Theo bà Lại Thị Bích, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB), trong số 5 tỉnh đã ngừng phủ sóng truyền hình analog vào ngày 30/12/2016 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc) RTB vẫn chưa ký được hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng cho 5 đài PT-TH kể trên. Riêng  Đài PT-TH Hải Dương đã có công văn chính thức gửi RTB về việc Hải Dương đã phát sóng kênh truyền hình thiết yếu trên hệ thống của VTV nên tạm thời từ chối chưa hợp đồng thuê RTB truyền dẫn. Còn 4 đài PT-TH còn lại RTB mới đang trong giai đoạn cung cấp hồ sơ tài liệu để các đài chọn lựa giữa hai đơn vị là RTB và công ty AVG (Truyền hình MobiTV). Hiện trên hệ thống của RTB chỉ còn truyền dẫn 4 kênh truyền hình thiết yếu của Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, đã hạ kênh của Đài PT-TH Hải Dương.  

Như vậy có nghĩa là MobiTV đã chính thức tham chiến thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 và thị trường này chính thức có cạnh tranh khi MobiTV nhập cuộc.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 3 doanh nghiệp đủ điều kiện về giấy phép để cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng theo quy định của Luật Viễn thông là RTB, MobiTV và công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV). Trong đó chỉ MobiTV có giấy phép cung cấp dịch vụ ra toàn quốc, RTB được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ cho 14 tỉnh đồng bằng Sông Hồng, SDTV cung cấp dịch vụ cho 22 tỉnh phía Nam.

Trao đổi với ICTnews mới đây, một lãnh đạo cấp cao của MobiTV cho hay,  MobiTV vẫn còn đủ băng thông và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truyền dẫn cho một số đài PT-TH địa phương có nhu cầu khi triển khai số hóa truyền hình.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc MobiTV tham gia thị trường truyền dẫn phát sóng sẽ khiến cục diện thị trường thay đổi mạnh mẽ, bởi vì nếu không có MobiTV thì RTB và SDTV sẽ cung cấp dịch vụ theo kiểu “một mình, một chợ”, chỉ khi có MobiTV tham gia thị trường mới thực sự cạnh tranh. MobiTV được đánh giá là có lợi thế hơn hẳn RTB và SDTV vì MobiTV có hạ tầng truyền dẫn DVB-T2 phát sóng ổn định hơn và phạm vi phủ sóng có thể mở rộng trên toàn quốc. Tuy nhiên, MobiTV bị hạn chế về dung lượng khi mà tần số cấp cho MobiTV đã được dùng phần lớn để phát các kênh truyền hình trả tiền.

Tại phiên họp Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình lần thứ 12, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) đã từng phát biểu: "nếu MobiTV tham gia thị trường truyền dẫn phát sóng thì hai doanh nghiệp khu vực là RTB và SDTV khó cạnh tranh nổi". SDTV cũng đề nghị Bộ TT&TT xem xét cấp giấy phép cho SDTV cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất trên toàn quốc, trước mắt cho phép SDTV mở rộng cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng cho các đài PT-TH khu vực miền Trung Tây Nguyên trên kênh tần số 35.

Theo một lãnh đạo của MobiTV, tính đến thời điểm này MobiTV đã phủ sóng truyền hình DVB-T2 trên 100% địa bàn Thái Bình, Nam Định, Long An trên 90%, Tiền Giang 100%, Bến Tre 100%, An Giang 100%, Đồng Tháp 50%. Đối với các tỉnh có địa hình phức tạp thì tỷ lệ phủ sóng số DVB-T2 thấp hơn như Quảng Ninh 34%, Thái Nguyên dưới 10%, Bắc Giang 35%, Phú Thọ 40%, Vũng Tàu 40%. Đây là tỷ lệ phủ sóng theo địa bàn có dân cư sinh sống, không phải theo địa lý.

MobiTV cũng phê duyệt kế hoạch phát triển 5 trạm phát sóng mới ở Thanh Hóa, Nghệ An, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang. Và đang trình phương án xây dựng thêm 10 trạm mới ở các tỉnh thành khác, dự kiến hết năm 2017 sẽ phủ sóng được toàn bộ các khu vực có dân cư tại các tỉnh sẽ số hóa truyền hình thuộc giai đoạn 2.