Trụ sở của NetEase, một trong những công ty thương mại điện tử và game lớn nhất Trung Quốc được đặt tại Hàng Châu, phía tây nam Thượng Hải. Tới đây, bạn có thể bắt gặp một loạt học sinh tiểu học và trung học đang ngồi gõ phím. Hôm nay, chúng đang học cách làm game.
Lớp học AI vừa mở ra đã hết chỗ
Những học sinh này đang tham gia một khóa đào tạo 5 ngày về trí tuệ nhân tạo. NetEase bắt đầu tổ chức lớp học vào dịp nghỉ hè vài năm trước, với chi phí 5.000 tệ (hơn 17 triệu đồng). Lớp học năm nay vừa mở đăng ký đã ngay lập tức nhận đủ số học viên, theo Nikkei.
Học sinh ở lứa tuổi tiểu học, trung học tham gia vào một lớp học về AI do NetEase tổ chức. Ảnh: Nikkei. |
Đây chỉ là một phần trong chiến lược tạo ra những kỹ sư về AI trong tương lai của Trung Quốc nhằm cạnh tranh vị trí số 1 với Mỹ. Trung Quốc muốn tạo ra nhiều hàng hóa cao cấp, phức tạp hơn để phục vụ kế hoạch Made in China 2025. Điều đó đồng nghĩa họ cần những tài năng về công nghệ để cạnh tranh với Mỹ và các nước phát triển.
Du Xin, người phụ trách lớp học của NetEase, cho rằng AI là công nghệ tối quan trọng trong xã hội hiện đại, nhưng lại rất ít người hiểu về nó. Bà mong rằng lớp học này sẽ khiến trẻ em thích thú và đam mê tìm hiểu. Ngoài NetEase, Tencent và nhiều công ty công nghệ khác của Trung Quốc cũng đang tổ chức những khóa học tương tự.
AI đang là chủ đề được quan tâm nhất đối với giáo dục tại Trung Quốc. Nhiều trường học tại Thượng Hải hiện nay đặt vị trí các khóa học AI ngang các khóa tiếng Anh hay tiếng Nhật.
Wang Hao, một phụ nữ làm nội trợ tại Thượng Hải, đã cho con trai đang học tiểu học tham gia một khóa học này. Cô Wang cho biết mình cho con đi học vì nghe nói những công việc liên quan đến AI rất được coi trọng và thu nhập cao.
Yang Mei, một phụ huynh có con theo học tại đây, cho biết bà không tiếc tiền để chuẩn bị cho tương lai con trai mình, năm nay 10 tuổi.
Mức lương trung bình của một kỹ sư AI hiện vào khoảng 29.000-33.000 tệ/tháng (100-113 triệu đồng/tháng), và vẫn tăng đều hàng năm, theo trang web về việc làm Boss Zhi Pin. Trong khi đó, mức lương của nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh hay Thượng Hải chỉ bằng khoảng 1/3.
Nhân lực AI của Trung Quốc đi sau Mỹ khá xa
Ngoài động lực của các bậc cha mẹ, chính phủ Trung Quốc cũng có lý do để thúc đẩy trẻ em học về AI. Trung Quốc lo ngại sẽ bị Mỹ bỏ xa về công nghệ trí tuệ nhân tạo. Theo một thống kê của LinkedIn tại Trung Quốc, trong tổng số 1,9 triệu kỹ sư AI trên toàn cầu thì Mỹ chiếm tới 850.000 người, trong khi Trung Quốc chỉ có khoảng 50.000 người.
Một người đàn ông đứng trước màn hình theo dõi an ninh tại Bắc Kinh. Trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng tại Trung Quốc cho việc theo dõi, chấm điểm công dân. Ảnh: Reuters. |
Về đào tạo, Mỹ cũng đang đi trước khá xa. Trong khoảng 370 đại học có đào tạo về AI, khoảng 170 trường nằm ở Mỹ, trong khi ở Trung Quốc chỉ có khoảng 20 trường, theo khảo sát của Tencent vào năm 2017. Có tới 60% kỹ sư AI của Trung Quốc tốt nghiệp đại học tại Bắc Kinh và Thượng Hải.
Mặc dù nhiều kỹ sư Trung Quốc tốt nghiệp từ các trường ở Mỹ, Trung Quốc vẫn muốn tự chủ trong đào tạo. Căng thẳng thương mại với Mỹ kéo dài suốt 1 năm qua cũng khiến cho nhiều sinh viên Trung Quốc khó kiếm được visa để qua học ở Mỹ.
Trung Quốc mới đây đã xuất bản sách hướng dẫn về AI cho bậc tiểu học và trung học. Hàng trăm trường tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông tại Thượng Hải và nhiều thành phố lớn cũng có thêm lớp học về AI từ đầu năm nay.
Vào tháng 9/2018, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tham dự Hội nghị thế giới về AI tại Thượng Hải, và nhấn mạnh AI là công nghệ quan trọng trong nhiều lĩnh vực, do đó chính phủ Trung Quốc sẽ thúc đẩy phát triển AI. Giáo dục từ bậc tiểu học có thể chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực này của Trung Quốc.