Sản phẩm OCOP là tài nguyên để Nghệ An xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP ra đời từ năm 2018 đến nay đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, nhất là các giá trị văn hóa vùng miền.
Nhiều sản phẩm OCOP có vai trò như một "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền, góp phần thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.
Phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ "hữu cơ". Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP. Mỗi sản phẩm OCOP với đặc trưng riêng biệt đã trở thành một “đại sứ” giúp quảng bá văn hóa cho mỗi vùng miền.
Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã có 422 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao trở lên, trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao là đèn lồng của Công ty Đức Phong (thành phố Vinh); 41 sản phẩm đạt 4 sao và 380 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Nhiều sản phẩm nổi bật đã có chỗ đứng trên thương trường. Ví dụ như trồng sen ở huyện Nam Đàn; dược liệu Pù Mát ở huyện Con Cuông, chè, đào, mận, gừng ở huyện Kỳ Sơn; lạc ở huyện Diễn Châu; chè hoa vàng ở huyện Quế Phong; thủy, hải sản ở vùng biển Cửa Lò, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu; Rượu men lá và thảo dược gợi về đại ngàn Pù Mát, Con Cuông; các sản phẩm dệt thổ của người đồng bào Thái, du lịch cộng đồng ở miền Tây,...
Theo số liệu thống kê, Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận, chỉ sau Hà Nội.
“OCOP du lịch” theo hướng sinh thái, du lịch cộng đồng
Vùng miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị là Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa, có diện tích chiếm 84% diện tích toàn tỉnh. Với 39% dân số khu vực miền Tây là đồng bào dân tộc thiểu số, miền Tây Nghệ An không chỉ được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới mà còn là khu vực có đời sống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
Đặc biệt, ở Nghệ An, hầu như mỗi làng quê đều có một nghề truyền thống. Tính đến nay, toàn tỉnh có 171 làng nghề được công nhận và hàng trăm làng có nghề, mỗi năm tạo ra giá trị sản xuất trên 2.400 tỷ đồng. Với sự đậm đặc các “làng nghề” và sự phong phú, đa dạng các sản vật, rõ ràng Nghệ An rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch.
Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho hay: “Việc phát triển các loại hình du lịch canh nông, làng nghề và cộng đồng sẽ tạo ra sản phẩm du lịch khác lạ, độc đáo, hấp dẫn có sức cạnh tranh lớn mang lại lợi ích kinh tế cho người dân bản địa, vừa có vai trò to lớn trong việc giữ gìn cảnh quan, văn hóa bản sắc của quê hương”.
Tiềm năng lớn để phát triển du lịch canh nông
Không chỉ có tiềm năng phát triển “OCOP du lịch” theo hướng sinh thái, du lịch cộng đồng, mà Nghệ An còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch canh nông, gắn với truyền thống sản xuất nông nghiệp đặc sắc vùng, miền từ núi cao đến đồng bằng và miền biển. Ví như du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại các huyện Nghĩa Đàn, Nam Đàn, TX. Thái Hòa.
Bà Nguyễn Thị Thành An - Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho rằng, tiềm năng du lịch canh nông cũng như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở Nghệ An là vô cùng lớn và không thua kém các địa phương khác, nhưng chưa được khai thác, đầu tư đúng tầm.
Du lịch canh nông là loại hình du lịch vừa mang lại lợi ích kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân, vừa có vai trò to lớn trong việc giữ gìn cảnh quan làng quê, giữ được văn hóa bản sắc của quê hương, tạo ra sản phẩm du lịch khác lạ, độc đáo hấp dẫn có sức cạnh tranh lớn.
Phát triển du lịch canh nông không chỉ phát huy được giá trị văn hóa làng quê, nông sản bản địa khi du khách khắp mọi miền tìm về, trải nghiệm đời sống và những giá trị văn hóa được vun đắp từ ngàn đời ở các vùng quê nông thôn Nghệ An.
Hy vọng rằng, với những quyết sách mới về phát triển du lịch, với vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn, cụ thể hóa Đề án phát triển du lịch tỉnh nhà vừa mới ban hành, Nghệ An sẽ đầu tư thêm nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng, chuyển tải được tinh thần đất và người xứ Nghệ.
Bởi lẽ, 422 sản phẩm được xếp hạng OCOP hiện nay không chỉ đơn thuần là các sản phẩm mang giá trị vật chất, hữu hình mà mỗi sản phẩm ấy đều mang trong mình giá trị văn hóa của mỗi vùng quê. Mỗi sản phẩm OCOP ấy đã hấp dẫn du khách mua nó làm quà biếu, làm đồ lưu niệm bởi ý nghĩa câu chuyện ẩn chứa trong đó.