Suốt vài tháng trở lại đây, chúng ta nghe thấy vô số tin đồn lặp đi lặp lại rằng, Apple sẽ loại bỏ giắc cắm tai nghe trên điện thoại iPhone thế hệ mới, kể cả mẫu iPhone 7 sắp trình làng. Một số người tỏ ra thất vọng với quyết định cải biến này của Táo khuyết và thậm chí coi nó là bi kịch.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ, việc loại bỏ giắc cắm tai nghe trên iPhone có thể hữu ích hơn chúng ta nghĩ. Người dùng sẽ dần quen và sớm quên các mẫu smartphone đình đám của Táo khuyết từng được trang bị giắc cắm tai nghe riêng vì 3 lí do sau đây:
Theo nhiều nguồn tin, mẫu iPhone 7 sắp ra mắt sẽ không còn giắc cắm tai nghe. Ảnh: CCTV |
Tai nghe Bluetooth đã được cải thiện chất lượng và ngày càng có giá thành phải chăng
Trong 2 năm vừa qua, cả các hãng sản xuất và người dùng đều dành nhiều sự quan tâm chú ý đến các sản phẩm không dây. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu NPD, trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ các loại tai nghe Bluetooth (tính theo USD) lần đầu tiên đã vượt doanh thu từ những mẫu tai nghe có dây, chiếm tới 54% tổng doanh thu của mọi sản phẩm loại này. Giá của các loại tai nghe Bluetooth cũng đã giảm 5%, theo thống kê của NPD.
Mặc dù xét về chất lượng âm thanh, tai nghe Bluetooth hiện mới chỉ gần bằng tai nghe có dây, nhưng nhờ những tập trung cải tiến không ngừng nghỉ thời gian gần đây, loại sản phẩm này ngày càng dễ sử dụng, đáng tin cậy (truyền âm đầy đủ, mượt mà hơn) và được ưa chuộng hơn.
Cổng Lightning trở thành cổng tai nghe
Một phàn nàn chính về tai nghe Bluetooth là chúng chạy bằng pin và yêu cầu phải được sạc. Khi pin hết, âm thanh cũng tắt ngóm theo. Để giải quyết vấn đề này, nhiều nhà sản xuất tai nghe đã bổ sung tính năng sạc nhanh cho sản phẩm của họ, giúp tai nghe chỉ cần sạc 10 phút đã có thể dùng được trong 1 tiếng đồng hồ.
Song, nếu bạn là người ghét cay ghét đắng tai nghe Bluetooth, bạn có thể sử dụng cổng Lightning cho tai nghe có dây thông thường. Tất nhiên, điều đó đòi hỏi bạn phải dùng thêm một đoạn cáp Lightning 3,5mm nối với tai nghe có dây. iPhone thế hệ mới sẽ không phải là smartphone đầu tiên vận dụng điều này, vì cả 2 mẫu điện thoại Moto Z và Moto Z Force đều không có giắc cắm tai nghe và được phát hành kèm một cáp nối tai nghe cổng USB-C, thay vì đầu cắm Lightning như iPhone.
Câu hỏi quan trọng ở đây là, liệu Apple có trang bị cáp nối tai nghe Lightning, một cặp tai nghe không dây (theo các tin đồn, chúng sẽ được gọi là AirPod) hay một cặp tai nghe có đầu cắm Lightning, có thể bổ sung tính năng lọc ồn trong bộ sản phẩm iPhone 7 (và iPhone 7 Plus) sắp ra mắt hay không? Một điều chắc chắn là, người dùng sẽ nổi giận nếu Apple tính thêm 20 - 30 USD cho phí mua khóa cứng Lightning (thiết bị phần cứng được sử dụng để bảo vệ bản quyền đối với các tài liệu điện tử, cung cấp việc giải mã tín hiệu) phục vụ bộ tai nghe không dây chính hãng. Khóa cứng tiêu chuẩn cũng đồng nghĩa, người dùng không thể vừa sạc điện thoại vừa nghe bằng tai nghe Bluetooth.
Tuy nhiên, người dùng có thể yên tâm vì sẽ có nhiều công ty khác cung cấp các giải pháp rẻ tiền hơn, mặc dù một vài trong số chúng sẽ không được chứng thực. Apple hiện thu phí bản quyền đối với bất kỳ thiết bị gì cắm vào cổng Lightning và quản lý chúng bằng chứng chỉ MiFi (Chế tạo cho iPhone/iPod/iPad).
Mẫu Macbook mới nhất của Apple (trên cùng) được trang bị ít cổng nhất. Ảnh: CNET |
Người dùng thích nghi tốt với việc loại bỏ phần cứng trên các sản phẩm Apple
Một số người từng kêu gào phản đối khi Apple loại bỏ ổ đĩa mềm và ổ DVD khỏi các mẫu máy tính của hãng. Số khác cũng tỏ ra thất vọng khi Táo khuyết lần lượt ngừng sử dụng cổng kết nối Firewire hay chỉ trang bị cho Macbook 12 inch một cổng kết nối USB-C hoặc thay cáp 30 pin phổ biến khi đó bằng cáp Lightning mới toanh, độc nhất vô nhị.
Tuy nhiên, người dùng đều thích nghi được với tất cả các cải biến mang tính đột phá nói trên ở các sản phẩm của Apple. Do đó, theo logic, họ sẽ dần làm quen và chấp nhận sự thiếu vắng giắc cắm tai nghe truyền thống trên các mẫu iPhone thế hệ mới. Và nếu không, họ vẫn có thể mua một chiếc smartphone Android với giắc cắm tai nghe quen thuộc.
Tuấn Anh (Theo CNET)