Hàng giả được sản xuất giống hàng thật tới 99%, ngay cả nhà cung cấp trong nước cũng khó xác định được. Cơ quan chức năng phải mời chuyên gia tận Mỹ sang để xác định.
Ông Phạm Văn Toàn, Phó chánh thanh tra, Bộ KHCN cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan này đã xử lý trên 50 vụ việc liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù đã có nhiều biện pháp nhưng các đối tượng làm hàng giả ngày càng tinh vi, rất giống hàng thật, bằng mắt thường không thể phân biệt được.
Thậm chí, doanh nghiệp phân phối chính hãng cũng “bó tay”. Trong một số vụ việc gần đây, cơ quan này phải mời các chuyên gia từ nước ngoài sang để xác định đâu là hàng giả, đâu là hàng thật.
Các loại túi có thương hiệu trên thế giới rất dễ bị làm giả |
Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Xuân Bình, phó Trưởng phòng Phòng chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường thừa nhận, không thể tránh khỏi việc sản xuất hàng nhái, hàng giả vì Việt Nam là nước đang phát triển. Việc phòng chống, ngăn chặn trong những năm vừa qua có những hạn chế nhất định, ngay cả nhiều nước trong khu vực cũng không tránh khỏi, trừ Nhật Bản hay Singapore.
Theo ông Bình, mì chính, đồ uống, thực phẩm chức năng,... nằm trong danh sách ngành hàng thực phẩm, đứng đầu về làm giả mặc dù chế tài rất cao, thậm chí là xử lý hình sự. Nguyên nhân chủ yếu do mặt hàng này tiêu dùng hàng ngày, dễ làm, lợi nhuận cao, có lợi nhuận, chi phí thấp và phân phối rộng rãi tất cả thị trường.
Mặt hàng thứ hai là vật tư nông nghiệp tiêu dùng chủ yếu ở nông thôn theo mùa vụ. Nhiều vụ việc nghiêm trọng về phân bón đang được xử lý. Các sản phẩm giả gây hại rất lớn cho nông nghiệp, cây trồng, đất đai, huỷ hoại môi trường. Ngoài ra còn có các mặt hàng như dược phẩm, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, đồ điện gia dụng,...
Ông Bình cho rằng, các vụ việc quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng đã bị điều tra, phát hiện đều liên quan đến hàng hoá có yếu tố nước ngoài.
Các đối tượng chia nhỏ hàng hoá vi phạm, kinh doanh nhỏ lẻ, bán trà trộn với hàng thật, trưng bày hàng thật nhưng bán hàng giả. Để tránh cơ quan chức năng phát hiện, đối tượng thường trà trộn trong khu dân cư, làng nghề vùng nông thôn, khu công nghiệp, hay bán trên Internet.
Theo đại diện Cục cảnh sát kinh tế, hàng giả chủ yếu sản xuất từ Trung Quốc sau đó được đưa vào Việt Nam gắn nhẵn mác giả và tiêu thụ. Các loại hàng giả này thường được các đối tượng đưa vào Việt Nam bằng nhiều đường kể cả chính ngạch và tiểu ngạch, trong đó chủ yếu nhập lậu qua biên giới, nhiều nhất là biên giới phía Bắc, đường hàng không, đường biển. Cảnh sát kinh tế đã bắt nhiều vụ tang vật thu giữ nhiều tấn thực phẩm chức năng giả.
“Hàng hoá nào có thương hiệu uy tín được nhiều người tiêu dùng ưu chuộng thì ngay lập tức có hàng giả”, đại diện Cục cảnh sát kinh tế cho hay.
Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường xử lý 925 vụ liên quan tới giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bao bì, số tiền xử phạt hơn 5,5 tỷ đồng; 195 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 222 vụ vi phạm về tem, nhãn bao bì hàng hoá.
Duy Anh