- Nghệ sĩ chèo Thúy Ngần chia sẻ: “Mỗi lần lên sân khấu, diễn viên đóng vai chính được bồi dưỡng theo quy định của Nhà nước là 100 nghìn đồng. NSƯT như tôi thì được thêm 30 nghìn nữa. Còn diễn viên mới vào, chỉ nhận 70%, tức là 70 nghìn đồng”.
Lên sâu khấu là quên hết…
“Chuyện kinh tế cũng muốn lắm chứ, nhưng người nghệ sĩ thì cứ lên sân khấu là quên hết, không cần biết ngày mai có tiền hay không” – lời NSƯT Thúy Ngần. Nói về những khó khăn, vất vả của người làm nghệ thuật truyền thống nhưng chị vẫn luôn nở nụ cười cởi mở và câu chuyện của chị thì luôn lạc quan.
Công tác ở Nhà hát Chèo Việt Nam 25 năm, NSƯT Thuý Ngần chuyển sang làm công tác giảng dạy ngành Diễn viên Chèo (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) tới nay đã được 10 năm.
NSƯT Thuý Ngần trong một giờ giảng của lớp Diễn viên Chèo (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh). Ảnh: Nguyễn Tuyết |
Chị nói: “Thực sự khi bước sang sân chơi thứ hai là giảng dạy mình mới biết là những người giảng dạy quá vất vả. Nếu như người nghệ sĩ lên sân khấu chỉ một lượt thôi là hoàn thành vai diễn, nhưng người giảng viên phải hát, thị phạm không biết bao nhiêu lần trong một buổi sáng thì các em mới bắt chước được. Nghệ thuật truyền thống của chúng tôi không phải là theo bản nhạc, mà là truyền nghề. Chính vì thế, tôi thấy làm giảng dạy vô cùng vất vả. Nhưng cũng vì say nghề mà ai cũng muốn “nhả tơ” cho đến sợi cuối cùng”.
“Khi đã hoá thân vào nhân vật thì phải diễn ít nhất 2 tiếng đồng hồ trên sân khấu, vắt kiệt sức mình luôn, mồ hôi vã ra như tắm, diễn hết sức mình phục vụ khán giả, chứ không phải vì đồng lương mà mình làm thờ ơ được”.
Khi cả thầy và trò đều phải làm thêm
Tuy thế, chị bảo mình còn may mắn hơn một số nghệ sĩ khác. Vì là giảng viên ĐH nên Nhà nước cho chị thêm 50% lương nữa. “Còn kể cả như Thanh Ngoan bây giờ là giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đấy nhưng cũng chỉ nhận một lương thôi, kiêm nhiệm không đáng là bao”.
Một giờ học của lớp Diễn viên Chèo K32, khoa Kịch hát Dân tộc (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh). Ảnh: Nguyễn Tuyết |
Chị tiết lộ, bản thân chị cũng phải tham gia thêm các hoạt động vừa để kiếm thêm thu nhập vừa để được làm nghề. Hiện chị là giám đốc Nhà hát Thể nghiệm (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh), kiêm đủ các nhiệm vụ nhưng vẫn sắp xếp thời gian làm cộng tác viên với Nhà hát Múa Rối Việt Nam vào buổi tối.
Nghệ sĩ như chị được làm nghề để kiếm sống còn là một may mắn. Cũng có người phải làm những công việc không liên quan gì tới nghệ thuật để đảm bảo cuộc sống, ví dụ như người có nhà mặt đường thì mở cửa hàng bán hàng…. Chị bảo, có thế thì mới làm nghệ thuật được, chứ lương Nhà nước thì ai cũng như ai thôi.
“Các em sinh viên bây giờ cũng năng động. Tôi thấy các bạn thường đi hát đám cưới, sự kiện. Các bạn vẫn được hát chèo, quan họ, dân ca… mà còn có thêm thu nhập”.
NSƯT Thuý Ngần chia sẻ, cũng có khoảng 10-20% các em bị phân tâm trong thời gian học, không biết tương lai sau này của mình thế nào. Năm nay có một trường hợp ở lớp trung cấp đang học thì bỏ dở để về học trường an ninh như mong muốn của bố mẹ. “Bố mẹ nhìn thấy tương lai con không có, bắt con về hoặc lý do gì đó thì mình cũng không biết. Nhưng hầu hết các em đều say mê với nghề, theo nghề sau khi ra trường” – chị nói.
Em Phạm Văn Đoàn – sinh viên năm 3 lớp Diễn viên Chèo K32 tâm sự, mong muốn lớn nhất của em sau khi ra trường là được về công tác ở Nhà hát Quân đội. Đoàn cũng như một số sinh viên khác trong lớp cho biết hầu hết các bạn đều đã có thể sử dụng năng khiếu nghệ thuật của mình để kiếm thêm thu nhập phụ giúp bố mẹ.
Do đặc thù của nghệ thuật dân tộc, hầu hết các em ở khoa Kịch hát Dân tộc (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh) đều sinh ra và lớn lên ở các vùng quê. Đi làm thêm, nhất là được làm công việc mình thích với các em là một may mắn.
Công việc chủ yếu của các em là đi hát ở đám cưới, các sự kiện. Cô gái xinh xắn Nguyễn Thị Thanh Tân – một người con của vùng đất Kinh Bắc, cùng lớp với Đoàn chia sẻ, thù lao tối thiểu cho một “canh” (khoảng 1 tiếng đồng hồ) biểu diễn ở đám cưới là 500 nghìn đồng, có khi là 700-800 nghìn. “Nếu phải đi các tỉnh khác thì người ta sẽ lo phương tiện cho mình và thù lao có thể cao hơn”.
“Nói chung cũng tạm đủ ăn đủ tiêu với mức sống của sinh viên. Nhưng bọn em cũng chỉ tranh thủ được cuối tuần được nghỉ học mới đi được thôi, cũng không ổn định như các công việc khác” – Tân nói.
Em Nguyễn Đức Tùng thì chọn một công việc khác là hướng dẫn viên du lịch, vì theo em tự nhận là mình hát chưa tốt và ngoại hình hơi thấp nên chỉ đóng vai hề là phù hợp nhất. Em chỉ nhận “tour” ở các tỉnh miền Bắc, trong vòng 2 ngày. Thù lao mỗi ngày là 500 nghìn. Nếu làm “gala” hay “team” (những hoạt động ngoài trời, chơi trò chơi, giao lưu) thì thù lao cao hơn - là 1 triệu đồng.
Làm thế nào để không phải tuyển vớt?Hiện tại, ở miền Bắc, có 2 cơ sở đại học lớn nhất đào tạo các ngành nghệ thuật truyền thống là Học viện Âm nhạc Quốc gia và ĐH Sân khấu Điện ảnh.
Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Trưởng khoa Kịch hát Dân tộc, nơi đào tạo các ngành như diễn viên và nhạc công Chèo, Cải lương, Tuồng… cho biết, hiện tại khoa có khoảng 300 sinh viên, học sinh, trong đó khoảng 80 em học hệ trung cấp, còn lại là hệ ĐH, CĐ.
Một giờ học môn vũ đạo của sinh viên khoa Sân khấu (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh). Ảnh: Nguyễn Tuyết |
Mỗi năm, khoa tuyển từ 80-100 sinh viên đầu vào. Đầu ra của khoa cũng gần bằng đầu vào, không có nhiều trường hợp sinh viên bỏ học giữa chừng. Tỷ lệ sinh viên ra trường làm nghề cũng rơi vào khoảng 80%, còn lại 20% các em làm ở các ngành gần với nghề, như làm văn hoá, du lịch… hoặc cũng có trường hợp trái nghề hoàn toàn.
NSƯT Thuý Ngần cho biết, năm nào chị cũng chấm thi ĐH, thường thì ngành Diễn viên Chèo của chị có khoảng 50 thí sinh dự thi, trong khi chỉ tiêu là khoảng hơn chục em mỗi khoá. Cũng có những năm phải tuyển vớt vì quá ít thí sinh dự tuyển, nhưng thường là ở ngành Cải lương. “Những em thi Chèo không đỗ, chúng tôi khuyên các em chuyển sang Cải lương. Hầu hết các em đều đồng ý, sau này cũng học rất tốt và yêu nghề”.
TS Thành chia sẻ rằng ông biết khá nhiều giảng viên, nghệ sĩ cũng phải đi làm thêm ngoài giờ dạy trên lớp, cả những công việc trong nghề và những công việc không liên quan chút nào tới nghệ thuật. “Ngày xưa, có khi cả nhà hát nhận may gia công. Bây giờ, giảng viên làm nghề tay trái cũng nhiều, có người nghề tay trái là làm giò chả. Đó cũng là một công việc chính đáng thôi, một cứu cánh kinh tế để họ có thể dồn tâm huyết cho nghề, để nghề có giá trị hơn” – TS Thành chia sẻ.
Để thu hút nhân tài cho các môn nghệ thuật truyền thống, theo TS Thành, nên thay đổi trong công tác tuyển sinh. Tuyển sinh tại địa phương và đào tạo theo diện tài năng là hai phương án mà ông đề xuất.
“Đặc thù của nghệ thuật truyền thống là nghệ thuật của nhân dân, xuất phát từ quần chúng nhân dân, từ các miền quê. Như 3 lớp liên kết tuồng, chèo, cải lương được tuyển sinh từ địa phương mới đây cho thấy chất lượng sinh viên tốt hơn hẳn. Còn đào tạo tài năng là đào tạo từ nhỏ, và phương án này chắc chắn sẽ phải có sự đầu tư lớn hơn nhiều” – ông Thành nói.
Nguyễn Thảo