Đối với dịch Covid-19, giữ khoảng cách xã hội và tránh tiếp xúc được xem là cách hiệu quả để hạn chế lây lan virus SAR-CoV-2. Tại Kenya, một trong những biện pháp tốt nhất để thực hiện giãn cách là dùng giao dịch phi tiền mặt thông qua thanh toán bằng thẻ và các ứng dụng Mobile Money như M-Pesa, Airtel Money và Telkom Money.
Rất ít người dân Kenya dùng thẻ để trả tiền hàng hóa, dịch vụ nên Mobile Money là phương thức giao dịch không dùng tiền mặt phổ biến nhất. Nó thuận tiện với cả người mua lẫn người cung cấp dịch vụ. Gần như mọi doanh nghiệp, từ tập đoàn lớn cho tới tiệm tạp hóa nhỏ, đều chấp nhận các phương thức thanh toán khác nhau.
Nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money lớn nhất Kenya là M-Pesa, theo dữ liệu của Cơ quan truyền thông Kenya (CA). Tính đến tháng 4/2019, M-Pesa có 30 triệu người dùng. Tại đây, cư dân mua sắm, ăn uống hay đổ xăng bằng M-Pesa nhờ tính năng Lipa na M-pesa hoặc chuyển tiền trực tiếp cho người nhận. Ngoài ra, còn có các lựa chọn thanh toán khác như thẻ tín dụng, PayPal, Pesapal.
Người đi phương tiện công cộng cũng dùng M-Pesa để trả tiền vé xe. Nhờ hợp tác giữa City Star Shuttle và Safaricom – công ty sở hữu M-Pesa, 300 dịch vụ vận tải chấp nhận thanh toán bằng M-Pesa. Hành khách sẽ bắn tiền trực tiếp vào số điện thoại của thành viên của hãng vận tải. Động thái nhằm khuyến khích giao dịch không dùng tiền mặt nhằm hạn chế sự lây lan của virus.
Từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Kenya, chính phủ thúc giục các thương nhân ứng dụng giao dịch phi tiền mặt để giúp chống lại Covid-19. Các công ty trong lĩnh vực tài chính cũng được khuyến khích giảm phí giao dịch để nhiều người dân Kenya sử dụng hơn.
Hầu hết các ngân hàng đều giảm phí chuyển tiền qua M-Pesa và các ứng dụng Mobile Money khác. Safaricom thông báo khách hàng được miễn phí mọi giao dịch chuyển tiền từ 1.000 Ksh (221.000 đồng) trở xuống trong 90 ngày. Chính sách này sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ tiền mặt trao đổi giữa mọi người. Các cửa hàng nhỏ nhờ vậy được hưởng lợi vì khách hàng trả tiền dễ hơn mà không mất phí.
Ngân hàng Trung ương Kenya nâng hạn mức giao dịch hàng ngày qua M-Pesa từ 70.000 Ksh (15,4 triệu đồng) lên 150.000 Ksh (33,1 triệu đồng) để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Người dùng M-Pesa cũng được chuyển tối đa 300.000 Ksh (66,3 triệu đồng), tăng từ 140.000 Ksh (30,9 triệu đồng) trước đó và được giữ tối đa 300.000 Ksh trong ví M-Pesa.
Trung tâm thương mại Jumia giới thiệu dịch vụ giao hàng không tiếp xúc. Nếu thanh toán cho các sản phẩm bằng M-Pesa, nhân viên sẽ đặt hàng tại cửa nhà và chờ khách nhận đồ mới rời đi.
Giao dịch phi tiền mặt không chỉ giảm các lượt đến và đi từ ngân hàng mà còn giúp hàng triệu người dân Kenya thanh toán an toàn và tức thời. Theo Ngân hàng trung ương Kenya, 8 trong 10 giao dịch không dùng tiền mặt tại nước này được thực hiện trên di động. Tỉ lệ sử dụng chuyển tiền điện tử cao là lợi thế của Kenya trong cuộc chiến chống Covid-19.