Ngày 15/10, Đoàn công tác của Bộ TT&TT do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Lai Châu.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có ông Vũ Mạnh Hà, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu; ông Lê Văn Lương, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu; lãnh đạo một số Cục, Vụ, Văn phòng Bộ TT&TT cùng đại diện các Sở, Ngành tỉnh Lai Châu.

PSX_20241015_111505.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại buổi làm việc với tỉnh Lai Châu sáng 15/10. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Lương, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 và một số kết quả trong việc thực hiện nhiệm vụ thông tin truyền thông.

Theo ông Lương, 9 tháng năm 2024, tỉnh Lai Châu có nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng khá so với cùng kỳ, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 6.594,1 tỷ đồng, bằng 83,8% kế hoạch, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách địa phương đạt 11.056,22 tỷ đồng, vượt 5% dự toán Trung ương giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng thông tin về những kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực như: Bưu chính, viễn thông, phát triển kinh tế số, xã hội số, an toàn thông tin... và đề xuất đến Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng một số nội dung trong lĩnh vực thông tin truyền thông, trọng tâm là chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ TT&TT xem xét điều tiết nguồn từ Quỹ Viễn thông công ích hỗ trợ các nhà mạng nâng cấp trạm phát sóng di động tại các khu vực trọng điểm (đô thị, khu du lịch...); đào tạo nguồn lực chất lượng phục vụ chuyển đổi số...

Đào tạo cán bộ văn hoá làm chuyển đổi số

Tại buổi làm việc, sau khi lắng nghe các ý kiến đề xuất của tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu đại diện các đơn vị gồm: Cục Chuyển đổi số quốc gia, Vụ Kinh tế số và Xã hội số, các doanh nghiệp viễn thông giải đáp, hỗ trợ địa phương bằng những giải pháp cụ thể. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các yêu cầu của địa phương càng cụ thể thì quá trình giải quyết của các đơn vị liên quan càng nhanh chóng, thuận lợi và phát huy hiệu quả. 

Về việc đào tạo nhân lực chuyển đổi số, Bộ trưởng yêu cầu Sở TT&TT tỉnh Lai Châu  gửi về Bộ TT&TT nội dung cụ thể về thời gian tổ chức khóa học, thời lượng tổ chức, hình thức tổ chức (bao nhiêu thời lượng là đào tạo online, bao nhiêu thời lượng là đào tạo trực tiếp), sau mỗi khóa học sẽ có chứng chỉ...  

Hiện nay, tại các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu đang duy trì 5 cán bộ làm nhiệm vụ chuyển đổi số. Tuy nhiên, tất cả nguồn nhân lực nêu trên đều xuất phát từ cán bộ phòng văn hoá nên kiến thức và kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số còn lúng túng, chưa đạt hiệu quả cao.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ hỗ trợ tỉnh Lai Châu một lớp học cho cán bộ văn hoá để làm chuyển đổi số. Theo đó, hiện nay toàn tỉnh Lai Châu có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, mỗi huyện sẽ chọn ra 2 cán bộ để tham gia khoá học đầu tiên. 

Theo Bộ trưởng, từ những người được đào tạo bài bản sẽ lan tỏa kiến thức và kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số đến địa phương. Sau khoá học, Bộ sẽ đánh giá hiệu quả và tổ chức thêm các khóa đào tạo trong tương lai. 

Lai Châu sẽ là thành phố đầu tiên được phủ sóng 5G toàn bộ

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Hiệu, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lai Châu đặt ra một số khó khăn mà địa phương đang gặp phải về hạ tầng viễn thông. Trong đó, một số nơi mong muốn được lắp trạm phát sóng 5G để phục vụ hoạt động của đô thị và khu du lịch.

Theo ông Hiệu, hiện nay mong muốn của tỉnh là sẽ được phủ sóng 5G tại thành phố Lai Châu và xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ). 

storage emulated 0 Pictures Photoshop Express PSX_20241015_095105.jpg
Ông Nguyễn Minh Hiệu, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lai Châu chia sẻ tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã mời đại diện các doanh nghiệp viễn thông đánh giá về thực trạng và tính khả thi khi triển khai các trạm BTS phát sóng 5G ở thành phố Lai Châu và xã Sin Suối Hồ.

Cụ thể, qua đánh giá tình hình và trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn viễn thông, 2 nhà mạng lớn là Viettel và VinaPhone cam kết sẽ phủ sóng 5G tại 2 điểm nêu trên trong năm 2024.

Để đạt được kết quả trên, đại diện doanh nghiệp viễn thông đề nghị tỉnh Lai Châu hỗ trợ trong chuyển đổi sang hệ thống điện 3 pha để phục vụ lắp đặt trạm BTS.

Về đề nghị này, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cam kết khi có yêu cầu cụ thể từ doanh nghiệp, cơ quan Điện lực sẽ cơ bản hoàn tất các thủ tục trong thời gian 3 ngày. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với sự vào cuộc và cam kết mạnh mẽ từ các doanh nghiệp viễn thông, sự tham gia đồng hành của tỉnh thì thành phố Lai Châu sẽ là thành phố đầu tiên của cả nước được phủ sóng 5G toàn bộ. 

Liên quan đến những khó khăn trong việc phát triển hạ tầng viễn thông, đại diện tỉnh Lai Châu cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều địa bàn khó khăn chưa được phủ sóng Internet, có nhiều hộ nghèo vẫn chưa tiếp cận điện thoại thông minh và chưa có các gói cước để tham gia truy cập Internet. 

PSX_20241015_085835.jpg
Buổi làm việc giữa Bộ TT&TT với tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đáng chú ý, tỉnh Lai Châu đang tồn tại thực trạng thôn/bản vùng 3 (đặc biệt khó khăn) lại thuộc xã vùng 2 (xã còn khó khăn). Việc quy định vùng nêu trên đã tác động đến các chính sách hỗ trợ về hạ tầng viễn thông theo các quy định hiện hành. 

Nhấn mạnh "đây là trách nhiệm của Bộ TT&TT", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Lai Châu thống kê các thôn/bản vùng 3 thuộc xã vùng 2 để Bộ TT&TT có căn cứ đề xuất, tham mưu với Chính phủ điều chỉnh chính sách phù hợp.

Đối với chính sách cho hộ nghèo tiếp cận điện thoại thông minh và nhận ưu đãi gói cước để truy cập Internet, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tỉnh Lai Châu cần thống kê chi tiết, từ đó sẽ có căn cứ tìm giải pháp hỗ trợ cụ thể. 

PSX_20241015_093137.jpg
Ông Đào Xuân Vũ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, trong năm 2024 sẽ phủ sóng 5G tại thành phố Lai Châu và xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ). Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Bộ trưởng, hiện nay có thể huy động nguồn lực từ Quỹ viễn thông công ích bên cạnh sự đồng hành của các doanh nghiệp viễn thông.

Cụ thể, khi tắt sóng 2G, các doanh nghiệp viễn thông có chính sách trợ giá mua điện thoại thông minh. Có những chiếc điện thoại giá 1,2 triệu hoặc 1,8 triệu đều đang được giảm giá 50%. 

Về hỗ trợ gói cước truy cập Internet, các doanh nghiệp viễn thông cho biết, trước đó chưa từng triển khai hỗ trợ người nghèo gói cước tương tự.

Qua gợi ý của Bộ trưởng, các nhà mạng Viettel, Vinaphone đã đồng ý thiết kế gói cước hỗ trợ cho hộ nghèo với mức hỗ trợ 1Gb/tháng. Nếu sử dụng quá dung lượng được hỗ trợ, sẽ tính phí như bình thường. 

Chuyển lên không gian số để phá bỏ rào cản vật lý, giảm nhẹ thiên tai

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu Giàng Páo Mỷ đã chia sẻ về những khó khăn mà tỉnh này đang đối mặt.

Trong số đó, có những khó khăn chính như: hạ tầng giao thông còn hạn chế, bị chia cắt khi xảy ra thiên tai; hồ sơ văn bản quá nhiều khiến việc xử lý chưa thuận tiện, khoa học...

Trước những vấn đề được Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số sẽ giải quyết được những nỗi lo nêu trên.

Cụ thể, về hạ tầng giao thông, theo Bộ trưởng, việc đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ kết nối nội tỉnh và kết nối liên vùng là nhiệm vụ chiến lược đang được từng bước triển khai.

Tuy nhiên, việc đầu tư sẽ tốn nhiều thời gian, trong khi đó, công nghệ số sẽ giải quyết được những vấn đề cấp bách đang đặt ra. 

PSX_20241015_110308.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở cách làm chuyển đổi số tại tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo Bộ trưởng, khi hạ tầng viễn thông được đầu tư đồng bộ, người dân và chính quyền tỉnh Lai Châu sẽ chuyển lên không gian sống mới - không gian số.

Ở không gian mới này, chính quyền và người dân sẽ giảm được nhiều ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động vật lý hoặc thiên nhiên gây ra. 

"Khi mưa bão, sạt lở thì cán bộ vẫn có thể họp được, người dân vẫn có thể mua sắm được...", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho biết, việc chuyển lên môi trường số sẽ giúp cuộc sống người dân an toàn hơn.

Trước thực tế công việc hàng ngày với khối lượng văn bản khổng lồ và nhiều quy trình, thủ tục, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện AI với nhiều tính năng đã có thể giúp cán bộ, công chức giải bài toán nêu trên bằng trợ lý ảo. 

Theo Bộ trưởng, khi đưa dữ liệu đầu vào chuẩn thì công nghệ số sẽ giải quyết được phần lớn số lượng công việc đang đặt ra.

Bằng việc tạo ra trợ lý ảo, công việc sẽ được giải quyết hiệu quả, chính xác, mỗi công chức sẽ trở nên xuất sắc hơn và hoàn thành công việc của mình một cách dễ dàng.

PSX_20241015_082821.jpg
Sáng 15/10, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu tham dự lễ khánh thành Trung tâm giám sát điều hành thông minh tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng
PSX_20241015_181055.jpg
Sau buổi làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đến thăm và trò chuyện với cán bộ Sở TT&TT tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sau khi lắng nghe những ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ TT&TT, bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu nhìn nhận, tỉnh Lai Châu còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai chuyển đổi số, những gợi mở của Bộ trưởng đã giúp tỉnh có định hướng và cách làm vừa mang tính chiến lược, vừa có hành động cụ thể, chi tiết.

"Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, tôi xin cảm ơn Bộ trưởng và đoàn công tác đã có những trao đổi tâm huyết. Đặc biệt, những chia sẻ của Bộ trưởng đã giúp tỉnh hiểu sâu hơn về chuyển đổi số, từ đó, tỉnh sẽ nghiên cứu kĩ các văn bản, hướng dẫn và có những hành động cụ thể để tạo chuyển biến trong thời gian tới", bà Giàng Páo Mỷ chia sẻ.