Theo đó, công ty NENM (New East New Materials) niêm yết tại Thượng Hải cho biết trong hồ sơ chứng khoán, họ đặt mục tiêu mua 51% cổ phần doanh nghiệp công nghệ không dây TD Tech từ Nokia Solutions & Networks - công ty con của tập đoàn Nokia với giá 2,1 tỷ NDT (305,2 triệu USD).

Tuy nhiên, ngày 11/4, NENM cho hay thoả thuận này có thể thất bại nếu Huawei, công ty đang sở hữu 49% TD Tech, không đồng thuận. Cuối tuần trước, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc khẳng định “không có ý định và loại trừ khả năng vận hành TD Tech cùng NENM”.

Nhà sản xuất điện thoại này nói rằng liên doanh với Nokia dựa trên năng lực công nghệ cũng như khả năng bán hàng và dịch vụ toàn cầu của cả hai bên, do đó bất kỳ “người theo đuổi nào” cũng cần có năng lực và chiến lược tương tự để duy trì hợp tác.

Lách đòn cấm vận

Huawei đe doạ sử dụng “quyền phủ quyết đầu tiên”, thanh lý số cổ phần đang nắm giữ trong TD Tech hoặc chấm dứt thoả thuận cấp phép với Nokia cùng các công ty con. Ngoài ra, Huawei có quyền ưu tiên mua lại cổ phần của Nokia trước một nhà thầu bên thứ ba.

Duy trì liên doanh Nokia đang là lựa chọn kinh doanh tốt nhất của Huawei trước các lệnh cấm vận gắt gao của Mỹ

Cổ phiếu của NENM, công ty có lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất mực in, đã giảm 10% vào ngày 11/4. Thương vụ này cũng đang bị Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải điều tra khi 2 công ty ở trong những ngành công nghiệp khác hẳn nhau.

Theo Yang Guang, chuyên gia phân tích cấp cao về lĩnh vực viễn thông tại công ty nghiên cứu Omdia, gần như chắc chắn Huawei sẽ phản đối thoả thuận này, do việc duy trì hiện trạng của liên doanh là lựa chọn kinh doanh tốt nhất của họ trước các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ.

“TD Tech trên danh nghĩa là một liên doanh, nhưng thực tế, nó cơ bản được kiểm soát bởi Huawei”, Yang phân tích. “Ban quản lý là các cựu nhân viên Huawei, với các giải pháp sản phẩm tương tự Huawei nhưng đã được điều chỉnh phù hợp hơn với thị trường”.

Trong khi đó, về mặt kỹ thuật, TD Tech vẫn là một thực thể riêng biệt, giúp gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có thể “lách” một số biện pháp trừng phạt và giải quyết hiệu quả một số phân khúc thị trường cụ thể. Thương vụ nếu xảy ra, có thể dẫn đến việc Huawei mất kiểm soát TD Tech.

TD Tech được thành lập tại Bắc Kinh vào năm 2005, chủ yếu được biết đến với thiết bị liên lạc không dây, bao gồm thiết bị mạng 4G và 5G, đồng thời là nhà cung cấp chính cho các công ty khai thác viễn thông nhà nước Trung Quốc. Công ty này có trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô cùng hơn 2.000 nhân viên.

Vào năm 2021, TD Tech bắt đầu bán các điện thoại Huawei dưới thương hiệu của riêng mình, bao gồm mẫu M40 5G sử dụng chip 7nm từ MediaTek thay cho vi xử lý Kirin của riêng Huawei trên sản phẩm Mate 40 Pro.

Theo các lệnh trừng phạt Washington đang áp đặt, các công ty bị cấm bán chip tiên tiến được sản xuất bằng công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ cho Huawei, trong đó có chip MediaTek do TSMC sản xuất.

Năm ngoái, hoạt động kinh doanh nhà mạng viễn thông chiếm hơn 40% tổng doanh thu 642,3 tỷ NDT của Huawei. Đây là phân khúc quan trọng với nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc, do mảng kinh doanh tiêu dùng gồm smartphone đã chững đà phát triển do các lệnh cấm vận từ Mỹ.

Chật vật tìm nguồn thu mới

Những năm trở lại đây, công ty trụ sở tại Thẩm Quyến đã vật lộn để tìm kiếm nguồn doanh thu mới bằng cách đẩy mạnh sáng kiến trong nhiều ngành công nghiệp như xe điện và dịch vụ đám mây.

Tổng doanh thu từ việc cấp phép bằng sáng chế của Huawei đạt 1,3 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021

Năm ngoái, lợi nhuận ròng công ty này giảm còn 35,6 tỷ NDT, chỉ bằng 30% so với với năm 2021. “Biên lợi nhuận đang ở mức thấp nhất lịch sử do doanh thu giảm, chi phí nghiên cứu và phát triển tăng”, Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu cho biết trong báo cáo thường niên của công ty.

Năm 2022, Huawei chi 1/4 tổng doanh thu cho R&D, tương đương 161,5 tỷ NDT. Các chi phí chính cho hoạt động này bao gồm việc thay thế linh kiện, thiết kế lại bo mạch hay phát triển hệ điều hành.

Theo công bố của Huawei, trong năm 2022, tập đoàn đã ký hơn 20 thoả thuận cấp phép sáng chế mới hoặc thoả thuận mở rộng với các đối tác trên nhiều lĩnh vực từ smartphone, ô tô cho đến viễn thông.

Chỉ tính riêng lĩnh vực xe hơi, Huawei đã có thoả thuận bản quyền với 15 nhà sản xuất trên toàn cầu, gồm Audi, Mercedes-Benz và BMW. Theo công ty này, khoảng 15 triệu ô tô kết nối trên toàn thế giới được hưởng lợi từ các bằng sáng chế của Huawei trong năm 2022, gấp đôi so với 8 triệu chiếc của năm 2021.

Alan Fan, người đứng đầu bộ phận sở hữu trí tuệ Huawei cho hay, số tiền bản quyền sẽ được công ty tái đầu tư cho các kế hoạch nghiên cứu và phát triển (R&D).

Theo báo cáo của Cục Quản lý Sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc, Huawei đứng đầu danh sách các công ty tư nhân được cấp bằng sáng chế nhiều nhất 2021, tiếp đến là Tencent Holdings và nhà sản xuất smartphone Oppo.

Theo SCMP