Cả ba nhà mạng đều dự định chuyển đổi IPv6 cho khách hàng 3G và triển khai IPv6 trên mạng 4G LTE trong thời gian tới do hạ tầng đã sẵn sàng.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: T.C |
Chia sẻ tại Hội thảo "Triển khai IPv6 cho mạng di động băng rộng" sáng 6/5, đại diện MobiFone cho biết nhà mạng này đang rất cần IPv6 để phục vụ nhu cầu phát triển dịch vụ như dịch vụ truyền hình, dịch vụ giá trị gia tăng, các dịch vụ thuê kênh riêng, dịch vụ 3G, 4G LTE...
Tuy nhiên, khó khăn của MobiFone là vừa tách khỏi VNPT nên số lượng dải địa chỉ IPv4 public được cấp ít hơn nhiều so với các nhà mạng khác. "Chúng tôi rất cần một không gian địa chỉ rộng hơn để triển khai đa dịch vụ trên hạ tầng mạng hiện tại", đại diện MobiFone nhấn mạnh. Theo lộ trình, MobiFone sẽ bắt đầu chuyển đổi từ giữa năm 2016 và hoàn thiện dịch vụ, công nghệ vào giữa năm 2020. Khi đó, toàn bộ hạ tầng mạng VMS sử dụng IPv6, cung cấp đầy đủ các ứng dụng, dịch vụ trên nền IPv6.
Tương tự, VinaPhone cũng xác nhận đã hoàn toàn sẵn sàng cho việc triển khai IPV6 cho các dịch vụ hiện tại cũng như dịch vụ 4G LTE, dù tài nguyên IPv4 Public của mạng này vẫn đảm bảo duy trì và phát triển dịch vụ đến hết năm 2019. VinaPhone dự định chuyển đổi lên IPv6 từng bước theo giai đoạn, song song với việc duy trì sử dụng tài nguyên IPv4. Việc chuyển đổi sẽ được tiến hành từ nửa cuối năm 2015 và đến giữa năm 2020 thì cung cấp dịch vụ toàn trình IPv6.
Nhà mạng còn lại là Viettel chia sẻ một số khó khăn khi triển khai IPv6 như các website hỗ trợ IPv6 ở VN còn rất ít (15 website), Toàn bộ máy chủ VAS của Viettel chưa hỗ trợ IPv6 (mobileTV, Tiin, vfun, imuzik...), nhiều thiết bị đầu cuối chưa hỗ trợ IPv6 cho 3G... Tuy vậy, hạ tầng của Viettel cũng đã sẵn sàng và từ giữa 2016 sẽ tiến hành triển khai chuyển đổi IPv6 cho khách hàng 3G, cũng như triển khai IPv6 trên mạng 4G LTE.
Đánh giá về tình hình khởi động và triển khai IPv6 tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhấn mạnh rằng, năm 2014 đã diễn ra nhiều hoạt động quan trọng thúc đẩy phát triển IPv6 "theo đúng lộ trình" của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế về IPv6 được đẩy mạnh. Mạng IPv6 quốc gia (bao gồm hệ thống VNIX, DNS, kết nối quốc tế IPv6) được xây dựng và từng bước hoàn thiện, sẵn sàng cho việc triển khai các dịch vụ, ứng dụng trên nền IPv6.
Mặc dù vậy, theo đánh giá từ các hệ thống phân tích thống kê IPv6 quốc tế, lưu lượng và tỷ lệ người sử dụng IPv6 tại Việt Nam còn rất thấp. Việc thiếu vắng người sử dụng cho thấy hầu hết các ISP Việt Nam mới chỉ sẵn sàng IPv6 ở phần mạng lõi mà chưa vươn tới phân mạng truy nhập để triển khai IPv6 đến khách hàng.
Năm 2015 là năm cuối cùng của giai đoạn 2 – giai đoạn khởi động của Kế hoạch hành động quốc gia về thúc đẩy phát triển IPv6. Mục tiêu đặt ra khi kết thúc giai đoạn này là bảo đảm tính sẵn sàng IPv6 đối với toàn bộ hạ tầng mạng lưới Internet, chính thức cung cấp một số dịch vụ trên nền IPv6. Do đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC khẩn trương thực hiện rà soát, nâng cấp mạng lưới Internet, cơ sở hạ tầng Internet quốc gia, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn toàn hỗ trợ IPv6. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động năm 2015 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.
"Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của dịch vụ băng rộng di động 3G tại Việt Nam, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia xác định cần chú trọng thúc đẩy triển khai IPv6 trên các mạng di động. Với số lượng thuê bao 3G tương đối lớn (trên 30 triệu thuê bao) và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, việc triển khai IPv6 trên mạng di động sẽ là khâu đột phá thúc đẩy lưu lượng sử dụng IPv6", Thứ trưởng lưu ý.
Bên cạnh đại diện 3 nhà mạng, Hội thảo sáng nay còn có sự tham gia của nhiều diễn giả là các chuyên gia viễn thông, di động đến từ Hàn Quốc như đại diện nhà mạng SK Telecom, đại diện Samsung Electronics...
Trọng Cầm