Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng lên khi có nhiều nước đang phát triển gia nhập đội ngũ các quốc gia xuất khẩu, đặc biệt là với những ngành sử dụng nhiều lao động. Hàng hoá Việt Nam buộc phải chấp nhận, thay đổi để cạnh tranh.
lời toà soạn
Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Nhưng trụ cột này đang đối mặt khó khăn do nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ sụt giảm đơn hàng. Làn sóng lao động phải nghỉ việc đang tiếp diễn, ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội.
VietNamNet triển khai tuyến bài ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên gia nhằm đưa ra nhận diện rõ hơn những nút thắt doanh nghiệp đang gặp phải, để từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương - nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương) trao đổi với PV. VietNamNet xung quanh câu chuyện khó khăn trong xuất khẩu, thậm chí phải “ăn đong” từng container hàng hóa.
- Quý I năm nay, xuất khẩu nhiều ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản,... đều sụt giảm chóng mặt. Thiếu đơn hàng, thậm chí “ăn đong” từng container là câu chuyện như cơm bữa. Ông có cảm thấy bất ngờ về kết quả trên không?
Ông Lê Quốc Phương: Thực sự thì tôi không bất ngờ vì trình trạng thiếu đơn hàng và xuất khẩu sụt giảm mạnh trong quý I vừa qua. Ngay từ giữa năm 2022, kinh tế thế giới đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn khá trầm trọng.
Thực tế cho thấy, chỉ riêng với thị trường hàng đầu của Việt Nam là Mỹ, xuất khẩu của Việt Nam trong quý IV/2022 bắt đầu sụt giảm. Đáng chú ý, quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh nhất trong các thị trường, theo số liệu của Tổng cục Thống kê giảm tới 21,6% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói, trong quan hệ lịch sử thương mại với Mỹ, chưa khi nào xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ lại giảm mạnh thế.
Đương nhiên cũng phải nói thêm rằng, dù không bất ngờ về bức tranh sụt giảm đơn hàng, sụt giảm xuất khẩu nói chung nhưng tôi cũng có một chút bất ngờ về mức độ sụt giảm rất sâu, với tổng kim ngạch xuất khẩu quý I sụt giảm tới 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
- Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, chắc hẳn tình trạng khan hiếm đơn hàng, sụt giảm xuất khẩu sẽ có những tác động rất lớn, khó đong đếm được đối với sự phát triển của cả nền kinh tế?
Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới năm 1986, xuất khẩu luôn được xem là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Từ năm 1987 đến năm 2022, sau 35 năm đổi mới, duy nhất chỉ một năm xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm là 2009 với mức sụt giảm 9,7%, do tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2008-2009. Một số năm như 1998, 2001, xuất khẩu tăng trưởng thấp (tăng trưởng 1-3%) do ảnh hưởng trễ của khủng khoảng kinh tế châu Á những năm 1997-1998.
Các năm còn lại, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trung bình 22-23%/năm, thuộc nhóm tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới, tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế.
Tuy nhiên năm nay, xuất khẩu quý I giảm gần 12% là một trong những nhân tố khiến tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt trên 3% - mức rất thấp trong cả giai đoạn 2011-2023; chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của quý I/2020 (3,21%) - năm đại dịch Covid-19 bùng phát.
Đáng lo ngại nữa là, không chỉ xuất khẩu mà nhập khẩu cũng giảm, tới 14,7% trong quý I. Điều này ảnh hưởng rất lớn bởi 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập nguyên phụ liệu đầu vào và máy móc thiết bị cho sản xuất, kinh doanh.
Thực tế, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nền kinh tế khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... cũng lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng. Nói như vậy để thấy rằng, khó khăn nói chung của kinh tế thế giới không chỉ ảnh hưởng tới chúng ta mà còn tác động đến nhiều nền kinh tế khác. Các nước đều bị ảnh hưởng nặng nề và phải chấp nhận, vấn đề là sẽ chống chịu như thế nào mà thôi.
- Ngoài yếu tố thị trường thế giới, hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt hơn với hàng hóa của các đối thủ. Ông có thể chia sẻ rõ hơn cách nhìn nhận của mình về áp lực cạnh tranh này?
Phải thừa nhận khi Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, hàng Việt Nam đi khắp thế giới, cạnh tranh là không tránh khỏi. Ta phải chấp nhận cạnh tranh ngay tại “sân nhà”, cũng như cạnh tranh trên khắp thế giới, bởi rất nhiều sản phẩm chúng ta làm được thì nước khác cũng làm được.
Điển hình như dệt may Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, sang EU nhưng cũng phải chịu sự cạnh tranh của rất nhiều nước. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, ngoài ra có thể kể đến Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan,... Ngay trong khu vực ASEAN, dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt sự cạnh tranh mạnh mẽ với hàng của Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan...
Tương tự, mặt hàng thủy sản gặp cạnh tranh với Trung Quốc. Ấn Độ cũng là đối thủ rất lớn với thủy sản Việt Nam, rồi tới Indonesia, Bangladesh, Ecuador,... Giày dép Việt Nam thì đối thủ lớn là Trung Quốc và nhiều nước châu Âu như Hà Lan, Ý, Bỉ, Đức...
Hàng hóa của ta đi khắp thế giới thì phải chấp nhận cạnh tranh, nhưng điều đáng nói là áp lực cạnh tranh ngày càng tăng lên. Ngày càng có nhiều nước đang phát triển gia nhập đội ngũ các quốc gia xuất khẩu, đặc biệt là với những ngành sử dụng nhiều lao động.
Cạnh tranh là đương nhiên, chúng ta phải chấp nhận, nhưng câu chuyện là làm sao để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đó bằng chất lượng, bằng giá cả hàng hóa.
- Trong khi chờ đợi sự phục hồi trở lại của nền kinh tế thế giới, theo ông, đâu là giải pháp khả thi tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là việc tháo nút thắt “ăn đong” đơn hàng?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vô cùng ảm đạm, để thúc đẩy lại hoạt động xuất, nhập khẩu, ta phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.
Đầu tiên là cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam đang có 16 FTA có hiệu lực, đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng FTA cũng như phạm vi bao phủ; trong đó có nhiều FTA lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); FTA Việt Nam - EU (EVFTA)...
Tuy nhiên, sự thực thời gian qua, cơ hội to lớn mà các FTA đem lại chưa được doanh nghiệp khai thác triệt để. FTA chỉ là điều kiện cần, vấn đề mấu chốt là phải nỗ lực vươn lên để hàng Việt có chất lượng tốt hơn, giá thành hạ hơn, khả năng đáp ứng đơn hàng nhanh hơn, chế độ phục vụ hậu mãi tốt hơn.
Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường và một số sản phẩm chính. Ta phải đa dạng hóa, mở rộng ra các thị trường không quá lớn nhưng chưa buôn bán, giao thương nhiều như Tây Nam Á, Nam Mỹ, Bắc Âu, Đông Âu,... Đây đều là các thị trường còn rất nhiều tiềm năng.
Điểm cuối cùng nhưng có lẽ không kém phần quan trọng là chúng ta phải triển khai mạnh giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa. Nhiều nước lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều phải thực hiện chính sách thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Thẳng thắn mà nói thị trường trong nước không thể sánh được về quy mô, sức mua với thị trường thế giới, nhưng Việt Nam có tới 100 triệu dân, sức mua cao hơn xưa khá nhiều. Trong khi đó, Việt Nam đang phải nhập rất nhiều mặt hàng. Có thể nói, thị trường nội địa tiềm năng không lớn nhưng cũng không nhỏ để các doanh nghiệp có thể làm một phần chỗ dựa, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
- Khó khăn đã rõ, vậy ông có nhìn thấy le lói khía cạnh nào mang tính tích cực trong thời gian tới không?
Trên thế giới, từ quý II/2023, lạm phát tại nhiều nơi, điển hình như Mỹ, có dấu hiệu giảm nhiều vì giá năng lượng và giá lương thực hạ xuống. Ở châu Âu, chính sách thắt chặt tiền tệ dần dần được giảm bớt.
Đáng chú ý, nguy cơ suy thoái của nhiều nền kinh tế bắt đầu giảm. Những điều này chưa thật ổn định, nhưng cũng hy vọng nhiều nền kinh tế sẽ vượt qua được suy thoái.
Điểm sáng thứ hai là từ đầu năm nay, Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero Covid, mở cửa trở lại, có thể nói là “mở toang” ra chứ không còn đóng kín hay mở nhỏ giọt như hồi năm 2021, 2022. Như vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có triển vọng tốt hơn.
Trung Quốc là đối tác thương mại nông sản lớn nhất của Việt Nam. Gần đây, họ đã cho phép nhập khẩu chính ngạch một số nông sản của Việt Nam sau rất nhiều đàm phán. Đây là tin rất tốt. Nếu sản xuất của Việt Nam thay đổi, đáp ứng được yêu cầu để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ta có thể xuất khẩu rất nhiều bởi Trung Quốc là thị trường lớn, khoảng cách địa lý gần.
Đừng để những lãng phí, thất thoát về cơ hội kinh doanh, về thời gian đình trệ do các thủ tục hành chính, thanh kiểm tra... làm các doanh nghiệp yếu đi.
Khó khăn lúc nào cũng có, bởi không có khó khăn này thì sẽ có khó khăn khác. Doanh nghiệp phải chủ động, phải hiểu rõ thị trường thì mới có đơn hàng xuất khẩu, còn cứ ngồi im sẽ “chết”.
Doanh nghiệp "đói" đơn hàng, người lao động cắt giảm chi tiêu tối đa, gặp khó khăn về tài chính nhưng một số cơ quan lại đưa ra thống kê, báo cáo "chẳng ăn nhập", lạc hướng.