Chủ tịch Bùi Văn Cường. Ảnh: HƯNG HÀ |
Đây là bản lề cho năm 2018 - năm các liên đoàn lao động địa phương, Công đoàn ngành Trung ương tổ chức Đại hội và đặc biệt là Đại hội lần thứ XII của Công đoàn Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 9.2018.
Nhân dịp đầu Xuân, Báo Lao Động đã phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ngày 6.1.2017, nhận được sự đồng thuận cao, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lần thứ 9 (khóa XI) quyết định chọn chủ đề hoạt động của năm 2017 là “Năm vì lợi ích đoàn viên”. Kết quả là rất nhiều đoàn viên trong cả nước được thụ hưởng chủ trương này với sự triển khai từ Tổng Liên đoàn xuống đến cơ sở. Thưa Chủ tịch, cụ thể quá trình “Năm vì lợi ích đoàn viên” được thực hiện như thế nào?
Công đoàn đã, đang và sẽ hoạt động vì lợi ích của đoàn viên Công đoàn. Nhưng năm 2017 là năm đầu tiên chúng ta lấy tên “Vì lợi ích đoàn viên Công đoàn” làm chủ đề hoạt động để tạo sự chuyển biến về nhận thức và tạo quyết tâm cao trong toàn hệ thống, với phương châm tạo ra sự khác biệt giữa người lao động là đoàn viên và người lao động chưa là đoàn viên Công đoàn.
Thực hiện chủ đề này, công đoàn các cấp đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm cụ thể hóa chủ đề hoạt động của năm, trong đó, tập trung chăm lo lợi ích về vật chất, lợi ích về tinh thần, lợi ích về chính trị mà tổ chức Công đoàn mang lại cho người đoàn viên.
Tháng 4.2017, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn ký kết với 8 đối tác để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho CNLĐ. Đến nay, ở cấp TLĐ đã có 18 thỏa thuận với các tập đoàn, Cty được ký kết. Trên cơ sở 18 đối tác đã ký kết và văn bản hướng dẫn của Tổng Liên đoàn, các cấp Công đoàn đã làm việc với các doanh nghiệp có các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu để thương lượng, ký kết với doanh nghiệp, đơn vị tham gia “Chương trình phúc lợi đoàn viên”.
Bên cạnh đó, các cấp CĐ cũng đã chủ động tìm kiếm thêm, ký kết thỏa thuận với các doanh nghiệp trên địa bàn để mang lại những ưu đãi cho đoàn viên. Đến nay, có 562 thỏa thuận đã ký với đối tác, với các nội dung đoàn viên có thẻ đoàn viên Công đoàn khi mua hàng hóa, dịch vụ được giảm giá từ 5% đến 30% so với giá niêm yết. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 786.586 đoàn viên và người lao động hưởng lợi từ chương trình này với 83 tỉ đồng.
Tổng Liên đoàn đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” mở ra những điều kiện mới để tổ chức Công đoàn tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức Công đoàn và đoàn viên, người lao động; trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, theo Đề án, tổ chức Công đoàn sẽ xây dựng hơn 50.000 căn hộ nhà ở, 50 nhà trẻ, 50 siêu thị, 50 điểm chăm sóc y tế, 50 trung tâm văn hóa, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao, 50 phòng tư vấn pháp luật...
Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn năm 2016 cho thấy, 1,7 triệu người có nhu cầu cần nhà ở; hơn 1,2 triệu người có nhu cầu cần nhà trẻ và gần 2 triệu người có nhu cầu về siêu thị. Từ đó cho thấy, đầu tư xây dựng nhà ở nhằm nâng cao chất lượng sống của người công nhân góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh trong giai đoạn mới là cần thiết và cấp bách.
Thực hiện Đề án này, Thiết chế công đoàn sẽ cung cấp nhà ở giá cả hợp lý cho công nhân, tiện nghi, văn minh; cung cấp các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng việc vận hành một khu đô thị văn minh lâu dài. Có đủ sân chơi, vườn hoa, sân thể thao…; cung cấp các cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu và đầy đủ nhất như: Siêu thị Công đoàn, nhà thuốc, nhà trẻ, phòng khám, các cơ sở tư vấn pháp luật; nhà đa năng để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, TDTT, trụ sở công đoàn khu công nghiệp…
Mục tiêu của Đề án giai đoạn 2018-2020 là xây dựng 50 thiết chế tại 50 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước và giai đoạn 2020 đến 2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có các Thiết chế công đoàn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án, xây dựng các văn bản, các quy định về trình tự thủ tục đầu tư, tiêu chuẩn, điều kiện mua, thuê nhà ở; lập Ban quản lý dự án chuyên ngành, ban hành các quy định quản lý nội bộ. Đồng thời, quyết định chủ trương đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà tư vấn để quy hoạch tổng thể mặt bằng xây dựng các thiết chế tại 12 tỉnh. Theo kế hoạch, đầu năm 2018 khởi công 3 dự án đầu tiên tại Quảng Nam, Hà Nam, Tiền Giang, sau đó khởi công tiếp các dự án được phê duyệt.
Khi vấn đề nhà ở được giải quyết, công nhân sẽ yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, giảm ùn tắc giao thông khi lượng lớn công nhân tan ca, vào làm; giúp con công nhân lao động được ở gần, được bố mẹ chăm sóc, tăng mức độ gắn kết các gia đình công nhân. Qua đó, góp phần giải quyết vấn đề bức xúc của công nhân, góp phần ổn định an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội tại các địa phương; đồng thời còn là phương thức để Công đoàn tập hợp đoàn kết, qua đó tuyên truyền giáo dục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh.
Việc đầu tư các thiết chế Công đoàn là việc làm cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn với công nhân lao động - lực lượng quan trọng làm ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của Công đoàn Việt Nam. Đây cũng là hình thức để tập hợp và phát triển đoàn viên trong tình hình mới.
Các hoạt động cụ thể hóa chủ đề “Năm vì lợi ích đoàn viên” còn phải nói tới việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động đạt được nhiều kết quả. Các cấp công đoàn đã tích cực nghiên cứu, tham gia với các cơ quan nhà nước xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đến đoàn viên, người lao động đặc biệt trong việc đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu vùng năm 2018.
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với 27.866 bản, tăng 817 bản so với năm 2016. Tham gia với doanh nghiệp tổ chức 30.641 cuộc đối thoại định kỳ 3 tháng 1 lần, tăng gần 39% và 3.101 cuộc đối thoại đột xuất, tăng gần 21% so với năm 2016, góp phần kịp thời giải quyết nhiều vướng mắc, bức xúc của người lao động ở cơ sở.
Có hơn 99% số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, số lượng doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động tăng lên 24.878 đơn vị so với 13.575 doanh nghiệp của năm 2016. Công đoàn các cấp tham gia 24.446 cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động, tăng gần 4.000 cuộc so với năm 2016, kiến nghị kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật đã nỗ lực tư vấn, hỗ trợ bảo vệ tại Tòa án cho 1.565 người lao động, có 19.851 người lao động bị xâm phạm quyền, lợi ích được tổ chức công đoàn can thiệp, bảo vệ.
Ngoài ra, các hoạt động khác như Tháng Công nhân (tính đến 2017, sau 5 năm tổ chức Tháng Công nhân đã có hơn 2,9 triệu lượt đoàn viên tham gia), Tết Sum vầy được các cấp Công đoàn tổ chức chăm lo cho 3,3 triệu công nhân lao động với tổng kinh phí hơn 1.500 tỉ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường thăm nhà trẻ Thái Quang của Cty Taekwang Vina (Đồng Nai). Ảnh: Đăng Huỳnh. |
Thưa Chủ tịch, “Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp; nghiên cứu việc quy định cơ cấu đại diện Công đoàn vào thường vụ cấp ủy ở những nơi có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân” là một trong những nội dung Nghị quyết 20 – NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”. Xin Chủ tịch cho biết, việc thực hiện nội dung này được Công đoàn triển khai như thế nào?
Việc đề ra chủ đề hoạt động của năm là “Năm vì lợi ích đoàn viên” với hàng loạt các hoạt động mang lại lợi ích trước mắt cũng như lâu dài cho đoàn viên Công đoàn, người lao động chính là sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Để các hoạt động này thực sự đáp ứng nhu cầu của đoàn viên Công đoàn, người lao động thì bản thân các cán bộ Công đoàn phải là người có năng lực, nhiệt tình và được đào tạo bài bản (về kỹ năng hoạt động Công đoàn).
Tôi chỉ lấy một việc làm trong năm 2017 của cán bộ Công đoàn để làm ví dụ. Đó là LĐLĐ huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh khởi kiện thành công nợ lương cho gần 700 đoàn viên, người lao động. Ngày 23.3, Liên đoàn Lao động huyện Củ Chi (TPHCM) bắt đầu chi trả tiền lương cho 677 người lao động từng làm việc tại Cty Sae Hwa Vina (ấp 12, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TPHCM).
Tổng số tiền gần 4 tỉ đồng được trả cho người lao động là kết quả của hành trình gần 5 năm đi kiện của Liên đoàn Lao động huyện Củ Chi khi doanh nghiệp đột ngột đóng cửa, nợ lương công nhân. Việc liên đoàn lao động huyện kiện và thắng kiện, đòi được gần 4 tỉ đồng tiền lương cho 677 công nhân là cả một hành trình dài với những cố gắng, đặc biệt là sự kiên trì đeo bám với phương châm tất cả vì quyền lợi người lao động của cán bộ Công đoàn. Đây là vụ kiện tập thể đòi quyền lợi lớn nhất từ trước đến nay.
Tổng Liên đoàn cũng thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức Công đoàn Việt Nam theo các Nghị quyết của Đảng. Nhằm sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức Công đoàn các cấp theo hướng tinh gọn, tăng cường năng lực hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, ngày 12.5.2017, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Hướng dẫn số 704/HD-TLĐ về việc sắp xếp lại công đoàn ngành địa phương, công đoàn giáo dục cấp huyện.
Quán triệt chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, các địa phương đã chủ động xem xét giải thể các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không còn đủ điều kiện hoạt động, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch cán bộ, công chức, sớm ổn định bộ máy tổ chức, cán bộ để chuẩn bị đại hội công đoàn các cấp đạt chất lượng.
Kết quả là địa phương đã giảm được 776 tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở, cơ quan Tổng Liên đoàn đã giảm 4 đầu mối trực thuộc so với trước đây. Căn cứ quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Quy chế phối hợp hoạt động, các Công đoàn ngành trung ương với liên đoàn lao động cấp tỉnh đã chỉ đạo hoạt động các công đoàn cơ sở, động viên tinh thần, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động phát huy năng lực, hiệu quả hoạt động của các công đoàn cơ sở, tích cực tham gia xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh...
Thực tế đã cho thấy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, nỗ lực to lớn cũng như vị trí không thể thay thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Những nỗ lực thể hiện cụ thể ở việc đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho công nhân viên chức lao động; Chủ động và tham gia xây dựng, giám sát ban hành và thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; Đẩy mạnh phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; Vận động công nhân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt động Công đoàn.
Năm 2017 còn để lại một số dấu ấn trong hoạt động Công đoàn. Đó là việc triển khai thu kinh phí Công đoàn qua một tài khoản và sự ra đời của Bộ nhận diện Công đoàn Việt Nam. Bộ nhận diện Công đoàn Việt Nam thực sự là niềm tự hào đối với đội ngũ cán bộ Công đoàn. Chủ tịch có nghĩ khi khoác trên mình bộ trang phục của bộ nhận diện, mỗi cán bộ Công đoàn sẽ thấy mình có trách nhiệm hơn không, thưa Chủ tịch?
Như đã khẳng định, mọi hoạt động của Công đoàn đều hướng về cơ sở và vì người lao động. Vì vậy, cả hai hoạt động trên không nằm ngoài mục đích đó. Thực hiện chủ trương đổi mới công tác tài chính công đoàn, ngày 15.8.2017, Tổng Liên đoàn đã có Hướng dẫn số 1305/HD-TLĐ về thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua tài khoản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Kế hoạch số 48/KH-TLĐ ngày 30.10.2017 về tổ chức triển khai thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua Ngân hàng VietinBank.
Việc thu kinh phí công đoàn qua 1 tài khoản nhằm công khai, minh bạch; chống thất thu và trục lợi tài chính công đoàn; giúp cho từng cấp Công đoàn quản lý và sử dụng hiệu quả phần tài chính của mình. Theo đó, khi doanh nghiệp nộp kinh phí công đoàn qua tài khoản VietinBank của Tổng Liên đoàn là 117001366668, tài khoản sẽ thực hiện cấp trả tự động cho công đoàn cơ sở 68% và tiến tới 75%, cấp trên cơ sở và cấp tỉnh từ 23%-30% và về Tổng Liên đoàn 2% thông qua hạ tầng công nghệ của VietinBank.
Từ việc triển khai thí điểm với kết quả rất khả quan tại Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Tổng Liên đoàn đã tập huấn tại 3 miền tới các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn TCty trực thuộc Tổng Liên đoàn. Đến nay, các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn TCty trực thuộc Tổng Liên đoàn đang phối hợp với VietinBank triển khai tới các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở và các doanh nghiệp đóng kinh phí Công đoàn.
Việc các cấp Công đoàn mở tài khoản nhận phần kinh phí công đoàn tại VietinBank là để nhận kinh phí chuyển trả, sau đó việc sử dụng, quản lý phần kinh phí này theo quyết định của mỗi cấp công đoàn theo đúng quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tổng Liên đoàn ấn định thời điểm thực hiện thu kinh phí công đoàn trên toàn quốc qua Ngân hàng VietinBank từ 1.1.2018.
Tổng Liên đoàn cũng bước đầu triển khai bộ nhận diện Công đoàn Việt Nam. Theo đó, quy định màu sơn trụ sở cơ quan, đơn vị, các thiết chế khác thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam và màu áo cán bộ, đoàn viên Công đoàn Việt Nam nhằm thống nhất một mẫu màu sơn trụ sở cơ quan, đơn vị và các thiết chế khác thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam; thống nhất màu sắc, mẫu áo cán bộ, đoàn viên Công đoàn Việt Nam.
Bộ nhận diện bao gồm: Màu sơn bên ngoài trụ sở, cơ quan, đơn vị sự nghiệp và các thiết chế khác thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam là màu vàng nhạt. Màu áo cán bộ, đoàn viên Công đoàn Việt Nam là màu xanh lam và áp dụng đối với cán bộ công đoàn các cấp từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến công đoàn cơ sở. Nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cán bộ Công đoàn, màu áo xanh lam đã hiện diện trong các buổi lễ quan trọng, mít tinh, những cuộc họp của tổ chức Công đoàn cũng như các hoạt động cứu trợ thiên tai, nhân đạo từ thiện do Công đoàn tổ chức.
Tại cơ quan Tổng Liên đoàn, đã thành nền nếp, ngày thứ Hai và thứ Sáu, toàn thể cán bộ, chuyên viên đều mặc đồng phục nhận diện của tổ chức Công đoàn. Tôi nghĩ, bộ nhận diện, đặc biệt là bộ trang phục nhận diện tổ chức Công đoàn không chỉ là niềm tự hào của mỗi cán bộ Công đoàn mà sẽ là lời nhắc nhở về trách nhiệm của họ đối với đoàn viên Công đoàn, người lao động. Qua đó, mỗi cán bộ Công đoàn sẽ nỗ lực nâng cao trình độ, bồi đắp thêm lòng nhiệt tình vì họ đang ở vị trí đại diện hợp pháp duy nhất cho đoàn viên Công đoàn, người lao động, đặc biệt là ở cơ sở.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường (giữa) giao lưu với các đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương doanh nghiệp tiêu biểu chăm lo cho người lao động do LĐLĐ tỉnh Hưng Yên tổ chức năm 2017. Ảnh: Sơn Tùng. |
Thưa Chủ tịch, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đích thân kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với công nhân lao động tỉnh Đồng Nai. Việc Chính phủ quan tâm đến tổ chức Công đoàn, người lao động ngày càng sâu sắc cũng là đòi hỏi Công đoàn và các ban, ngành đoàn thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Năm 2018, chúng ta kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ kêu gọi thi đua ái quốc. Vậy, Công đoàn sẽ làm gì để tiếp tục đưa phong trào thi đua yêu nước đến với đoàn viên Công đoàn, người lao động, giúp họ đóng góp công sức xây dựng đất nước giàu mạnh, xứng đáng với sự quan tâm của Chính phủ?
Tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân rất xúc động trước sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chỉ đạo, động viên, nhắc nhở tổ chức Công đoàn và đã gặp gỡ, động viên, gửi thư khen 30 tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức; đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hai lần gặp gỡ với công nhân lao động và thật xúc động, chiều 28.10.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với công nhân, người lao động tại tỉnh Đồng Nai.
Tại đây, Thủ tướng ghi nhận nhiều cam kết của Chính phủ tại cuộc gặp gỡ với 3.000 công nhân lao động thuộc 8 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, diễn ra tại Đồng Nai vào ngày 30.4.2016, đã được thực hiện.
Hoạt động công đoàn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đồng chí Chủ tịch Nước, đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư... đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo hoạt động của tổ chức Công đoàn. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đã dành thời gian tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với đoàn viên, người lao động, biểu dương, ghi nhận kết quả hoạt động và đóng góp của Công đoàn, thông qua một số chủ trương lớn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Công đoàn.
Đặc biệt, trong Tháng Công nhân năm 2017, hầu hết các địa phương tham mưu tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, thành ủy, chính quyền với công nhân, lao động, qua đó nhiều khó khăn, kiến nghị của công nhân, lao động đã được tháo gỡ và giải quyết. Thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thủ tướng đã có ý kiến kết luận về việc giải quyết 16 kiến nghị của Tổng Liên đoàn, qua đó giúp đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động công đoàn.
Từ trước đến nay, và sau này, Công đoàn luôn tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, làm động lực để mỗi đoàn viên Công đoàn, người lao động phát huy cao nhất trí tuệ của mình. Đây cũng là sự thực hiện và cụ thể hóa lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ Tịch. Riêng năm 2017, phong trào thi đua yêu nước trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Công đoàn phát động tiếp tục đạt được một số kết quả quan trọng.
Trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, phong trào thi đua được tập trung hơn vào việc xây dựng người cán bộ công chức, viên chức trung thành, tận tụy, sáng tạo, gương mẫu và nâng cao chất lượng công tác, nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế chính sách pháp luật, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị số 05/CT-BCT của Bộ Chính trị.
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Kinh doanh giỏi, quản lý tốt”, “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”; phong trào “Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi Tổ công đoàn một sáng kiến”, phong trào “Ba tốt” (quản lý vật tư tốt, làm kế hoạch tốt, tổ chức lao động tốt)… được chú trọng.
Từ đó đã cổ vũ động viên công nhân, viên chức lao động đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiêu biểu là Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre với đề tài lao động sáng tạo cấp cơ sở là 126, đăng ký 32 công trình, 12 phần việc chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước năm 2017 và chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII Công đoàn Việt Nam.
Tương tự, Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 công trình và 4 sản phẩm đăng ký thi đua, trị giá 81,576 tỉ đồng. Hậu Giang đăng ký thực hiện 53 công trình và 112 phần việc, 409 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ước tính làm lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với tổng trị giá hơn 36 tỉ đồng. Công đoàn Đường sắt Việt Nam có 25 đề tài đã hoàn thành; 248 sáng kiến được đăng ký trong đó đã hoàn thành 92 sáng kiến cải kiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất.
Công đoàn Xây dựng Việt Nam có 59 đề tài, sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, công tác, giá trị làm lợi ước tính đạt khoảng hơn 10 tỷ đồng… Nhiều đơn vị đã tổ chức phát động phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động chào mừng đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.
Từ kết quả phong trào thi đua, các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động biểu dương, khen thưởng, xây dựng điển hình tiên tiến nhất là đối tượng công nhân, lao động giỏi trực tiếp sản xuất, góp phần nhân rộng những mô hình mới, những cách làm sáng tạo, phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến về nhận thức, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các phong trào thi đua.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội có 33.270 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở, tăng 7,1% so với năm 2016; 1.962 công nhân lao động được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở. Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức lễ báo công dâng Bác và biểu dương 100 công nhân giỏi cấp thành phố, trong đó riêng khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ 13%...
Tổng Liên đoàn sẽ nghiên cứu lượng hóa các tiêu chí đánh giá thi đua cho từng đối tượng đoàn viên, người lao động, kết quả thi đua làm cơ sở đề xuất khen thưởng xứng đáng. Thực hiện tốt công tác đánh giá, tổng kết phong trào thi đua; biểu dương, khen thưởng, kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động hiệu quả.
Đổi mới công tác khen thưởng và quy trình khen thưởng, nâng cao trách nhiệm của công đoàn cấp trên trong công tác khen thưởng cấp dưới, phấn đấu tỷ lệ khen thưởng đối với lao động trực tiếp đạt từ 25% trở lên trong tổng số những người được khen thưởng.
Hoàn thiện, nâng cao chất lượng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh và các giải thưởng khác của các cấp công đoàn; triển khai Giải thưởng Nguyễn Văn Linh, phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dành tặng cho những cán bộ Công đoàn xuất sắc có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công tác Công đoàn. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng chuyên nghiệp; hoàn thiện các quy trình, thủ tục trong công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo minh bạch, chính xác và công bằng.
Năm 2018 là năm diễn ra Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Cuối năm 2017 và đầu 2018 đã diễn ra đại hội điểm công đoàn cấp tỉnh, ngành. Chủ tịch có mong muốn gì, thưa Chủ tịch?
Trước hết, tôi và những người làm công tác Công đoàn mong muốn tất cả đoàn viên Công đoàn, người lao động có một cái tết sum vầy, đoàn viên bên gia đình. “Không để người lao động nào không có Tết” là tiêu chí để tổ chức Công đoàn tổ chức, phối hợp cùng địa phương, doanh nghiệp thực hiện trong những năm gần đây.
Nhưng, tôi còn mong muốn, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn và của doanh nghiệp, mỗi đoàn viên Công đoàn, người lao động sẽ thấy trách nhiệm của mình đối với đất nước, doanh nghiệp, để sau Tết trở lại làm việc đúng thời gian quy định và đóng góp nhiều công sức xây dựng doanh nghiệp, xây dựng đất nước phát triển nhiều hơn nữa.
Năm 2018, Công đoàn Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ XII. Đây sẽ là Đại hội “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, khẳng định quyết tâm của các cấp công đoàn, toàn thể cán bộ công đoàn tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng công đoàn Việt Nam lớn mạnh, tạo bước phát triển mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên, thể hiện rõ nét nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, xây dựng quan hệ lao động phát triển bền vững, phát huy vai trò quan trọng của công nhân, viên chức, lao động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 17.11.2016 của Ban Bí thư về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, ngày 28.11.2016, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn ban hành Kế hoạch số 52/KH-TLĐ về tổ chức đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; đồng thời ban hành 6 văn bản hướng dẫn về công tác tổ chức đại hội; chỉ định 4 đơn vị tổ chức đại hội điểm là Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng và Công đoàn Điện lực Việt Nam.
Là đơn vị được Tổng Liên đoàn chỉ đạo Đại hội điểm, từ 28-30.11, Đại hội XIX Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Tại Đại hội, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá tổ chức Hội nghị đối thoại với đại diện đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong Chương trình Đại hội Công đoàn Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2018- 2023.
Trong buổi đối thoại, đoàn viên, công nhân viên chức lao động đã gửi đến lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhiều băn khoăn, thắc mắc liên quan đến tình trạng nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… của người lao động. Lãnh đạo tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân, các ngành trong tỉnh đã trả lời thẳng thắn, cởi mở nhiều vấn đề công nhân lao động đặt ra.
Chúng tôi đặt ra mục tiêu, Đại hội Công đoàn các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh thành, ngành và Tổng Liên đoàn thực sự là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng đối với mỗi cán bộ, đoàn viên Công đoàn. Nhân dịp năm mới 2018 và Xuân Mậu Tuất, xin chúc toàn thể các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ Công đoàn các cấp, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước năm mới Thành công mới, Thắng lợi mới, An khang, Thịnh vượng.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Theo Báo Lao động