Văn chương không thể đánh đổi bằng vật chất

Hội nghị người viết trẻ TPHCM lần thứ 5 đã khai mạc tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM. Ngoài 100 đại biểu góp mặt, sự kiện còn quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng, có sức ảnh hưởng với văn đàn thành phố và cả nước. 

W-10 SV.jpg
Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết chủ đề Khát vọng phương Nam của năm nay thể hiện nỗi khao khát những tác phẩm văn học phản ánh được hơi thở của thời đại. 

Bà kỳ vọng một lớp nhà văn trẻ, sung sức, có kiến thức và kỹ năng để nắm bắt được những dòng chảy trên bề mặt hay tầng sâu của cuộc sống và đưa vào trang viết. 

"Đời sống và công chúng đang cần, rất cần tác phẩm văn học phản ánh được hiện thực cả bề rộng lẫn chiều sâu. Tác phẩm có thể bao quát được những gì đang diễn ra ở TPHCM, một đô thị năng động, hào hiệp và bao dung, một thành phố luôn đi đầu của cả nước, luôn hành động vì cả nước", bà Ngân nói.

W-09 SV.jpg
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từ Hà Nội vào TPHCM tham dự hội nghị. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có chia sẻ tâm tư, tình cảm gửi đến thế hệ nhà văn kế thừa. Theo ông, con đường văn chương thuộc về những người trẻ. Một nền văn học Việt Nam kiêu hãnh, đầy sáng tạo, kỳ diệu hay không là do người viết trẻ hôm nay quyết định.

Là khách mời rất được quan tâm tại sự kiện, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói khi hiện diện ở hội trường, ông như nhìn thấy chính mình nhiều năm về trước. Việc tham dự ngày hội như một điều gì háo hức, được hít thở trong bầu không khí văn chương ấm áp. 

Ông bày tỏ sự ngạc nhiên vì không nghĩ nghề văn lại được rất nhiều bạn trẻ yêu thích, họ bị mê hoặc bởi chữ nghĩa, nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ. 

Với Nguyễn Nhật Ánh, viết văn là nghề bất trắc nhất trong các nghề. Thời trẻ, ông vào nghề chỉ vì đam mê, song bản thân không biết rằng đặt chân vào thành bại được mất thế nào. 

W-batch_963831eb3fd68688dfc7.jpg
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ tâm tư, kinh nghiệm với thế hệ nhà văn trẻ. 

Năm 18 tuổi, ông đọc một quyển sách nước ngoài có tựa Việt Văn chương là gì?, trong đó có 3 câu hỏi quan trọng: Tại sao viết? Viết cái gì? Viết cho ai? Nhà văn đã dựa vào đây để tự hỏi mình. 

“Tôi đặt ngược vấn đề để tìm câu trả lời. Không viết được không? Sống mà không viết có thích không? Không viết thì cuộc sống có đáng sống hay không? Qua đó để thấy rằng tất cả các cây bút trẻ ngồi đây đều vì đam mê. Chữ nghĩa có sự mê hoặc của nó với người thích sáng tạo”, ông bộc bạch. 

Nguyễn Nhật Ánh tin rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đều như ông: Say mê văn chương một cách vô điều kiện, không thể đánh đổi bằng vật chất hay bất kể điều gì khác. 

Ông so sánh văn chương giống như tình yêu, không biết đối phương có yêu mình không, nhưng cứ theo đuổi và tận hưởng. 

“Văn chương cũng vậy thôi, ta không biết thành bại được mất ra sao cả. Tôi nghĩ cái hạnh phúc của người viết là khám phá, sáng tạo, làm điều bản thân thích”, ông bày tỏ. 

Mỗi nhà văn nên giữ một trái tim thanh xuân

Đồng quan điểm, đạo diễn - nhà văn 95 tuổi Xuân Phượng nói niềm vui của bà là được sáng tác, có được người đồng điệu văn chương. Bà từng nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho cuốn hồi ký Gánh gánh... gồng gồng..., hiện vẫn say mê sáng tác ở tuổi "xưa nay hiếm". 

W-batch_cfa1ab73a54e1c10455f.jpg
Nhà văn Xuân Phượng nói, mỗi người nên giữ trái tim thanh xuân. 

Với nữ nhà văn, tuổi tác không là vấn đề, miễn sao người ta giữ được thanh xuân của trái tim. Mỗi cá nhân nên sống tích cực, truyền được nguồn năng lượng ra xung quanh. Đó cũng là phương thức để chống lại sự cô đơn. 

“Khi giữ một trái tim thanh xuân, tôi tin rằng không có gì hạn chế chúng ta trong vấn đề sáng tác văn học hay tiếp xúc với cuộc đời này”, bà nói. 

Nhà văn Xuân Phượng nhắn nhủ đến các bạn trẻ bên cạnh chuyên môn thơ văn, nên trau dồi ngoại ngữ. 

“Đừng để trí thức của mình bị ảnh hưởng bởi lũy tre làng. Ta phải vượt tầm khỏi Việt Nam, tiếp thu tinh hoa của các nước khác. Khi có thêm ngoại ngữ, các bạn sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn rất nhiều”, bà nêu ý kiến. 

Hội nghị lần này quy tụ 100 tác giả, là những người có tác phẩm được công chúng đón nhận, đoạt giải thưởng ở các cuộc thi văn chương. 

Hai gương mặt trẻ nhất là Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) đã đoạt Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022 và Trần Phú Minh Anh (sinh năm 2007) đoạt giải A của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2023.

W-10 sv.jpg
Các nhà văn được tuyên dương trong hội nghị. 

Các đại biểu trao đổi câu chuyện nghề nghiệp và kiến nghị giải pháp thúc đẩy công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực văn chương.

Qua các bài tham luận của Cao Việt Quỳnh (Trí tưởng tượng là thuộc tính tự nhiên của con người), Huỳnh Trọng Khang (Truyện ngắn Ôm đóa cúc trắng), Lê Quang Trạng (Một ví dụ về văn học trẻ), Nguyễn Thị Kim Hòa (Hành trình không có đích đến), Võ Chí Nhất (Tác giả trẻ trong lực lượng vũ trang nhân dân)… cơ quan quản lý mong muốn đề cao tinh thần cởi mở, sáng tạo và phát triển.

Tiêu chí của Hội Nhà văn TPHCM là ở thời đại 4.0 không có vách ngăn, tất cả đều phải rộng mở và hội nhập theo xu thế chung của thế giới. 

Ảnh: HK