Ung dung ERP tai Petrolimex.JPG
Hệ thống ERP giúp quản trị hiệu quả hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Petrolimex hiện là hệ thống ERP lớn nhất Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

>> FPT: Vinashin, Vinalines không mất 92.000 tỷ đồng nếu ứng dụng CNTT / Viettel Technologies cung cấp hệ thống xERP cho Lideco3 / Công ty bánh kẹo chi nửa triệu USD cho ERP / Vinamilk chi 4 triệu USD cho hệ thống ERP / TCT Xi măng chi hàng triệu USD cho ERP

Ít doanh nghiệp triển khai ERP

Các doanh nghiệp đang xem ERP như công cụ, giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu, đồng thời giảm thiểu rủi ro, cảnh báo trước nguy cơ thiệt hại kinh tế do các số liệu, dữ liệu kinh doanh được cập nhật kịp thời và đảm bảo công khai, minh bạch tài chính. Với cương vị Chủ tịch Công ty FPT IS, ông Đỗ Cao Bảo đã từng khuyến nghị rằng chỉ cần đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng cho hệ thống CNTT hỗ trợ quản trị tài chính doanh nghiệp thì Vinashine, Vinalines đã không mất tới 92.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư triển khai ERP vẫn còn khiêm tốn. Đơn cử, trong Top 10 doanh nghiệp hàng đầu của bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam VNR500, mới có 3 doanh nghiệp công bố công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng Internet về việc đã triển khai ERP trong toàn doanh nghiệp là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (7 doanh nghiệp, tập đoàn còn lại gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam. Riêng trường hợp Tập đoàn Viễn thông Quân đội, theo tìm hiểu của ICTnews thì đã tự nghiên cứu phát triển giải pháp ERP và ứng dụng trong Tập đoàn nhưng không công bố thông tin).

Được biết, hệ thống SAP ERP tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được xây dựng trong 3 năm (2010 - 2012) có trị giá lên tới 12,6 triệu USD đang là hệ thống ERP lớn nhất Việt Nam. Chính thức vận hành trên toàn quốc từ 1/1/2013, hệ thống này đã kết nối quản trị kinh doanh xăng dầu từ Công ty mẹ - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đến 42 công ty, 21 chi nhánh, 11 xí nghiệp, 44 kho và tổng kho xăng dầu, 118 địa điểm, tích hợp với hệ thống quản lý tại hơn 2.200 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc. Petrolimex cũng là doanh nghiệp triển khai công bố thông tin về việc ứng dụng ERP mạnh mẽ, rầm rộ nhất.

Còn Vietsovpetro đã nhắm đến giải pháp ERP của Oracle từ năm 2003 và tới năm 2006, hệ thống ERP đã giúp doanh nghiệp này hiện đại hoá toàn bộ quy trình quản lý theo chuẩn thế giới, từ khâu mua hàng, nhập kho, giao hàng, quản lý vật tư cho đến khâu thương mại, tài chính kế toán, nhân lực...; giảm sự chồng chéo và đảm bảo một quy trình có tính thống nhất cao tại 15 đơn vị của toàn doanh nghiệp.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ đầu năm 2009 công bố đang triển khai dự án hệ thống phần mềm Oracle ERP với các module tài chính, vật tư, tài sản, nhân sự - tiền lương… cho các doanh nghiệp trong ngành Điện.

Cơ hội mở ra cho các nhà cung cấp ERP "nội"

Trao đổi với ICTnews về hiện trạng doanh nghiệp, tập đoàn tại Việt Nam đã triển khai ERP, đại diện Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết: Số lượng doanh nghiệp, tập đoàn triển khai ERP trên thực tế có thể lớn hơn số lượng doanh nghiệp công bố triển khai ERP. Bởi triển khai ERP không đơn giản, và đã có những dự án bị sụp đổ hoặc không đạt được sự thành công như mong đợi khi không thể thay đổi cách thức quản trị truyền thống, khiến doanh nghiệp không muốn quảng bá, tuyên truyền.

Số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm tới việc triển khai ERP đang có xu hướng gia tăng, hầu hết vẫn nhắm tới 2 giải pháp ERP đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam là SAP ERP và Oracle ERP (sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các hệ thống CNTT lớn). Một số doanh nghiệp khác do hạn chế về kinh phí đang tìm tới các giải pháp "nội" với phạm vi, quy mô triển khai nhỏ hơn.

Về phía các đơn vị triển khai ERP tại Việt Nam, FPT đang là doanh nghiệp CNTT có số lượng khách hàng làm ERP lớn nhất (theo thống kê của EAC công bố hồi tháng 2/2010, cả nước có 103 doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai ERP, trong đó có tới 52 doanh nghiệp được hỗ trợ triển khai bởi FPT). Bên cạnh FPT còn có một số tên tuổi khác như SSG (Sunshine Gimasys), Lạc Việt, Pythis (Kim Tự Tháp), TVE, CSC (Global SyberSoft), CMC, HPT, PVTech, Tectura...

Có thể thấy, cơ hội lựa chọn giải pháp và đơn vị triển khai ERP ngày càng phong phú, đa dạng. Vấn đề là các doanh nghiệp, tập đoàn có quyết tâm "thay máu" để ứng dụng ERP hay không mà thôi. 

Các tập đoàn, doanh nghiệp đang triển khai ứng dụng SAP ERP gồm: Petrolimex, Vinamilk, Tập đoàn Thép Việt, P&G Việt Nam, Panasonic Việt Nam, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, Tập đoàn Tân Tạo, Tân Hiệp Phát...Các tập đoàn, doanh nghiệp đang triển khai ứng dụng Oracle ERP gồm: Vietsopetro, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Viễn thông toàn cầu GTEL, Unilever Việt Nam, Cà phê Trung Nguyên, HT Mobile, Công ty Cổ phần Dịch vụ Tin học HPT, Zamil Steel Việt Nam...

Theo kết quả khảo sát tình hình ứng dụng CNTT trong các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng Nhà nước vừa được ông Phạm Tấn Công, Chánh Văn phòng Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương công bố mới đây, mới có 5/19 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã triển khai ứng dụng ERP (tương đương 28%) song nhìn về tương lai, 7/19 doanh nghiệp cho biết sẽ triển khai ERP trong thời gian tới (37%).