Như vậy, tại thời điểm này, trong ngành sữa chỉ có 2 công ty của Việt Nam chính thức giao dịch trên sàn UPCoM là Vinamilk và Mộc Châu Milk.

{keywords}
Lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (phải) trao chứng nhận đăng ký giao dịch cho
Tổng Giám đốc công ty Mộc Châu Milk (trái)

Đạt kết quả tích cực chỉ sau 1 năm “về một nhà” với Vinamilk

Mộc Châu Milk được cấp mã chứng khoán “MCM” và khối lượng đăng ký 66,8 triệu cổ phiếu với giá tham chiếu là 30.000 đồng/cp. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên giá cổ phiếu đã tăng hết biên độ lên 42.000 đồng/cp với số lương dư mua trên 7 triệu cổ phiếu.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Hải Nam, TGĐ Mộc Châu Milk cho biết: “Việc chính thức niêm yết giao dịch cổ phiếu với mã chứng khoán MCM là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về kinh doanh và quản trị công ty.

{keywords}
Ông Phạm Hải Nam, Tổng Giám đốc Công ty Mộc Châu Milk phát biểu về sự kiện có tính cột
mốc này của công ty

Chỉ trong gần 1 năm với sự tham gia của Vinamilk, Mộc Châu Milk đã ngày càng hoàn thiện với các mô hình tiên tiến về quản trị công ty, thực hành theo các thông lệ của Việt Nam và quốc tế. Có thể nói, đây là kết quả của sự phấn đấu bền bỉ, kiên định với mục tiêu xây dựng công ty theo hướng công khai minh bạch và phát triển bền vững, toàn diện”.

Năm 2020, Mộc Châu Milk đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể với hiệu quả hoạt động được cải thiện rõ rệt. Quý III/2020, doanh thu thuần của công ty tăng 14%, biên lợi nhuận gộp đạt 34,6%, cải thiện mạnh so với mức 18 - 19% các năm trước đây. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu Mộc Châu Milk tăng gần 10% lên 2.142 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 69% so với cùng kỳ và vượt 33% kế hoạch năm.

{keywords}
Ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La tham dự buổi lễ và chúc mừng
Ban lãnh đạo và tập thể CB-CNV Mộc Châu Milk

Kết quả này đến từ chiến lược kinh doanh phù hợp, tối ưu hóa chi phí, quản trị hiệu quả, tái cơ cấu hệ thống nhà phân phối và ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu sữa. Năm 2020, công ty dự kiến sẽ nộp ngân sách nhà nước khoảng 211 tỷ đồng, tăng 33% so với mức 158 tỷ của 2019.

Sự kiện cổ phiếu MCM lên sàn giao dịch cũng cho thấy sự quyết tâm cao và cam kết của Vinamilk, trong việc phát triển Mộc Châu Milk song hành cùng với Vinamilk theo phương châm công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động. Những kết quả tích cực của Mộc Châu Milk sau gần một năm đã cho thấy rõ nét hơn về chiến lược M&A thành công của Vinamilk, xuất phát từ sự đồng thuận, hợp tác cùng phát triển và gia tăng giá trị kinh tế.

{keywords}
Các sản phẩm của công ty Mộc Châu Milk

Cùng hợp tác phát triển, gia tăng giá trị

Để nâng cao năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường được mở rộng, Vinamilk đang cùng Mộc Châu Milk đầu tư thêm dây chuyền sản xuất sản phẩm sữa tươi hiện đại tại nhà máy sữa Mộc Châu, mở rộng quy mô đàn bò tại trang trại hiện hữu của Mộc Châu Milk từ 1.600 con lên 6.000 con (bao gồm nâng cấp trang trại hiện hữu lên 2.000 con và đầu tư trang trại bò sữa 4.000 con kết hợp với du lịch sinh thái). Các trang trại được định hướng theo tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý và chăn nuôi bò sữa.

Vinamilk đã cùng Mộc Châu Milk xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến đưa Mộc Châu, Sơn La thành “thủ phủ” bò sữa công nghệ cao của Việt Nam, kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái, nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân các dân tộc, phát triển tam nông theo hướng bền vững và đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương.

{keywords}
Dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng tại nhà máy sữa Mộc Châu

Chiến lược này tập trung để tăng quy mô đàn bò sữa lên gần gấp đôi, trên 40.000 con vào năm 2025, sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt trên 500 tấn/ngày. Vinamilk và Mộc Châu Milk sẽ tiếp tục phát huy những thành công của mô hình liên kết nông hộ, hỗ trợ bà con ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sữa của đàn bò.

Bên canh đó, Mộc Châu Milk sẽ phát triển một tổ hợp dự án trang trại bò sữa công nghệ cao, đạt chuẩn quốc tế, kết hợp du lịch sinh thái. Đồng thời, quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến sữa mới hiện đại trên cao nguyên Mộc Châu với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.600 tỷ đồng.

{keywords}
Mộc Châu, Sơn La được định hướng trở thành Thủ phủ bò sữa công nghệ cao của Việt Nam

Các hoạch định chiến lược này được kỳ vọng tối đa hóa tiềm năng của Mộc Châu Milk, cũng như của cao nguyên Mộc Châu, Sơn La về chăn nuôi bò sữa. Từ đó, hình thành vùng nguyên liệu sữa chuẩn quốc tế, mang đến cho người tiêu dùng trong và ngoài nước nhiều sản phẩm chất lượng.

Những bước tiến nhanh và chắc chắn đã cho thấy định hướng đúng đắn của Vinamilk và Mộc Châu Milk, trong việc đưa thương hiệu sữa có lịch sử hơn 60 năm này tiến lên một tầm cao mới, cũng như sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi kinh tế và hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam trong thời gian tới. 

Tuyết Nhung