Tiến sĩ Phạm Văn Bạch (1910-1986) cố Chánh án TANDTC, xuất thân trong một “gia đình thế tộc, có ruộng đất, có quyền hành” nhưng khi sang Pháp, trung tâm của tư bản phương Tây lúc ấy, ông đã chọn đề tài làm luận án tiến sĩ và bảo vệ xuất sắc là “Cách mạng ruộng đất và thực tiễn Xô Viết” vào năm 1936, khiến dư luận kinh ngạc… Sự chuyển biến về tư tưởng ấy có liên quan sâu xa đến người bạn gái Pháp, mối tình đầu của người sinh viên ưu tú này.
Bản luận án tiến sĩ đặc biệt
Chánh án Phạm Văn Bạch sinh ngày 18/6/1910 tại làng Khánh Lộc, nay là xã Phước Hảo huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình công chức. Cha ông làm công chức ở Sài Gòn, sau đó về làm hương chức của xã Vĩnh Tế – Châu Đốc. Tuy vậy, tuổi thơ ấu ông không sống gần cha và có một nỗi bất hạnh lớn, ông mồ côi mẹ khi mới 3 tuổi. Phạm Văn Bạch được ăn học chu đáo là nhờ sự cưu mang của ông bà ngoại, một gia đình địa chủ bậc trung và người cậu ruột.
Từ nhỏ đến năm 15 tuổi, ông học tiểu học ở Trà Vinh, học trung học tại Cần Thơ và Mỹ Tho. Người ta kể rằng, hàng ngày “cậu Hai Bạch” đi xe song mã đến trường và luôn có người theo hầu.
Cũng như học trò của trường lúc ấy, cậu Hai Bạch mặc đồng phục học sinh kết nỉ màu nước biển, có viền dây kim tuyến, hình nhánh cây sồi, áo bành tô. Nút áo vàng, phía trước sáu nút, sau lưng có hai nút ngang qua cột quần tây.
Cậu học giỏi, thông minh, lại khôi ngô, tuấn tú nến rất được nể trọng. Ai cũng nghĩ cậu sẽ có một tương lai đẹp đẽ, êm ấm như gia thế và khả năng của cậu trong xã hội bấy giờ. Nhưng không ngờ, cậu Hai Bạch trong nhóm 16 học sinh bị đuổi học vì tham gia biểu tình, bãi khóa đòi thả bốn học sinh bị bắt giam vì nghi “làm chính trị”, rồi bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh.
Chánh án Phạm Văn Bạch và bạn bè quốc tế |
Trong hồi ký “Mùa thu nhớ mãi” ông kể lại, rất may là đang trong lúc bị nghỉ học như vậy thì cậu Tư của Phạm Văn Bạch, một kỹ sư hóa tốt nghiệp tại Pháp, có vợ đầm, về thăm quê.
“Khi mợ Tư có việc về Pháp, ông bà ngoại tôi đề nghị tôi đi theo gọi là “đi du lịch”, nhưng mọi việc được sắp xếp cho tôi ở lại học luôn bên Pháp. Mợ tôi là người Lyon, nên tôi theo mợ về đó đi học, với sự đỡ đầu của cha vợ cậu Tư tôi là một người thiên tả”.
Thiên tả có nghĩa là nghiêng về “cánh tả”. Khởi đầu từ Cách mạng Pháp 1789, “cánh tả”, bao gồm giới tư sản, trí thức, lao động, luôn đại diện tinh thần cách mạng đòi công lý và tự do; đối ngược với “cánh hữu”, ngồi bên của giới tu sĩ, quý tộc bảo thủ muốn duy trì trật tự chính trị xã hội hiện hành.
“Cánh tả” trong truyền thống chính trị phương Tây luôn cổ xúy quyền tự do cá nhân, công lý xã hội, dân chủ, và chủ trương một sự thay đổi nhanh chóng trật tự chính trị xã hội đương thời – thay vì lối thay đổi tiệm tiến của cánh hữu – để đạt đến một trật tự khác.
Tinh thần của “cánh tả” là tinh thần cách mạng của những giá trị mới. Một số trí thức “tả” phương Tây ủng hộ chủ nghĩa cộng sản. Có lẽ thái độ chính trị của ông chủ nhà đã gieo những hạt giống cách mạng vào cậu học trò thông minh vừa từ Đông Dương sang kinh đô ánh sáng.
Một chuyện không may là ông ngoại và cậu Tư là những người bảo trợ cho Phạm Văn Bạch ăn học đều bị khánh kiệt gia tài, vì thế cậu phải từ bỏ chỗ ăn ở đàng hoàng để về trú ở những nơi rẻ tiền. Nhưng càng khó khăn, cậu càng quyết tâm học thật giỏi để bọn Tây không thể coi thường. Tuy vậy, khi đã có bằng cử nhân luật và triết học, cậu vẫn không xin nổi việc làm, ngay tại một nước văn minh như Pháp bấy giờ.
Năm 1936, ông tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa hạng ưu. Nhưng luận án về đề tài “Cách mạng ruộng đất và thực tiễn Xô viết” của ông gây bất ngờ cho các giáo sư và bạn học trong trường, cũng như gây xôn xao dư luận Pháp lúc đó.
“Đọc xong luận án, viên chánh chủ khảo là giáo sư Francois Perloux, một người theo chủ nghĩa phát xít đã mời tôi vào quán cà phê, khen luận văn viết lưu loát như người Pháp, hoàn chỉnh về mặt văn phạm, cấu trúc lý luận rất khoa học theo đường lối Macxit chính cống, chứng tỏ có nghiên cứu đàng hoàng. Ông chúc mừng tôi và tỏ ra khâm phục “luận án có tính chất khoa học và nghiêm chỉnh”. Nhưng đồng thời, ông nói riêng với tôi: “Trước hội đồng chấm thi tôi sẽ cho anh qua, nhưng sau này gặp chỗ khác tôi sẽ không cho anh qua đâu, vì tôi hoàn toàn chống đối tư tưởng trình bày trong luận án”. Sau này, ông Phạm Văn Bạch nhớ lại.
Trong lần vào phía Nam công tác, tôi đã đến thăm gia đình cố chánh án Phạm Văn Bạch. Trong một căn nhà trên đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TP.HCM, tôi được trò chuyện với anh Phạm Văn Tiến, con trai út của ông.
Trong phòng, ngoài bàn thờ, còn có bức tượng đồng bán thân của Tiến sĩ Phạm Văn Bạch với nét mặt tươi vui. Tôi đã được cầm trên tay cuốn luận án tiến sĩ nổi tiếng của ông, dày chừng 300 trang, được đóng bìa cứng bọc da, mạ chữ vàng. Hơn 80 năm, giấy đã ố vàng nhưng cuốn luận án có tựa “Le marxisme agraire et l'expérience russe” còn nguyên vẹn.
Trên trang bìa lót, chúng tôi đọc thấy những dòng chữ viết tay, bằng mực xanh Cửu Long, từ 50 năm trước của TS Phạm Văn Bạch. Ông viết: “Xin chú ý quyển sách này viết trong lúc tôi mới là một “Sympathisant” (cảm tình viên – NV), muốn góp phần cá nhân vào cuộc đấu tranh cách mạng thế giới, để làm “Thèse de doctorat en droit” (luận án tiến sĩ luật học) tại ĐH Lyon ở Pháp năm 1936. Trong hoàn cảnh lúc ấy chưa có được sự chỉ dẫn và giúp đỡ của Đảng ta hoặc Đảng Pháp, mà chỉ nghiên cứu đơn độc. Nay nhận lại cuốn sách này và xem lại sau 22 năm, thì thấy có những điểm, những khía cạnh chưa đúng đắn hoặc là cần phải nghiên cứu thêm. Mặc dù vậy các báo chí tiến bộ Pháp hồi bấy giờ có bình luận tốt và cho rằng luận án này làm theo đường lối “orthodoxie marxiste” (Mác xít chính thống) 30/8/1958″.
Đại học Lyon 2, Pháp |
Mối tình đầu
Bản luận án khiến các nhà thực dân đau đầu. Mật thám theo dõi Phạm Văn Bạch ráo riết, và họ dễ dàng tìm ra những người bạn thân của ông, đều là những thanh niên cách mạng như Huỳnh Khương Ninh, Nguyễn Trọng Đắc, đều là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Sau này, Huỳnh Khương Ninh bị phát xít Đức xử bắn tại Paris… Đặc biệt, người vẫn cùng ông chia sẻ quan điểm “chệch hướng” này, là một cô gái Pháp tên là Lucelte Chargnioux – Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản tỉnh Rhôme. Hai người yêu nhau.
Trong sơ yếu lý lịch đảng viên năm 1976, ở mục bạn bè, cố chánh án Phạm Văn Bạch cũng ghi rõ: “Khi học ở Pháp quan hệ thân thiết và hoạt động trong Đoàn Thanh niên cộng sản tỉnh Rhôme, có những bạn thân như Lucelte Chargnioux, nữ công nhân; Francois Grheze, nhà văn và nhà sử học…”.
Những cuộc hẹn hò ở thư viện bảo tàng, những cuộc dạo chơi ở công viên Lucxămbua và những buổi đi chơi ngoại ô, những buổi sinh hoạt Đoàn Thanh niên… đã giúp cho họ hiểu về nhau hơn. Sự thông minh, tinh tế và hoài bão của chàng du học sinh An Nam làm cho Lucelte có cái nhìn khác đi về những dân tộc bị áp bức; sự nhiệt thành cùng những kiến thức của người nữ Bí thư Tỉnh Đoàn đã giúp cho Phạm Văn Bạch nhìn rõ hơn hiện thực xã hội Pháp luôn nêu cao tinh thần tự do – bình đẳng – bác ái.
Từ một học sinh yêu nước, điều kiện sách vở, tài liệu ở Pháp và sự tác động nhất định của bạn bè và bạn gái, Phạm Văn Bạch đã tìm đến với Chủ nghĩa Mác – Lê nin và quyết định làm luận án về đề tài này… Trong hồi ký của mình, TS Phạm Văn Bạch viết: “Qua Lucelte tôi tìm được trong Hiến pháp Xô Viết và thực tiễn Xô Viết giải pháp đúng đắn cho cả hai vấn đề căn bản: Dân tộc và giai cấp!”
Do chỉ thị của mật thám ở chính quốc, về nước tân TS Phạm Văn Bạch vẫn bị theo dõi chặt chẽ. Vì thế, ông khó tìm được việc làm ưng ý, phải đi dạy học rồi làm luật sư, có thời gian phải sang Phnôm Pênh hành nghề.
Trong sơ yếu lý lịch ông viết: “Về nước năm 1936, tuy có nhiều bằng cấp lớn nhưng không bị tiền tài và quyền thế phi nghĩa cám dỗ, không làm việc trong chính quyền thực dân mà chỉ dạy học và làm luật sư để sinh sống và hoạt động, luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với một số đảng viên như các đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Văn Cải… lúc ấy ở Cần Thơ trong thời kỳ bí mật, để tham gia phong trào cách mạng, giúp đỡ những đảng viên bị mất thám bắt, truy tố…”.
Mấy ai biết rằng, khi TS Phạm Văn Bạch về nước, Lucelte Chargnioux đã tác động những người cộng sản Pháp giới thiệu ông với Xứ ủy Nam kỳ. Từ đó, ông dấn thân vào con đường cách mạng, năm 1946, ông gia nhập Đảng lao động Việt Nam, người giới thiệu là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và một ủy viên Xứ ủy Nam bộ.
Với uy tín của mình, từ tháng 8/1945 đến ngày tập kết ra Bắc, TS Phạm Văn Bạch đã được cử làm Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ rồi Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, thay ông Trần Văn Giàu, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Miền Nam, Bí thư Đảng đoàn…
Tháng 9/1954, sau khi tập kết ra Bắc, ông được giao các trọng trách như Phó ban Miền Nam của Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Phủ Thủ tướng. Tháng 9/1959, khi thành lập Tòa án nhân dân tối cao, ông được bầu giữ cương vị chánh án. Ông còn là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Luật học; Phó chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục nhiều khóa, tham gia Ban soạn thảo Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980.
Theo tác giả Trần Dũng, tác giả cuốn sách viết về danh nhân Trà Vinh, người đã gặp gỡ cố Chánh án Phạm Văn Bạch nhiều lần, Lucelte vẫn luôn quan tâm theo dõi từng bước đi trong cuộc đời và sự nghiệp của TS Phạm Văn Bạch. Ông trở thành nguồn động viên để bà vững bước trên con đường đấu tranh, trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng Cộng sản Pháp nửa sau thế kỷ XX. Lucelte phụ trách công tác đối ngoại với các nước, các dân tộc, các đảng phái cánh tả trong phong trào các nước không liên kết.
Tiến sĩ Phạm Văn Bạch và người nữ chiến sĩ Cộng sản Pháp Lucelte Chargnioux dù không thể sống bên nhau nhưng họ vẫn giữ được mối quan hệ khá thân thiết về lý tưởng đấu tranh chung cũng như về mối tình đầu không bao giờ mờ phai.
Nữ thẩm phán Phùng Lê Trân - người tuyên Tạ Đình Đề vô tội
Hơn 40 năm trước, phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề, gây nên sự chú ý đặc biệt, thẩm phán đã tuyên Tạ Đình Đề không phạm tội, trong niềm vui vỡ òa của hàng ngàn người theo dõi phiên tòa.
Theo Tạp chí Tòa án