Ở xã biên giới Lóng Sập, huyện Mộc Châu, (Sơn La) người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em còn hạn chế. 

Việc thiếu kiến thức và khó khăn về kinh tế là trở ngại lớn nhất trong việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn của trẻ rất nghèo nàn. Và quan trọng nhất là rất nhiều bà mẹ không biết cách chế biến một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm sẵn có trong gia đình.

Huyện Mộc Châu đã đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. 

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Mộc Châu, toàn huyện có trên 9.600 trẻ em dưới 5 tuổi, hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi là 12,2% và tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi là 26,6%.

Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn, huyện Mộc Châu đã đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. 

Chú trọng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống suy dinh dưỡng; cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý; thực hành trình diễn chế biến thức ăn dinh dưỡng cho trẻ; hướng dẫn phương pháp theo dõi mức độ tăng trưởng chiều cao, cân nặng của trẻ; cách chăm sóc, nuôi dưỡng, nhận biết các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ. 

Tổ chức các buổi thực hành dinh dưỡng tại các trường mầm non, các xã, thị trấn cho các bà mẹ nuôi con nhỏ; trọng tâm là các bà mẹ có con dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai để hướng dẫn cách lựa chọn và chế biến thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng cho trẻ; các bà mẹ được trực tiếp thực hành quy trình chế biến các loại thực phẩm cho trẻ.

Chị Nguyễn Thu Hường, phụ trách chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu cho hay, dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng, giúp trẻ nhỏ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi, thường có nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển cơ thể.

 Do đó, khi bị suy dinh dưỡng, trẻ chậm lớn, thường hay mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy và viêm đường hô hấp, giảm khả năng học tập... Muốn trẻ phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ theo lứa tuổi, với nhiều bữa ăn và đa dạng các loại thực phẩm, rau xanh, củ quả...

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, các trạm y tế xã, thị trấn tổ chức cân đo và đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi. Phụ nữ trong thời gian mang thai đều được khám thai và tiêm phòng uốn ván đầy đủ. Trên 95% trẻ từ 6-60 tháng tuổi và phụ nữ sau đẻ trong vòng 1 tháng được uống vitamin A. 

Triển khai dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em các tỉnh miền núi phía Bắc được thực hiện tại 5 xã có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao, đã tổ chức hàng trăm buổi tập huấn nấu bữa ăn đủ dinh dưỡng cho cho các hộ tham gia dự án. 

Nhờ vậy, tại các xã triển khai dự án, trên 90% số phụ nữ mang thai được quản lý, khám và tư vấn thai sản; hơn 85% số trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi tăng trưởng hằng tháng; trên 70% số bà mẹ có con dưới 2 tuổi biết cách chế biến bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ...
Với việc triển khai các biện pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, huyện Mộc Châu đã từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi cách nuôi trẻ hợp lý của các bà mẹ và người chăm sóc trẻ. 

Thanh Hùng, Mai Hương, Hồ Nhuỵ