- Rửa bát xong tay tôi thô ráp, có lần nứt nẻ, da bong tróc, chảy máu rất đau đớn. Tôi bị bệnh gì vậy? Có cách nào phòng tránh và điều trị không?

Khi rửa bát tôi thường không đeo găng tay vì cảm giác vướng víu. Rửa bát xong tay tôi thô ráp, có lần bị nứt nẻ, da bong tróc, chảy máu rất đau đớn. Hiện tượng này còn xảy ra mỗi lần tôi đụng tay vào nước lau nhà hay bột giặt. Tôi bị bệnh gì vậy? Có cách nào phòng tránh và điều trị không?

Nguyễn Thu Hằng (32 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM)

{keywords}
Chàm tiếp xúc sau khi rửa bát, bệnh của bà nội trợ. (Ảnh minh họa)

ThS.BS Lê Thái Vân Thanh, Giảng viên Bộ môn Da liễu, Đại học Y dược TP.HCM

Chào chị, không chỉ riêng chị, rất nhiều bà nội trợ khác cũng bị giống thế. Theo những gì chị miêu tả, khả năng chị bị viêm da dị ứng tiếp xúc hay còn gọi là á sừng, chàm tiếp xúc.

Đây là bệnh có yếu tố cơ địa, đó là lý do tại sao có người cũng rửa bát, giặt đồ mà không bị hiện tượng gì bất thường.

Biểu hiện của bệnh chàm tiếp xúc rất dễ nhận thấy, sau khi đụng vào hóa chất tẩy rửa da bàn tay sẽ khô, đỏ lên (đặc biệt là các đầu ngón tay). Nặng hơn nữa lòng bàn tay trở nên dày sừng, tróc vảy. Đôi khi lớp vảy không tróc ra mà dính chồng lên nhau…

Việc đầu tiên chị cần cách ly bàn tay khỏi hóa chất là yếu tố gây bệnh. Chị có thể dùng các loại kem dưỡng da tay để làm mềm, dịu bớt tình trạng thô ráp, nứt nẻ, nên bổ sung nhiều rau củ chứa vitamin E và C.

Bệnh khó điều trị dứt điểm, dễ tái phát, do đó quan trọng nhất các chị em cần biết tự phòng tránh, chăm sóc và bảo vệ mình.

Thanh Huyền