Phát biểu tại hội thảo “Bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng công nghệ trong giai đoạn thích ứng với dịch Covid - 19 tại Việt Nam” ngày 25/11, bà Genie Sugene Gan, Giám đốc phụ trách đối ngoại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Kaspersky nhận định, mỗi quốc gia phải đối mặt với các vấn đề khác nhau về an ninh mạng, như các lỗ hổng bảo mật, mức độ đào tạo về an ninh mạng hay khả năng ứng phó với các cuộc tấn công.
Dẫn chứng cụ thể, bà Genie Sugene Gan cho biết, nghiên cứu về mã độc tống tiền ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cho thấy, tại Việt Nam, mã độc tống tiền nhắm vào ngành sản xuất, thương mại. Trong khi đó, ở Indonesia là ngành sản xuất dầu cọ, còn Thái Lan thì ngành du lịch, khách sạn và sản xuất đồ uống là đích ngắm của các cuộc tấn công của tin tặc.
“Do sự khác biệt, nên mỗi quốc gia cần có những chiến lược khác nhau và những ưu tiên khác nhau về an ninh mạng để bịt các lỗ hổng bảo mật hay bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu”, bà Genie Sugene Gan nói.
Bà Genie Sugene Gan cũng cho rằng, xây dựng năng lực có ý nghĩa quan trọng và cơ bản trong an ninh mạng. Đây là điều cần thiết để các quốc gia chú trọng và đầu tư xây dựng.
Chuyên gia từ hãng bảo mật Kaspersky cho hay, các quốc gia tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương được phân thành 3 nhóm khác nhau theo mức độ sẵn sàng về an ninh mạng. Bà này cho biết, việc phân loại là tìm ra các giải pháp để giải quyết vấn đề an ninh mạng mà mỗi quốc gia gặp phải và đảm bảo được sự sẵn sàng trong lĩnh vực này.
Theo đánh giá, Việt Nam là quốc gia tích cực củng cố các khuôn khổ pháp luật, đặt ra các tiêu chuẩn về an ninh mạng cũng như tăng cường các mối quan hệ hợp tác với khu vực tư nhân trong lĩnh vực này. Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực an ninh mạng.
Dẫn lại kết quả báo cáo xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu cho thấy, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 25 trong 194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng, thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 khu vực ASEAN với sự cải thiện điểm ở cả 5 trụ cột đánh giá.
“Đây là minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam khi đã xây dựng, cải thiện hệ thống pháp luật cũng như các tiêu chuẩn về an ninh mạng đã được chính phủ ban hành”, bà Genie Sugene Gan nói.
Ngoài ra, khu vực tư nhân cũng được khuyến khích tham gia cùng chính phủ. Đây là kết quả của một chương trình dài hạn mà Đảng, Chính phủ và các bên liên quan đã cùng nhau hợp tác và hành động quyết đoán để bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu của quốc gia.
Nghiên cứu từ các hãng bảo mật cho thấy, các tổ chức Chính phủ là một trong những đối tượng bị tấn công. Do đó, bà Genie Sugene Gan nhận định, các quốc gia cần phải xây dựng kỹ năng về an ninh mạng để đối phó với tình trạng tấn công mạng ngày càng lan rộng. Trong bối cảnh các cuộc tấn công an ninh mạng đang có những tác động toàn cầu, các quốc gia cần chia sẻ thông tin, hợp tác cùng nhau ở tầm khu vực trong ứng phó với an ninh mạng.
"Để xây dựng được năng lực về an toàn thông tin, mỗi quốc gia cần thích ứng với các thông lệ đã được xây dựng và kiểm chứng từ các quốc gia tiên tiến. Đồng thời, tạo dựng lòng tin thông qua cơ chế đảm bảo tính minh bạch khi ứng xử với các sự cố an ninh thông tin", bà Genie Sugene Gan nói.
Hội thảo bao gồm 3 phiên hội thảo chuyên đề, 1 tọa đàm về các chủ đề “Bảo đảm ATTT cho chuyển đổi số”, “Bảo đảm ATTT cho các nền tảng công nghệ trong giai đoạn thích ứng với dịch Covid-19” tại Việt Nam”, “Bảo đảm ATTT cho dữ liệu và giao dịch trực tuyến” và “Bảo đảm ATTT cho các nền tảng công nghệ phòng chống và thích ứng với dịch Covid-19”.
Trong khuôn khổ sự kiện, còn diễn ra triển lãm trực tuyến với gần 30 gian hàng giới thiệu các giải pháp công nghệ ATTT tiên tiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Duy Vũ
"Huyền thoại bảo mật" thế giới Mikko Hypponen sẽ đăng đàn tại Ngày ATTT Việt Nam 2021
Là một diễn giả trong phiên chuyên đề đầu tiên của sự kiện Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam 2021, chuyên gia bảo mật Mikko Hypponen, Giám đốc giải pháp của hãng F-Secure, sẽ chia sẻ về phòng chống tấn công mạng toàn cầu.