Mới đây trên trang cá nhân, nhà thơ nọ vốn “thâm niên” nghề biên tập thơ của một tờ báo tuần, đưa ra nhận xét “Thơ Tết nói chung thường khó hay, ít để lại dư vị”.
Ông nói rõ luôn ba nguyên nhân: “do các báo lớn nhỏ thường ưu tiên các nhà thơ đã thành danh”, “phụ thuộc vào mối quan hệ của tác giả với các tờ báo, tạp chí” và cuối cùng, quan trọng nhất là “sự sáo mòn, lặp lại, thiếu tìm tòi cái mới lạ, bám sát cuộc sống luôn vân động của người làm thơ”!
Thú thực là đến lúc này, tôi chưa đọc hết thơ Tết trên báo chí, vì bây giờ tìm cho ra một sạp báo ở phố rất khó. Nhưng lại có cái hay, cái mới là chẳng phải đi đâu xa, trên các trang cá nhân cứ gọi là “ê hề” thơ Tết từ các báo được đưa lên, tha hồ xem, tha hồ ngẫm nghĩ, bình phẩm. Phải chăng, ý kiến nhà thơ nói trên có phần bắt nguồn từ đó?
Kể cũng vui và thú vị vì một món ăn tinh thần sang trọng xưa nay được “cách mạng công nghệ 4.0” mang đến tận tay, tận mắt, không sá gì thời gian, địa điểm. Người đăng thơ được chia sẻ niềm vui với bạn bầu, được đón nhận vô số phản hồi và những điều chỉ thời 4.0 này mới có được.
Thơ Tết thời nay cũng đã nhiều thay đổi. Ảnh minh họa |
Vui đến bất ngờ và ngạc nhiên là ông bạn cùng phòng thời ký túc Mễ Trì cứ liền tù tì ngày nào cũng đưa thơ Tết lên trang, nghe đâu đã đến bài thứ 19, 20 gì đó mà vẫn chưa có biểu hiện dừng-việc-thơ để đi mua sắm Tết? Nữ sỹ đồng hương bé nhỏ của tôi cũng chẳng vừa, thơ Tết cứ gọi là “tuôn ra dào dạt” khiến có người “còm” ngay và luôn “Ai dám bẩu làm thơ không sống được bằng nghề ha”, “Ra Tết lo mà uống thuốc giảm cân nghen”!
Lại cũng có người năm nay “hẻm” quá, gửi in lại thơ cũ, sửa chữa tý chút, gọi là có chút quà xuân, cho có anh, có em, để bạn bè đọc thấy còn thốt lên rằng, a thằng này còn “sống”, với thơ phú, với miền lãng đãng, bồng bềnh; rằng thơ này là thơ được kiểm chứng, được đóng dấu kiểm định “hàng chất lượng cao” rồi nhé, xem ngay, thả tim, thả thính ngay, kẻo hết!
Và ngay cả nhà thơ nói trên cũng vừa hoan hỉ loan đi thông tin “trân trọng cám ơn quý váo, và chia vui cùng bạn bè FB” về bài thơ của mình vừa in chưa ráo mực trên báo Tết.
Rằng, năm đó một nhà thơ lớn vô cùng phấn khởi, tự hào khoe với đàn em về việc hơn chục bài thơ Tết vừa được in báo; rằng, đã đọc chưa, hay lắm, hay mọi nhẽ. Rằng thơ Tết là tinh túy của cả một năm lao động sáng tạo, là khởi đầu cho một chặng mới, là xuân thì của đất trời tụ vào nét bút thi nhân…Lại nhớ câu chuyện vui về thơ Tết mà lứa làm-thơ-tập-sự ở Mễ Trì được nghe kể từ những năm 80 thế kỷ trước (thời viết tay, mổ cò máy chữ, 0.0 hay 1.0 nhỉ?)
Thế nhưng năm sau, Nhà thơ lớn chỉ vỏn vẹn có hai bài thơ Tết (theo kiểu “ưu tiên cho các nhà thơ thành danh” như nói trên chăng?). Biết vậy, có đàn em vừa đến hỏi “kháy”: thưa Anh, năm nay tình hình thơ… đã ngay lập tức bị “phủ đầu” rõ dõng dạc: Cái gì, cái gì? Thơ Tết a? Ngày Tết, thiên hạ người ta lo bánh chưng, bánh tét, lo niêu cá kho làng Vũ Đại, lo đôi gà Đông Cảo, lo be rượu gạo Làng Vân… chứ ai đi đọc thơ Tết của các anh!
Thời 0.0 hay 1.0 và bây giờ đang 4.0, hóa ra chuyện thơ Tết hay và chưa hay vẫn cứ là chuyện “nóng”?
Châu Phú