn ông đặc biệt yêu thích.

Cá lóc dùng nướng trui phải là loại cá lóc đồng, thật tươi và đem rửa cho sạch bùn nhớt. Sau đó người ta xuyên một que tre qua thân cá (mà không cần đánh vảy hay làm ruột) rồi cắm xuống đất, phủ rơm khô lên và châm lửa đốt.

{keywords}

Cá lóc nướng trui - đặc sản khó quên ở An Giang.

Nướng cá phải chín vừa phải, sao cho vảy cá cháy đều nhưng không làm khét thịt cá. Khi cá vừa chín tới, phần vảy cá cháy được cạo bớt và trút ra khỏi que tre rồi thưởng thức.

Cá lóc nướng trui ngon khi chín đều sẽ để lộ phần thịt trắng, khói bốc lên thơm phức. Ăn kèm là bánh tráng, bún tươi và các loại rau thơm, chuối chát, khế chua, đọt xoài, đọt cóc kèn… chấm kèm nước mắm chua ngọt, nước mắm me đều ngon hết sảy.

Cơm tấm Long Xuyên

Dọc đường về Long Xuyên, du khách sẽ bắt gặp nhiều món ăn phổ biến như bún, phở, hủ tiếu, bánh canh,… trong đó món cơm tấm Long Xuyên hẳn sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm thú vị về món ăn tưởng chừng quen mà lạ này.

Khác với món cơm tấm Sài Gòn có miếng sườn to, phần thịt sườn trong cơm tấm Long Xuyên đều được cắt mỏng thành từng miếng nhỏ, vừa đẹp mắt lại vừa tiện lợi cho người ăn. Thịt sườn khi nướng cũng được cắt thành lát dài, ướp gia vị rồi mới đem nướng.

Đặc biệt, ngoài phần thịt sườn, đĩa cơm tấm ở Long Xuyên còn có thêm món trứng kho như món thịt kho tàu. Trứng có màu gạch tôm và thấm gia vị rất tuyệt. Khi bày trí trên phần cơm, trứng cũng được cắt thành từng lát mỏng giúp người ăn không có cảm giác ngán.

Mỗi phần cơm tấm ở Long Xuyên dao động từ 20.000 đồng. Có dịp về Long Xuyên, bạn có thể ghé quán cơm tấm Cây Điệp, số 67 Lý Tự Trọng, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên để thưởng thức sự độc đáo của món cơm tấm này.

Bún cá châu Đốc

{keywords}

Bún cá Châu Đốc gần như giữ được trọn vẹn hương vị nguyên sơ.

Bún cá là món ăn khá nổi tiếng ở nhiều vùng như bún cá Cà Mau, bún cá Sóc Trăng, bún cá Kiên Giang… Trong số đó, bún cá Châu Đốc nổi tiếng hơn cả vì gần như giữ được trọn vẹn hương vị nguyên sơ của bún cá (vốn có nguồn gốc từ Campuchia).

Nước lèo món bún cá Châu Đốc được ninh từ xương heo, nêm thêm mắm cá linh, mắm ruốc để tạo nên hương vị độc đáo. Phần cá phải là cá lóc, luộc chín rồi xào sơ qua với nghệ để giảm mùi tanh, tăng hương vị.

Món bún cá Châu Đốc thường được ăn kèm rau diếp cá, húng quế, bắp chuối và bông điên điển, rất rặt miền Tây.

Tung lò mò

Tung lò mò hay còn gọi là lạp xưởng bò - một món ăn truyền thống của người Chăm (là những người theo đạo Hồi, không ăn thịt heo).

Để làm món tung lò mò, cần có ruột bò, thịt bò, mỡ bò và nhiều gia vị khác như tiêu, tỏi… để làm gia tăng hương vị cho từng khúc lạp xưởng.

Món lạp xưởng bò thường được nướng hoặc chiên để ăn kèm với cơm rất ngon, thậm chí làm mồi nhậu cũng rất “bắt”.

Lẩu mắm

Lẩu mắm là một trong những đặc sản của người miền Tây. Và món lẩu chỉ thực sự ngon khi nước lẩu được là nước ninh xương, thêm mắm cá linh hay mắm cá sặc Châu Đốc, An Giang, thêm vào ít nấm rơm, cà tím để gia tăng hương vị.

{keywords}

Lẩu mắm là một trong những đặc sản của người miền Tây.

Những nguyên liệu ăn lẩu mắm thường là thịt ba rọi, tép bạc, cá basa, lươn, thịt bò, ốc bươu... tạo thành một nồi lẩu thập cẩm, đậm đà hương vị.

Đặc biệt, món lẩu mắm không thể thiếu rau sống ăn kèm là các loại bông điên điển, bông so đũa, lục bình,… của miền Tây.

Chuột đồng nướng muối ớt

Chuột đồng nướng muối ớt là một trong những món ăn ngon tuyệt của người miền Tây. Loại chuột dùng để ăn thịt là chuột đồng, quanh năm ăn lúa nên chắc thịt, thịt béo và rất ngọt.

Thịt chuột khi làm sạch sẽ đem ướp với muối, sả, ớt và các loại gia vị khác trong khoảng 30 phút cho thịt ngấm đều rồi cho lên bếp than nướng.

Khi thịt chín sẽ có mùi thơm phức, miếng thịt săn lại và có màu vàng ruộm trông rất bắt mắt.

Canh chua cá linh bông điên điển

Có hai thứ làm nên đặc trưng của mùa nước nổi miền Tây là cá linh và bông điên điển. Cũng chính hai nguyên liệu này tạo nên món canh chua cá linh bông điên điển đặc trưng của người miền Tây.

{keywords}

Mùa nước nổi đến An Giang nhớ thưởng thức món canh chua cá linh bông điên điển.

Món canh chua này cũng được nấu tương tự như các loại canh chua thông thường khác. Cá linh sau khi làm sạch thì cho vào nồi nước me chua nấu. Đợi nước sôi, tiếp tục các nguyên liệu như giá, cà chua, ngò gai, rau thơm và bông điên điển vào nồi, nêm nếm gia vị.

Món canh chua cá linh hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt thanh kèm chút béo của cá linh non, nước canh chua cùng với mùi thơm từ các loại rau, khiến bạn ăn mãi không thấy ngán.

(Theo Zing)