Mọi người dân phải được tiếp cận thông tin bầu cử, hạn chế đến mức thấp nhất những tắc nghẽn thông tin làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. 

Các đơn vị chức năng trong ngành thông tin và truyền thông quản lý lĩnh vực báo chí, viễn thông, tần số, bưu chính, công nghệ thông tin, thông tin cơ sở sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ nhân lực, vật lực để bảo đảm thông tin thông suốt, mọi người dân phải được tiếp cận thông tin bầu cử, hạn chế đến mức thấp nhất những tắc nghẽn thông tin làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng TT&TT về công tác tuyên truyền bầu cử ĐBQH khóa 14 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

- Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp diễn ra. Xin Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này, công tác tuyên truyền đang được Bộ tiến hành như thế nào?

Cùng với thành công đại hội Đảng các cấp, tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

{keywords}

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son 

Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, công tác thông tin, tuyên truyền phải nhằm động viên mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác tham gia bầu cử để lựa chọn và bầu ra những người hội đủ các yêu cầu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, uy tín, đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp; tạo không khí tin tưởng, nêu cao ý thức trách nhiệm công dân, thái độ tích cực của cử tri trong việc tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Bộ TT&TT được Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia phân công là ủy viên phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và có ý nghĩa.

Do vậy, ngay từ khi được giao nhiệm vụ, Bộ đã chủ động, tích cực triển khai các mặt công tác như: xây dựng kế hoạch hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền ở Trung ương và địa phương, với các phương thức tuyên truyền đa dạng như: trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua bản tin, tờ rơi, tranh cổ động, khẩu hiệu, panô, áp phích; các đội thông tin lưu động, các trạm truyền thanh ở các điểm bầu cử để tuyên truyền về các hoạt động của bầu cử; tổ chức triển lãm, trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; và các cuộc triển lãm khác tùy đặc điểm tình hình của địa phương; tổ chức thi tìm hiểu về các cuộc bầu cử; tổ chức họp báo ở địa phương trước khi bầu cử và công bố kết quả cuộc bầu cử…

Có thể nói, các cơ quan báo chí đã vào cuộc rất tích cực, cập nhật thường xuyên thông tin, mở chuyên trang, chuyên mục, chương trình riêng về bầu cử.

Bộ sẽ mở các lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tham gia đưa tin về cuộc bầu cử. Các địa phương cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xác định nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai.

- Điểm mới của công tác tuyên truyền vận động bầu cử ĐBQH khóa 14 là gì, thưa Bộ trưởng?

Cũng giống như bầu cử các khóa trước đây, công tác thông tin, tuyên truyền luôn được quan tâm, coi trọng.

Thông qua các phương thức tuyên truyền, vận động khác nhau, mục đích là làm cho nhân dân thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; ủng hộ nhiệt tình, tích cực tham gia cuộc bầu cử, làm cho ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, thông tin đến với người dân nhanh hơn, nhiều kênh để người dân tiếp cận hơn. 

Do vậy, phương thức tuyên truyền phải linh hoạt hơn, đa dạng hơn, nhạy bén hơn. Đơn cử, có thể nắm bắt dư luận qua truyền thông xã hội, cũng có thể sử dụng kênh này, coi đó là một trong những kênh thông tin tới người dân. Chúng tôi cũng đang tính đến phương án thông qua các doanh nghiệp viễn thông di động để thông tin nhanh nhất đến người dân, ví dụ như nhắc thời gian đi bầu cử v.v…

- Bộ TT&TT có vai trò như thế nào để thông tin về bầu cử đến được với đồng bào vùng sâu, vùng xa?

Để mọi người dân nơi biên giới, hải đảo, các vùng có nhiều khó khăn, các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và vùng có đông đồng bào theo các tôn giáo biết và thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều cơ quan chức năng có liên quan, nhất là chính quyền các cấp ở địa phương.

Bộ TT&TT xác định trách nhiệm quan trọng của Bộ trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, dồn các nguồn lực cần thiết tập trung cho nhiệm vụ này.

Các đơn vị chức năng trong ngành thông tin và truyền thông quản lý lĩnh vực báo chí, viễn thông, tần số, bưu chính, công nghệ thông tin, thông tin cơ sở sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ nhân lực, vật lực để bảo đảm thông tin thông suốt, mọi người dân phải được tiếp cận thông tin bầu cử, hạn chế đến mức thấp nhất những tắc nghẽn thông tin làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

- Để ngày bầu cử thực sự là ngày hội lớn của toàn dân, thì trách nhiệm của truyền thông có vai trò như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Tôi cho rằng, kết quả cuộc bầu cử lần này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, truyền thông chỉ là một mảng công tác, nhưng có ý nghĩa quan trọng.

Chúng tôi sẽ cố gắng với mọi khả năng, nguồn lực, với ý thức cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ mà Hội đồng bầu cử Quốc gia phân công. Tôi cho rằng, sự nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ của các lực lượng, các ngành, các cấp, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Hội đồng bầu cử Quốc gia mới là yếu tố rất quan trọng để cuộc bầu cử có được kết quả tốt, để bầu cử thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

Theo Đại biểu nhân dân