Dám nghĩ dám làm
Đứng cạnh những cây cam sai Hàm Yên trĩu quả, ông Vương Ngọc Dũng, thôn Thọ Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên, Tuyên Quang ) khoe: “ Nhờ chuyển đổi mô hình trồng cây tổng hợp mà mỗi năm tôi thu về hơn 400 triệu đồng. Đây là số tiền mà chưa bao giờ tôi giám mơ tới, bởi trước kia gia đình tôi nghèo, toàn bị thiếu ăn”.
Ông kể, trước kia gia đình khó khăn, ông đã làm nhiều nghề nhưng cuộc sống không khá hơn. Từ thời bố mẹ cho đến đời ông đều gắn liền với mấy sào ruộng, nương rấy. Mỗi khi mưa thuận gió hòa thì may ra đủ ăn, còn không thì thiếu đói triền miên.
“Có những năm mất mùa, tiền thì không có, lại thiếu đói liên tục, vợ chồng, các con nhìn nhau rồi thở dài, chẳng biết phải làm gì để cho cuộc sống bớt khổ”.
Năm 2009, cán bộ khuyến nông huyện vận động bà con chuyển đổi mô hình trồng cây tổng hợp. Khi ấy, ông cũng đắn đo nhưng rồi quyết định đánh liều một phen. Bao năm trồng mãi một cây mà gia đình ông đâu có đủ cái ăn, trồng các cây tổng hợp theo mùa biết đâu lại thoát nghèo.
Từ đó, ông Dũng dành nhiều thời gian đi thăm, học hỏi kinh nghiệm trồng cây có múi ở các tỉnh Nghệ An, Hưng Yên, Hòa Bình.
![]() |
Ông Vương Ngọc Dũng, thôn Thọ Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên, Tuyên Quang ) khoe vườn cây trái của mình. |
Sau nửa năm, ông quyết định trồng bưởi và trồng cam. Với tổng diện tích trên 5.000 m2, ông đã đầu tư trồng hơn 500 cây cam Vinh, 200 cây bưởi Diễn.
“Lứa quả đầu tiên không nhiều, nhưng tôi nhớ hồi đó cũng thu được 20-30 triệu gì đó”. Ông chia sẻ, số tiền này với nhiều người chẳng ăn nhằm gì, song sống trong cảnh đói nghèo bao năm qua, thu được số tiền này cũng đã rất lớn rồi. Cũng nhờ số đó mà cuộc sống gia đình ông bớt phần khó khăn, vất vả..
Để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, năm 2015 ông Dũng chăm sóc cây theo hướng hữu cơ.
Ông mua hàng chục tấn phân gia súc của các hộ dân lân cận, trộn lẫn với phân gia cầm của gia đình và vôi bột với tỷ lệ hợp lý cho từng loại cây và từng khu vực. Sau khi trộn đều ông cho đóng thành từng bao nhỏ, xếp gọn quây kín không để nước mưa ngấm vào, ủ trên một năm mới đem bón cho cây.
Bên cạnh đó ông kết hợp với việc bón các loại phân hữu cơ khác mua từ các hãng sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng. Sản phẩm thu hoạch đến đâu được thương lái ở Hà Nội, Hải Phòng đến tận vườn đặt mua.
“Khi ấy giàu thì chưa có giàu đâu, nhưng năm 2019, tôi thu được 200 triệu đồng từ cam, hơn 200 triệu đồng từ bưởi giúp gia đình tôi thoát cảnh đói nghèo rồi”, ông hồ hởi khoe.
Suốt mấy năm làm vườn, ông Dũng, nhận ra giá trị của đất nên ông luôn tìm cách nâng cao hiệu suất sử dụng đất hơn nữa.
Ngoài những diện tích trồng cam và bưởi, ông thêm 100 cây ổi, 30 cây táo đại. Ngoài việc phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây ăn quả, gia đình ông Dũng còn kết hợp nuôi hàng trăm đôi chim bồ câu để bán.
Ông chia sẻ, ban đầu cứ nghĩ nuôi bồ câu đơn giản. Nhà có sẵn lúa, ngô thì lo gì chim bồ câu không lớn. Nhưng đến khi bắt tay vào làm thì khó nhọc trăm bề. Từ lo thức ăn cho đến giữ môi trường thuận lợi cho chúng phát triển. Chưa tính đến việc khi thời tiết thất thường, dịch bệnh, rồi cả việc chúng bỏ đi. Lúc ấy ông cũng mất ăn mất ngủ bao phen, nhưng rồi nhờ trao đổi kinh nghiệm với các chủ mô hình nuôi chim bồ câu khác mà ông có thêm động lực để làm giàu…, nhờ vậy sau hơn 1 năm chăm sóc, những con chim bồ câu nhỏ đã lớn, chúng có thể sinh sản và tái đàn cho thu nhập cao.
![]() |
Ngoài việc phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây ăn quả, ông Dũng còn kết hợp nuôi hàng trăm đôi chim bồ câu. |
Giờ đây gia đình ông Dũng thu về hàng trăm triệu động mỗi năm và không còn là hộ dân đói nghèo của vùng đất Hàm Yên này nữa, song ông Dũng vẫn khiêm tốn chỉ nhận mình ở mức đủ ăn, tiền dư ra thì để mở rộng sản xuất.
Nhiều hộ gia đình ở thôn Thọ Bình 2 đã đến học tập kinh nghiệm từ mô hình của ông Dũng, vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn.
Ngọc Dũng
Ảnh: Phạm Thiện