Tôi năm nay 38 tuổi, chồng hơn tôi một tuổi, trước đây hai chúng tôi cùng học chung một trường đại học.
Sau khi ra trường, tôi làm nhân viên kế toán cho một công ty về trang sức với mức lương 7 triệu, còn chồng tôi làm nhân viên kinh doanh cho một công ty chuyên về thủ công mỹ nghệ với mức lương 10 triệu đồng/tháng.
Làm ở công ty về thủ công mỹ nghệ tuy nhàn hạ nhưng chỉ đủ ăn nên sau đó vài năm chồng tôi xin sang một công ty nước ngoài với mức lương cao hơn hẳn (khoảng 25 triệu/tháng). Tôi cũng mừng vì từ khi cưới nhau hai vợ chồng đã để dành được một khoản tiền tiết kiệm khá lớn khoảng 300 triệu đồng. Số tiền này tôi dự định sẽ mua vàng, sau đó khi có giá tôi sẽ bán đi và mua một căn nhà hoặc một mảnh đất để dành cho các con sau này.
Ảnh minh họa. |
Cuộc sống đang yên bình bỗng dưng một ngày chồng tôi nảy sinh ý định mua ô tô. Anh bảo, anh làm công ty nước ngoài, tiếp xúc với nhiều người có tiền nên suy nghĩ cũng khác hơn trước.
Theo lời anh, gia đình tôi phải mua ô tô xong mới có động lực kiếm tiền. Nhiều người kinh tế kém hơn nhà tôi còn mua xe, huống hồ nhà chúng tôi còn có của ăn của để. Anh cũng bảo, nhiều gia đình khi có ô tô liền làm ăn phát đạt, lên như diều gặp gió. Chồng tôi còn nhắc đến nhiều lợi ích khác của xe hơi làm lý lẽ thuyết phục.
Tôi không đồng ý, anh liền chê tôi là keo kiệt, không dám mạo hiểm. Nghe xong lời chồng nói mà tôi giận tím mặt. Chỉ kiếm ra tiền một thời gian mà anh dám lên mặt dạy dỗ tôi. Việc gì thì tôi không rõ nhưng tôi dám chắc chắn một điều, giá xe ô tô ngày càng giảm còn đầu tư vàng hay đất thì chỉ có tăng lên.
Bàn mãi mà vẫn không thống nhất, cuối cùng tôi quyết định giữ lại 100 triệu đồng để mua vàng, 200 triệu đồng kia thì để chồng tôi gom góp vay mượn thêm để mua ô tô.
Tôi bắt đầu lao vào mua vàng vào thời điểm cuối năm 2010, khi đó giá vàng đang có giá hơn 36 triệu đồng/lượng. Với 100 triệu đồng ngày đó, tôi đã mua được khoảng 2,7 lượng vàng.
Hàng tháng tôi đều trích một phần thu nhập của 2 vợ chồng để mua 3 chỉ vàng cất két. Cuối năm có thêm khoản thưởng Tết mấy chục triệu, ngoài phần để sắm sửa Tết, trích ra để biếu bên nội bên ngoại, tôi đều dành dụm để mua vàng.
Tính ra mỗi năm tôi sẽ mua được 4 cây vàng. Tôi nhẩm tính, khi vàng tăng giá sẽ bán ra để kiếm lời. Sau đó, chờ khi giảm giá tôi lại mua về cất két.
Thế nhưng người tính không bằng trời tính, những năm sau đó giá vàng cứ giảm giá liên tục. Có thời điểm tôi thấy giá vàng rớt xuống đáy. Nhìn số vàng cất trong két cứ ngày một giảm giá mạnh, tôi mất ăn mất ngủ, có lúc như bị trầm cảm.
Chồng tôi thấy thế thì buông lời nhiếc móc, cạnh khóe vợ. Anh nói, có tiền thì nên để chồng đầu tư kinh doanh chứ dại dột đầu tư mua vàng như tôi thì chẳng mấy mà tay trắng.
Đỉnh điểm nhất là khi bố mẹ chồng tôi biết chuyện thì lập tức bắt xe từ quê lên Hà Nội đề nghị họp gia đình. Họ nói nếu tôi thương chồng thì để dành tiền cho anh mua xe, còn bao nhiêu thì gửi ngân hàng chứ chẳng ai dại gì mà mua vàng.
Tôi nghe bố mẹ chồng nói mà rất buồn lòng. Dù gì những điều tôi làm cũng chỉ mong vun vén cho gia đình. Nhưng càng nói, mọi người càng phản đối khiến tôi cảm thấy rất bất lực. Vì thế cuối cùng tôi giấu kín mọi chuyện với chồng và tiếp tục âm thầm mua vàng.
Bẵng đi một thời gian, vàng càng ngày càng tăng giá. Xem ra số tôi có vẻ may mắn. Rồi mấy tháng nay, tôi thấy giá vàng tăng phi mã, đỉnh điểm lên đến 47- 49 triệu đồng/lượng. Tức, nếu đem bán thời điểm này, tôi lãi cả chục triệu đồng/lượng vàng so với thời điểm đầu tiên mua vàng. Nếu bán hết 40 lượng vàng mà tôi tiết kiệm được bấy lâu nay thì tôi cũng thu lãi được hàng trăm triệu đồng. Số tiền lãi đó cộng với cả số gốc, tôi dư giả để mua thêm được một căn nhà tiền tỷ ở Hà Nội.
Nói về phần chồng, sau khi mua chiếc xe kia cũng mang lại những vinh quang cho anh vài năm đầu, nhưng bây giờ nếu anh bán đi, có khi rớt giá hàng trăm triệu. Còn vàng của tôi mua không đơn thuần chỉ là vàng nữa mà là vàng đẻ ra tiền.
Chồng tôi sau đó biết chuyện thì cứ tiếc mãi vì đã không nghe lời vợ. Nếu ngày đó biết thuận vợ thuận chồng thì giờ đây gia đình tôi sẽ còn dư giả hơn rất nhiều.
Độc giả Hoài Lan (Hà Nội)
Mánh mua chung cư tại Hà Nội: Mua được nhà đẹp với giá hời!
Tình trạng người mua chung cư phải bán lỗ sau ít năm sử dụng xảy ra khá phổ biến trên địa bàn Hà Nội hiện nay, đặc biệt là những chung cư có tranh chấp.