Thảo luận về dự thảo luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sáng nay, đề cập đến nghĩa vụ của công dân ra nước ngoài, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) nhấn mạnh phải dứt khoát, nói rõ trong luật là tuân thủ luật pháp nước sở tại, quy định của nhà nước Việt Nam, giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hoá của Việt Nam.
ĐB Nguyễn Quốc Hưng |
ĐB TP Hà Nội cũng đưa ra đề xuất mong muốn QH và cơ quan soạn thảo xem xét.
Ông cho hay, có một số nước áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất nhập cảnh của công dân, có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh thì họ áp dụng thuế, phí này.
Ông dẫn ví dụ, năm ngoái QH Nhật Bản đã ban hành đạo luật thuế xuất cảnh có hiệu lực từ 7/1/2019. Theo đó, mỗi công dân Nhật Bản ra nước ngoài thì phải đóng 1 loại phí (gọi là phí chia tay), mỗi phí này là 1.000 yên/người (khoảng 9,3 USD).
“Phí này để sử dụng, thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản, cũng như chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm sẽ thu khoảng 400 triệu USD để hoàn thiện việc xuất nhập cảnh của công dân được tốt hơn...”, ông Hưng thông tin.
Theo ông, nên chăng chúng ta cũng giống một số nước, khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp 1 khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD/người khi xuất cảnh.
Số tiền này sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn.
Một phần để cho xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như các việc khác để đảm bảo cho việc công dân xuất cảnh được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn, các chiến sĩ khi công dân xuất cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn đối với công dân.
Ngoài ra, dành một phần cho quỹ xúc tiến phát triển du lịch để đẩy mạnh du lịch nước nhà.
Cấp hộ chiếu, tránh để như vụ Vũ 'nhôm'
Về việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, dự thảo luật quy định phương án 1 là quy định cụ thể đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, cơ quan có thẩm quyền quyết định cử, cho phép. Phương án 2 mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh |
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, phương án 1 quy định quá cụ thể và trùng lặp đối với một cá nhân đang cùng lúc đảm nhận nhiều chức danh của Đảng, Nhà nước, chính quyền và đoàn thể, tạo nên sự phức tạp, rắc rối.
Phương án 2 thì chưa cụ thể. Quyền tự do đi lại của công dân cần được quy định trong văn bản luật chứ không nên để Chính phủ quy định trong văn bản dưới luật.
“Trường hợp vừa qua Vũ ‘nhôm’ có vài ba hộ chiếu công vụ và ngoại giao cùng một thời điểm, phải chăng việc quy định trùng lặp kiểu như phương án 1.
Tôi đề nghị Chính phủ quy định gia công phương án 1 cho tốt hơn, rõ ràng, minh bạch, tránh chồng chéo, phát sinh lạm quyền”, ĐB Khánh nhấn mạnh.
Bà cũng đề nghị Bộ Công an sớm xem xét kết luận cơ sở dữ liệu của Hà Nội phối hợp với Nhật Cường thời gian qua thực hiện dịch vụ công trực tuyến có thực hiện liên thông được không.
Việc này nhằm tránh công sức của người dân và Nhà nước đã bỏ ra vừa qua, phải khai thác làm sao tránh lãng phí không riêng với Hà Nội mà với địa phương khác.
Cũng liên quan đến việc cấp hộ chiếu, ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho hay, theo quy định thì lãnh đạo của tổ chức chính trị xã hội như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam... không được cấp hộ chiếu ngoại giao và công vụ mà là cấp phổ thông.
Trong khi đó, các phu quân, phu nhân, con dưới 18 tuổi của các nhân viên ngoại giao lại được cấp hộ chiếu ngoại giao.
ĐB Khải đề nghị trong luật này nên có quy định và cũng là sự cần thiết, đó là chủ tịch các tổ chức chính trị xã hội do Ban Bí thư quản lý thì được cấp hộ chiếu ngoại giao chứ không phải phổ thông như bây giờ.
Chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn: Sơ hở lớn làm mất nhiều tiền của
Vụ Nhật Cường Mobile rất nghiêm trọng nhưng khi chưa khởi tố vụ án, chưa bị tạm giữ và cũng chưa có đơn tố giác thì không thể cấm xuất cảnh nên họ vẫn trốn được.
Hương Quỳnh