Ngày 26/10, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh 2017 (Doing Business), trong đó Việt Nam có môi trường kinh doanh cải thiện hơn so với báo cáo năm ngoái.

Báo cáo cho thấy, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, với số điểm 63,83 trên thang 100, tăng 9 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. Theo báo cáo cập nhật của WB, thứ hạng Việt Nam năm ngoái là 91.

Phải lưu ý thêm, năm ngoái thứ hạng chính xác của Việt Nam là 90. Nhưng trong báo cáo lần này, WB đã xếp lại thứ hạng của Việt Nam năm ngoái khi bị điều chỉnh là 91.

{keywords} 

Năm nay, Việt Nam cải thiện được ở một số tiêu chí như bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, Nộp thuế và Giao thương Quốc tế, Tiếp cận điện năng. Đặc biệt, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ có sự cải thiện thứ hạng lớn nhất khi “tiến bộ” tới 31 bậc.

Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới tăng 15 bậc. Chỉ số về nộp thuế tăng 11 bậc. Hai chỉ số này thể hiện nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan khi đã cải thiện được thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Trong số các chỉ tiêu tụt hạng, chỉ số khởi sự kinh doanh gây bất ngờ khi giảm 10 bậc. Bởi Luật Doanh nghiệp 2014 đã có sự cải thiện nhiều mặt để tạo thuận lợi gia nhập thị trường cho DN. Một chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cảm thấy bất ngờ khi chỉ số này giảm điểm.

Như thường lệ, để xây dựng nên báo cáo này, Ngân hàng Thế giới đánh giá môi trường kinh doanh dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; Xin cấp phép xây dựng; Tiếp cận điện năng; Đăng ký tài sản; Vay vốn; Bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; Nộp thuế; Giao thương quốc tế; Thực thi hợp đồng; Xử lý khi mất khả năng thanh toán.

4 nền kinh tế khu vực lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu bảng xếp hạng Môi trường Kinh doanh tốt, đó là New Zealand (số 1), Singapore (số 2), Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Trung Quốc (số 4) và Hàn Quốc (số 5).

Các nền kinh tế xếp hạng thấp nhất trong khu vực là Myanmar (số 170) và Timor-Leste (số 175).

L.Bằng